Bình minh dưới chân đồi Lặt Cọi

Trong nắng xuân ấm áp, chúng tôi đã có chuyến ngược ngàn về với Bản Giàng ở xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê. Núi rừng nơi thượng nguồn vẫn trùng điệp một màu xanh, làn nước mát của dòng khe Cà Rờ vẫn mơn man chảy mãi về xuôi như chưa bao giờ nguôi cạn. Dường như hương sắc của núi rừng, hương sắc của mùa xuân đang thấm đẫm, hòa quyện vào lòng người của đồng bào dân tộc Chứt để tất cả họ cùng đoàn kết một lòng, nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Sương trắng vùng biên

Tuyến đường nhựa độc đạo về với Bản Giàng hết vượt qua núi cao, lại chênh vênh bên muôn trùng thác dữ. Thiên nhiên nơi sơn cao, thủy tận hùng vĩ tươi đẹp đến nao lòng, nhưng cũng là một thử thách lớn cho bất cứ ai một lần đặt chân về thăm bản. Từ trên đỉnh Lặt Cọi cao chót vót phóng tầm mắt ra xa bản làng đã thấp thoáng hiện lên giữa làn sương rơi giăng mắc.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bản Giàng khám bệnh, cấp thuốc cho đồng bào dân tộc Chứt...
Cán bộ Đồn Biên phòng Bản Giàng khám bệnh, cấp thuốc cho đồng bào dân tộc Chứt...

Nắng xuân đã len qua hốc núi soi tỏ mặt người, nhưng bản làng với những tốp nhà sàn xinh xắn thì vẫn còn như đang miên man chìm trong sương trắng. Bất chợt từ trong sâu thẳm của núi rừng vang lên tiếng chim thánh thót, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Với bà con đồng bào Chứt ở Bản Giàng từ thưở xa xưa, vào mỗi sáng sớm họ chỉ biết lấy tiếng chim rừng làm giờ thức giấc lên nương và đợi đến khi ánh mặt trời khuất dần bóng núi lại trở về bản làng sum vầy, tụ họp.

Buổi đó, dường như thời gian, năm tháng với bà con dân bản chỉ trôi dài đằng đẵng trong vô định. Bởi vậy mà trải bấy nhiêu năm hết thế hệ này sang thế hệ khác cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào người Chứt chỉ quẩn quanh trong hang sâu, ngõ hẻm, trong thung lũng thiếu vắng bóng người, thừa tiếng chim muông. Vậy nhưng gần đây, trong công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước với những chủ trương, chính sách sát đúng, hợp lòng dân đã góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo của bản làng.

Người Chứt ở Bản Giàng đã từ bỏ hẳn lối sống du canh, du cư, săn bắt, hái lượm, gạt bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu từng ôm chặt, bám riết lấy bà con. Thay vào đó, họ đã biết sống định cư để khai hoang mở đất trồng thêm cây lúa, cây ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm để cái bụng ngày một thêm no, đêm ngủ thêm ấm áp.

Chuyện về người con của núi

Trong căn nhà sàn ấm cúng, trưởng bản Hồ Việt vui mừng kể cho chúng tôi nghe về công cuộc chuyển dời của bà con dân bản. Ông Việt cho biết: Bao mùa rẫy đi qua, giờ đây những người thuộc rừng, quen rú như ông đã nếm trãi quá nhiều khó khăn, gian khổ. Ngày đó kể từ khi chạng vạng mặt người, cho đến lúc mặt trời nhá nhem ông chỉ biết băng rừng, vượt suối đào bới, tìm kiếm củ mài, hoặc săn bắt ít con thú hoang để đấp đuổi nuôi sống qua ngày. Còn những lúc có ai đó chẳng may bị ốm đau, bệnh tật thì mọi người trong bản chỉ đổ lỗi tại con ma rừng hành hạ nên lại tất bật sắm sang mâm cỗ cúng đơm.

Vào những đêm hôm khuya khoắt, giá rét thấu xương người ốm nằm la liệt dưới gốc cây ngoài bìa rừng, còn người khỏe mạnh cũng phải bám trụ hành lễ cho đến khi tiếng gà rừng gáy sáng. Vậy nhưng, người ốm chẳng lành bệnh đã đành, ngược lại những người khỏe mạnh cũng không thể chống chọi nổi khí rừng thiêng nên đỗ bệnh. Đó là câu chuyện của hàng chục năm về trước, còn hôm nay với sự quan tâm, giúp đỡ đầy tình cảm, trách nhiệm của các cấp, các ngành đặc biệt là các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Bản Giàng đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm và cuộc sống, sinh hoạt của bà con dân bản.

... và giúp họ thu hoạch mùa màng
... và giúp họ thu hoạch mùa màng

Giờ đây, tất cả đồng bào người Chứt ở bản Giàng đã có nhà cửa, nương vườn. Đặc biệt ở những bìa đất ngay sát những triền khe, con suối một thưở hoang vu nay đã nhuốm màu xanh của lúa nước. Còn trên những quả đồi cao như Lặt Cọi, Mã Tổ mới nghe qua đã rợn tóc người thì giờ đã bắt đầu phủ kín chồi non, lộc biếc của nhiều loại cây ăn quả, cây nguyên liệu. Mỗi khi ốm đau bà con đều biết tìm đến các cơ sở y tế hoặc các chiến sỹ mang quân hàm xanh để khám, chữa bệnh chứ không còn tin vào con ma rừng hành hạ như trước đây.

Chỉ tay lên những tờ lịch treo tường đỏ chói không dấu nổi niềm vui ông Hồ Việt bộc bạch: Hiện nay con trai đầu của ông là Hồ Văn Minh đang là sinh viên của Trường sỹ quan Lục quân I. Còn người con thứ là Hồ Quang Đại hiện đang theo học tại trường Cao đẳng nghề số 3 của Bộ Quốc phòng. Ngoài ra các thế hệ con cháu trong bản làng ở độ tuổi đến trường đều băng rừng, vượt suối ra mãi tận trường Dân tộc nội trú huyện Hương Khê để học hành, chăm lo cái chữ.

Ấm áp, nghĩa tình nơi biên giới

Trung tá Phan Trọng Nhân - Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Giàng cho biết: Toàn bản hiện có 11 hộ dân, với 33 nhân khẩu. Những năm trước do phong tục tập quán, do các hủ tục lạc hậu nên đời sống mọi mặt của người Chứt hết sức khó khăn, gian khổ thậm chí thiếu đói quanh năm. Bởi họ không biết sản xuất, chăn nuôi ổn định mà chỉ biết dựa vào những sản phẩm lấy được ở trên rừng. Vào mùa nắng còn kiếm được cái ăn, chứ mỗi khi mưa gió, nước khe suối dâng cao thì họ chỉ biết co cụm, lay lắt phó mặc phận người cho cái đói, cái rét. Còn bây giờ khi các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đối với đồng bào dân tộc được quan tâm, triển khai đồng bộ thì đời sống mọi mặt của người Chứt ở Bản Giàng đã có nhiều đổi thay.

Hôm nay các công trình nước sạch, rồi điện lưới quốc gia đã về với bà con dân bản. Được tiếp cận với ánh sáng văn minh nên việc ăn ở, sinh hoạt của họ cũng hợp vệ sinh hơn so với trước. Đặc biệt mỗi khi bà con lao động, sản xuất dù nắng, hay mưa các chiến sỹ biên phòng luôn có mặt để tận tình cầm tay, chỉ việc. Mặc dù giờ đây lương thực, thực phẩm do chính bàn tay họ sản xuất ra chưa đủ để trang trãi cuộc sống hằng ngày mà chủ yếu vẫn dựa vào nguồn trợ cấp, song với những gì họ đã dốc sức làm được hôm nay sẽ là tiền đề quan trọng để bà con bắt nhịp tiến lên những bước xa hơn.

Trong câu chuyện với Trung tá Phan Trọng Nhân chúng tôi được biết, thời gian qua ở Đồn Biên phòng Bản Giàng một số cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã kết tóc xe duyên với những cô gái đồng bào người Chứt. Những tổ ấm gia đình tràn ngập niềm vui nơi miền biên viễn xa xôi vừa góp phần thắt chặt mối đoàn kết quân dân vừa tạo nhiều thuận lợi cho đơn vị xây dựng thế trận biên phòng, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh.

Chiến sỹ biên phòng sống giữa lòng dân và người dân cũng có nhiều công lao giúp đỡ bộ đội. Bởi vậy mà nhiều năm qua tình hình an ninh biến giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở bản Giàng luôn được giữ vững, việc tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới luôn có sự phối hợp hết sức tích cực từ phía đồng bào người Chứt.

Rời Bản Giàng khi những tia nắng xuân ấm áp, mang bao dự cảm tốt lành đã vươn xa trải đều bên lưng chừng núi. Tiếng chim hót, tiếng suối reo hòa lẫn trong giọng nói, tiếng cười rất hồn nhiên, vui tươi của bà con dân bản. Tôi cảm nhận mùa xuân này cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Chứt ở Bản Giàng đã có sự đổi thay với nhiều gam màu tươi mới.

Ghi chép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast