“Bí quyết” phát triển BHXH tự nguyện của Nghi Xuân

(Baohatinh.vn) - “Đó là nhờ sự kiên trì, bền bỉ trong công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân nhận thức được quyền lợi của mình khi tham gia BHXH tự nguyện” - Giám đốc BHXH huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh - Nguyễn Thị Hoài chia sẻ bí quyết...

bi quyet phat trien bhxh tu nguyen cua nghi xuan

Giao dịch một cửa tại BHXH huyện Nghi Xuân đảm bảo nhanh gọn, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân

Nếu như các địa phương khác, BHXH tự nguyện chưa được người dân quan tâm thì tại huyện Nghi Xuân, số đối tượng tham gia ngày càng nhiều và trở thành điểm sáng của Hà Tĩnh.

Tìm hiểu “bí quyết” làm nên thành công của Nghi Xuân, chúng tôi được Giám đốc BHXH huyện Nguyễn Thị Hoài, chia sẻ: “Đó là nhờ sự kiên trì, bền bỉ trong công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân nhận thức được quyền lợi của mình khi tham gia”.

Theo chị Hoài, người dân tham gia BHXH tự nguyện có nhiều lợi ích như: Khi đủ điều kiện về tuổi đời, đã đóng 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu theo quy định; được cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc hưởng lương hưu; hưởng chế độ tuất...

Chính vì quyền lợi của người tham gia BHXH được mở rộng và khá linh hoạt nên việc nâng cao nhận thức về BHXH tự nguyện cho người người lao động và nhân dân là cách làm hiệu quả nhất. Để phát triển đối tượng tham gia, BHXH huyện Nghi Xuân luôn phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Hội Nông dân và Hội LHPN huyện, thông qua các đại lý thu để tăng cường tuyên truyền, vận động.

bi quyet phat trien bhxh tu nguyen cua nghi xuan

Cán bộ BHXH huyện Nghi Xuân hoàn thiện hồ sơ để cấp thẻ cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

Cùng đó, BHXH Nghi Xuân tổ chức các lớp tập huấn quy trình nghiệp vụ thu cho các đại lý; nâng cao kỹ năng khai thác, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho cán bộ, viên chức BHXH huyện và hệ thống đại lý thu, tạo điều kiện thuận lợi cho đại lý thu BHXH tự nguyện hoạt động...

Anh Đậu Tuấn Dũng (SN 1988, thôn Lam Long, xã Xuân Hải), cho biết: “Trước đây, tôi cứ nghĩ chỉ những người làm việc ở cơ quan nhà nước mới có quyền tham gia BHXH để có lương hưu khi về già. Nay, người lao động tự do cũng được tham gia BHXH thì còn gì bằng. Vậy là hằng tháng tôi trích một phần thu nhập để đóng BHXH và yên tâm đến khi về già đã có lương hưu...”.

Chị Dương Thị Thu Huế (thôn 11, xã Cổ Đạm) cũng vừa trích một phần thu nhập của mình để tham gia BHXH tự nguyện sau khi được một đại lý của Hội LHPN huyện tuyên truyền, vận động. Chị Huế cho biết: Giờ đây, chị đã yên tâm và sẽ vận động người thân tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu như người nhà nước...

Với cách làm đó, hằng năm, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện tăng dần. Năm 2017, toàn huyện có 212 người tham gia. Quý I/2018, có 91 người tham gia, tăng 45 người so với quý I/2017.

Để tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia, BHXH Nghi Xuân sẽ đẩy mạnh phổ biến pháp luật về BHXH tự nguyện theo hướng đa dạng hóa các hình thức; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể… tăng cường tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện; in tờ rơi, áp phích, tổ chức các hoạt động tuyên truyền miệng, nói chuyện chuyên đề, thông qua các tổ chức chính trị xã hội.... Đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao trách nhiệm, ý thức phục vụ đối tượng tham gia và thụ hưởng; đào tạo đội ngũ đại lý có khả năng nắm vững về chế độ BHXH tự nguyện; mở rộng mạng lưới đại lý để người dân dễ dàng tiếp cận và được tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast