Vì sao các cường quốc quân sự ráo riết phát triển vũ khí diệt vệ tinh?

Chuyên gia phân tích lý do các cường quốc quân sự như Nga, Mỹ và Trung Quốc đang ráo riết phát triển và thử nghiệm vũ khí diệt vệ tinh.

Trong bài viết đăng tải trên RIA Novosti, chuyên gia quân sự Andrei Kots nhấn mạnh bất cứ quốc gia nào sở hữu vũ khí diệt vệ tinh đều có thể dễ dàng đạt được lợi thế trong chiến tranh hiện đại.

Ông Kots cũng cho biết, hiện tại chỉ có duy nhất 3 quốc gia có thể tấn công các vệ tinh, tuy nhiên chưa có bất cứ quốc gia nào trong số này sở hữu hệ thống vũ khí diệt vệ tinh hoàn chỉnh.

10 năm trở về trước, vào ngày 21/2/2008, quân đội Mỹ lần đầu bắn hạ vệ tinh bằng hệ thống Tên lửa Tiêu chuẩn 3 RIM-161 (SM-3), vụ thử nghiệm này chính thức đưa chiến tranh hiện đại lên mức phát triển mới.

Trước đó, tháng 12/2006, Trung tâm Tình báo Không gian Quốc gia Mỹ (NASIC) phóng vệ tinh do thám USA 193 từ Căn cứ Không quân Vandenberg. Thế nhưng vệ tinh này không thể duy trì được quỹ đạo được định từ trước và tới năm 2007, Không quân Mỹ cảnh báo rằng vệ tinh này sẽ rơi xuống Trái Đất.

vi sao cac cuong quoc quan su rao riet phat trien vu khi diet ve tinh

Vệ tinh theo dõi sao băng và thiên thạch của Mỹ. (Ảnh: Không quân Mỹ)

Vệ tinh nói trên mang theo lượng nhiên liệu tương đối độc hại, do đó chính quyền Mỹ quyết định triển khai chiến dịch tiêu diệt vệ tinh nói trên mang tên “Burn Frost”. Tuần dương hạm tên lửa dẫn đường USS Lake Erie (CG-70) với hệ thống quản lý dữ liệu chiến đấu Aegis thực hiện nhiệm vụ.

Tên lửa được phóng từ chiến hạm này bắn trúng và tiêu diệt vệ tinh USA 193, khi ấy di chuyển với vận tốc 7,8 km/s. Toàn bộ chiến dịch, kể từ khi tên lửa được phóng cho đến khi mục tiêu bị tiêu diệt, kéo dài khoảng 3 phút.

Tuy nhiên, Matxcơva coi hoạt động này là 1 phần của dự án phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO, còn Bắc Kinh nhận định rằng chiến dịch “Burn Frost” của Mỹ là lời đáp trả cho việc Trung Quốc bắn hạ vệ tinh không còn hoạt động của nước này ở độ cao 800 km với tên lửa đánh chặn SC-19 vào tháng 1/2007.

“Mỹ và các cường quốc không gian khác không thích việc Trung Quốc thực hiện những vụ thử nghiệm như vậy. Dù sao thì Bắc Kinh chứng tỏ mình có khả năng tiêu diệt các mục tiêu loại này ở bất cứ độ cao nào”, chuyên gia quân sự Alexey Leonkov nhận định.

vi sao cac cuong quoc quan su rao riet phat trien vu khi diet ve tinh

Tên lửa đánh chặn SM-3 của Mỹ. (Ảnh: PD)

Ngày nay, chỉ có duy nhất 3 quốc gia có khả năng bắn hạ vệ tinh trên quỹ đạo – Nga, Trung Quốc và Mỹ, tuy nhiên không 1 quốc gia nào trong số này hiện đang triển khai tổ hợp vũ khí diệt vệ tinh hoàn chỉnh, ông Kots cho biết. Hệ thống vũ khí diệt vệ tinh được chế tạo nhằm phá hủy khả năng liên lạc của đối phương thông qua vệ tinh trong trường hợp chiến tranh xảy ra.

“Tên lửa đánh chặn của Mỹ và Trung Quốc hoạt động theo nguyên lý tấn công động năng – chúng phá hủy mục tiêu bằng cách đâm thẳng vào chúng. Hiện tại Lầu Năm Góc đang cải tiến vũ khí động năng của mình và cố gắng làm cho chúng cơ động hơn. Trong trường hợp này nghĩa là chúng sẽ có khả năng chỉnh sửa nhiệm vụ của tên lửa sau khi phóng”, ông Leonkov nhận xét.

Còn Nga sẽ sử dụng vũ khí nhiệt hạch để phá hủy vệ tinh. Chuyên gia Leonkov giải thích: “Ưu điểm của cách tiếp cận này là sau vụ nổ trong không gian, bức xạ ion hóa và một số yếu tố gây tổn hại khác không chỉ phá hủy 1 vệ tinh mà là cả nhóm vệ tinh”.

Tuy nhiên, thông số kỹ thuật vũ khí diệt vệ tinh của Nga hiện vẫn là ẩn số, mặc dù Nga sẵn sàng chia sẻ công khai các thông tin về các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đời mới của mình với các cơ quan báo chí và các hãng thông tấn, chuyên gia Kots cho biết.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô xây dựng một số chương trình, trong đó có việc chế tạo 1 trạm vũ trụ có khả năng tiêu diệt vệ tinh. Trạm vũ trụ này mang theo động cơ điều chỉnh quỹ đạo để chủ động tới gần mục tiêu và tiêu diệt mục tiêu bằng đạn nổ phân mảnh.

Còn hiện tại, chỉ có rất ít thông tin được truyền thông đăng tải về một số loại vũ khí được cho là vũ khí diệt vệ tinh của Nga, bao gồm hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo A-235 PL-19 Nudol của Almaz-Antey và hệ thống tên lửa đất-đối-không S-500 Prometey, các hệ thống này được cho là có khả năng tấn công vệ tinh trên quỹ đạo.

“Hiệu quả của vũ khí diệt vệ tinh không phải là điều bí mật đối với lãnh đạo các cường quốc trên thế giới. Thật bất ngờ khi có khá ít thông tin về chúng trên truyền thông. Việc phá hủy nhóm vệ tinh trên quỹ đạo của đối thủ sẽ làm tê liệt hoạt động liên lạc vệ tinh, khả năng do thám từ không gian và hệ thống định vị. Đây là cú đòn nặng giáng vào khả năng chiến đấu của quân đội hiện đại”, ông Leonkov giải thích.

Chuyên gia quân sự này cũng nói thêm rằng các loại vũ khí chính xác không thể hoạt động nếu không có các vệ tinh hiện đại. Trong quá khứ, quân đội Mỹ từng phải đối mặt với tình trạng hệ thống định vị GPS không hoạt động tại Iraq và phải chuyển sang dùng bản đồ giấy. Trong hoạt động thực chiến, những sự cố này có thể dẫn đến kết cục bi thảm cho cả 1 đạo quân, chuyên gia Leonkov nhận định.

Theo VTC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast