36 hộ dân xâm canh Vườn Quốc gia Vũ Quang: Đi không xong, ở chẳng được!

(Baohatinh.vn) - 36 hộ dân xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang xâm canh trong Vườn quốc gia Vũ Quang hàng chục năm nay nhưng chưa được chính quyền các cấp, chủ vườn giải quyết dứt điểm khiến họ rơi vào cảnh muốn ở chẳng được mà đi cũng không xong...

36 hộ dân xâm canh Vườn Quốc gia Vũ Quang: Đi không xong, ở chẳng được!

Anh Nguyễn Công Sơn: Nếu về ngoài làng thì biết lấy việc gì mà làm, vợ con biết lấy gì ăn.

Trong số các hộ dân xã Sơn Kim 2 đang xâm canh tại tiểu khu 74 và 77 khu vực Khe Chè (vùng Lâm nghiệp 3 cũ), do Vườn Quốc gia Vũ Quang quản lý có hộ anh Nguyễn Công Sơn (hiện đang có nhà ở thôn Thượng Kim). Anh Sơn cho biết: “Cũng như các hộ khác, gia đình tôi đã vào khu vực này từ lâu, hiện không còn nhớ mốc thời gian cụ thể. Tôi vào đây để nuôi bò, nuôi gà, nuôi lợn, trồng sắn và thực hiện các hoạt động sản xuất khác trên phần diện tích khoảng 1,5 ha...”

Nói về việc đi hay ở tại vùng xâm canh này, anh Sơn bày tỏ: “Gia đình tôi có 5 người nhưng chỉ có 12 thước ruộng ngoài làng (thôn Thượng Kim - PV), con nhỏ và vợ không có nghề gì khác. Vì vậy, nếu về ngoài làng thì biết lấy việc gì mà làm, vợ con biết lấy gì ăn.

Cách đó dăm trăm mét là ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ nhưng được xem là to nhất vùng của anh Nguyễn Văn Điệp. Gia đình anh Điệp là thế hệ thứ 3 sinh sống tại khu đất này, trước đó, bố mẹ anh mua của một người khác, họ sinh sống khoảng 7 năm thì để lại cho vợ chồng anh rồi trở về làng. Hiện nay, anh đang sử dụng 2 ha đất trồng sắn, 2 ha trồng keo, nuôi 10 con trâu bò và một số gia súc, gia cầm khác...

36 hộ dân xâm canh Vườn Quốc gia Vũ Quang: Đi không xong, ở chẳng được!

Các hộ dân xâm canh tại khu vực đang chủ yếu trồng cỏ, ngô, sắn và chăn nuôi trên vùng rừng đặc dụng.

Anh Điệp phân trần: “Đã nhiều lần chính quyền địa phương và Vườn Quốc gia Vũ Quang vào tuyên truyền và đề nghị ra khỏi rừng… Chúng tôi đã sinh sống 3 thế hệ mới có được trại này, giờ ruộng nương đã được cải tạo, sản xuất đủ nuôi sống gia đình...”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong 36 hộ đang xâm canh tại khu vực Khe Chè do Vườn Quốc gia Vũ Quang quản lý có 8 hộ làm lán trại và ở thường xuyên, 11 hộ có dựng lán trại nhưng người dân đi về và 17 hộ có sử dụng đất nhưng không dựng lán trại. Phần lớn, các hộ đang xâm canh ở đây đã có mặt từ những năm 1974-1995, trước khi Vườn Quốc gia Vũ Quang được thành lập (năm 2002). Các hộ xâm canh ở đây có từ 1-4 ha đất để trồng sắn, ngô, keo và chăn nuôi trâu bò...

Những hộ đang sinh sống tại đây luôn phải vất vả quanh năm nhưng vẫn thiếu thốn đủ bề. Mặt khác, do cách khu dân cư gần nhất khoảng 6 km nên ngoại trừ tuyến đường nhựa thì cuộc sống của người dân nơi đây còn thiếu điện thắp sáng, trường học, trạm xá, điểm sinh hoạt cộng đồng và nhiều khó khăn, thiếu thốn khác. Đặc biệt, đối với những hộ có lán trại và sinh sống tại đây thì đều trong độ tuổi sinh đẻ, có từ 2-5 đứa con nên việc con cái ăn học phải dựa vào ông bà, người thân đang ở ngoài xóm...

36 hộ dân xâm canh Vườn Quốc gia Vũ Quang: Đi không xong, ở chẳng được!

Ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ nhưng được xem là to nhất vùng của anh Nguyễn Văn Điệp

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thọ - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho rằng: "Đây là khu vực rừng do Vườn Quốc gia quản lý nên không thể ở lâu dài nhưng do nhân dân vào khai hoang, sản xuất từ lâu (trước khi vườn thành lập) nên chúng tôi phải cân nhắc kỹ. Trước mắt, tập trung tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức, nhận thức của người dân gắn với việc xây dựng phương án, quy hoạch đất đai để ổn định đời sống cho bà con".

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast