Bao che, chỉ trích con trẻ: Hậu quả khôn lường!

(Baohatinh.vn) - Xã hội càng hiện đại thì quá trình hình thành nhân cách của con người càng trở nên phức tạp. Chính vì vậy, giáo dục con cái là chặng đường gian nan của các bậc làm cha làm mẹ. Đôi khi, chỉ một sai lầm nhỏ cũng dẫn đến những hậu quả khôn lường...

Bao che, chỉ trích con trẻ: Hậu quả khôn lường!

Cha mẹ bao che con cái, vô hình sẽ dần tạo nên thói quen xấu cho con (minh hoạ Internet)

Dù có giàu trí tưởng tượng đến mấy, chị Hương cũng không ngờ rằng có một ngày, cô con gái nhỏ hiền lành của chị lại có nhưng hành vi sai trái như thế. Bông - con gái chị từ nhỏ nổi tiếng là một đứa trẻ kín đáo. Tin con mình là đứa trẻ ngoan ngoãn, hiền lành nên chị luôn bao che cho con mỗi khi ai đó phản ánh những việc làm sai trái của Bông. Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu có đứa trẻ nào “khiếu nại” rằng, chị Bông nói thế này, chị Bông làm thế kia là chị Hương “bật” lại ngay: “Không phải thế đâu, chị Bông không bao giờ làm thế cả”.

Chị Hương yêu con và tin con đến mức không cần quan tâm đến những thay đổi trong tâm lý và hành động của con mình. Còn Bông, biết rằng luôn luôn có mẹ bao che cho những hành vi của mình nên càng ngày càng lấn tới. Bông nói bậy, xúi giục bạn, thậm chí đánh bạn nhưng chị Hương không hề hay biết. Một lần sai, hai lần sai và nhiều lần sai nhưng vẫn được mẹ bao che đã vô hình tạo nên thói quen xấu của Bông.

Cho đến một ngày, khi cô giáo chủ nhiệm gặp riêng chị Hương và trao đổi về những vấn đề của con gái thì chị mới bắt đầu giật mình. Chị âm thầm theo dõi con và biết được sự thật. Chị đã có buổi trò chuyện với con và biết được rằng, thái độ bao che của mình đối với con trước mặt người khác chính là sai lầm dẫn đến những hành vi sai trái của con. May mắn là chị đã phát hiện ra sớm, nếu không, chị cũng không biết được con mình sẽ còn phạm phải những sai lầm nào nữa.

Bao che, chỉ trích con trẻ: Hậu quả khôn lường!

Chỉ trích con giữa đông người là hành vi phản giáo dục mà nhiều bậc cha mẹ không hề hay biết (minh hoạ Internet)

Không giống chị Hương, vợ chồng chị Thảo lại có quan điểm dạy con ngược lại, đó là chỉ trích thẳng thừng ngay giữa đông người. Chị Thảo có 2 đứa con trai, nếu như Tuấn hiền lành, chăm chỉ bao nhiêu thì Mạnh lại ngỗ nghịch và lười biếng bấy nhiêu. Trong giao tiếp hàng ngày, vợ chồng chị Thảo luôn khen ngợi Tuấn và chỉ trích Mạnh. Không những thế, giữa đông người, chị Thảo và chồng cũng luôn sẵng giọng nhiếc móc: “Mày là đồ lười biếng”, “Mày chẳng làm nên trò trống gì”, “sao mày không học lấy thằng anh mày một tý”, “đồ hư đốn”…

Bị bố mẹ mắng như thế, Mạnh không những không ngoan hơn mà ngày càng trở nên lầm lì. Cậu bé biết rằng, trong mắt bố mẹ, mình chẳng bao giờ bằng được anh Tuấn nên không cần phải cố gắng. Ý thức về sự thua thiệt khiến suy nghĩ và hành động của Mạnh ngày càng tiêu cực. Thay vì vui vẻ muốn khẳng định bản thân, Mạnh lại cố tình làm trái ý bố mẹ. Và, tệ hơn nữa là cậu bé ngày càng xa cách với anh trai, với bố mẹ.

Dạy con là điều cần thiết nhưng dạy con như thế nào là cả một chặng đường gian nan - không chỉ bằng tình thương, trách nhiệm mà còn đòi hỏi những kỹ năng, phương pháp mà các ông bố bà mẹ phải luôn luôn tìm hiểu, học hỏi. Đối với những đứa trẻ đang độ phát triển tâm sinh lý, nhất là những đứa trẻ cá tính thì bố mẹ cần nắm bắt tâm lý sát hơn, cần hiểu con tỉ mỉ hơn, đặc biệt là phải có thái độ tôn trọng đối với con.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast