Cán bộ Hội Phụ nữ cấp cơ sở - Cống hiến và nỗi niềm...

Cống hiến và nỗi niềm, đó là tất cả những gì tôi nhận thấy ở các chị, những cán bộ Hội phụ nữ cấp cơ sở. Trong thời gian qua, các chị đã có những đóng góp không nhỏ cho công tác Hội, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của các hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, nông dân. Tuy nhiên, sau bao nhiêu năm lăn lộn, tâm huyết với hoạt động, đến chặng cuối con đường, hầu hết các chị lại mang nặng nỗi niềm.

“Làm cán bộ Hội vui lắm! vất vả nhưng được cái luôn gắn kết với chị em. Đến bây giờ thì không chỉ riêng với chị em hội viên phụ nữ nữa mà hầu như bất cứ phong trào nào chị cũng có mặt. Hàng năm, MTTQ xét khen thưởng một vài người thì lúc nào cũng có tên chị”, đấy là lời tự sự đầy niềm vui, sự tự hào của chị Nguyễn Thị Bích – Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Sơn.

Phụ nữ Cẩm Thành hưởng ứng phong trào ủ phân vi sinh bảo vệ môi trường sính thái
Phụ nữ Cẩm Thành hưởng ứng phong trào ủ phân vi sinh bảo vệ môi trường sính thái

Năm 1998, chị Bích bắt đầu bước chân vào hoạt động của Hội phụ nữ với cương vị là Chi hội trưởng chi hội xóm Sơn Tiến. Thời điểm này, Chi hội thuộc loại yếu kém; tỷ lệ tập hợp hội viên chỉ được khoảng 50%. Sinh hoạt hội không đồng đều; tỷ lệ tham gia sinh hoạt lại không đầy đủ. Trước thực trạng đó, Chị Bích nghĩ, muốn phát triển được phong trào thì trước hết phải tập hợp được hội viên, phải có cách nào đó. Và bất chợt, chị nghĩ đến cách gây quỹ.

Chị Bích kể: “Trong xóm hồi đó có một chị luôn làm đến một mẫu lạc. Một mình chị thu hoạch rất vất vả. Tôi đã vận động chị em tham gia giúp chị ấy. Giúp buổi đầu không lấy tiền công, các buổi sau thì lấy tiền công ở mức thấp. Từ hoạt động đầu tiên này, chị em cùng làm với nhau vui vẻ, rồi lại bàn nhau nhận thêm các công việc khác như cấy, gặt, san lấp các mặt bằng, thầu ruộng làm lúa… Hoạt động tập thể vui, lại gây được quỹ tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, cho các hội viên khó khăn vay không lấy lãi nên đã được mọi người ủng hộ. Không những chị em tích cực tham gia sinh hoạt hội mà các ông chồng, người nhà cũng rất ủng hộ”.

Năm 2006, chị Bích được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội LHPN xã. Chị phụ trách nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội, phong trào thể dục thể thao. Chị còn làm chủ nhiệm CLB “Khi mẹ vắng nhà”; là Đại biểu HĐND 2 khóa liên tục (2006-2011; 2011-2016).

Trong câu chuyện với tôi, chị Bích say sưa kể về các hoạt động, về những gì đã làm được. Và lẫn trong các câu chuyện ấy là sự bận rộn và tấm lòng hy sinh, tận tụy. Chị thổ lộ: “Khi đã nhận nhiệm vụ rồi thì mình chỉ nghỉ phải làm thế nào để cho tốt. Còn nếu chỉ so đo với tiền phụ cấp thì… nói thật, sẽ không làm được gì cả”. Chị điểm lại phụ cấp của Phó Chủ tịch Hội LHPN xã theo năm tháng: bắt đầu từ 160 ngàn đồng, lên 180, đến 250, 730 và từ tháng 7 trở lại đây được tăng lên 1 triệu mấy chục ngàn đồng…

Không chỉ riêng chị Bích mà hầu hết các Phó Chủ tịch Hội LHPN các xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh đều có chung tình cảnh đó. Lăn lộn, cống hiến nhiều, có nhiều chị đã gắn bó với hoạt động của Hội gần đến 20 năm, phụ cấp ít đã đành nhưng đến chế độ BHXH các chị cũng không được hưởng. Vì vậy, vui thì vui thật (vì có những đóng góp cho hoạt động Hội) nhưng nhiều chị cũng không khỏi chạnh lòng.

"Dù gì thì cũng đã gần 30 năm gắn bó với hoạt động Hội Phụ nữ cơ sở, là công chức Nhà nước nhưng về hưu lại không được hưởng chế độ hưu trí không chạnh lòng sao được"
"Dù gì thì cũng đã gần 30 năm gắn bó với hoạt động Hội Phụ nữ cơ sở, là công chức Nhà nước nhưng về hưu lại không được hưởng chế độ hưu trí không chạnh lòng sao được"

Khác với các Phó Chủ tịch Hội, các Chủ tịch Hội đều là công chức Nhà nước, được hưởng lương và đóng chế độ BHXH hàng tháng. Tuy nhiên, gần đây không ít chị cũng mang nặng nỗi niềm. Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Lâm Hoàng Thị Nguyệt cho biết: Năm 1983 chị bắt đầu tham gia công tác Hội. Từ tháng 7 năm 2004 đến nay là Chủ tịch Hội LHPN xã; năm 2005 lại nay, chị kiêm thường trực UBMTTQ xã; từ 2008 lại nay kiêm thêm Phó Chủ tịch công đoàn xã. Đi lên từ sự tín nhiệm, từ chi hội nên gần như chị chủ yếu lấy thực tiễn hoạt động. Cuối 2015 chị sẽ nghỉ (vì đã 55 tuổi). Tuy nhiên, có một điều bất cập là nếu tính thời gian đóng BHXH thì đến thời điểm ấy chị mới chỉ được 11 năm.

Chị Nguyệt thổ lộ: Trước đây chị chỉ nghĩ đơn giản, quan trọng là mình làm được việc, còn việc học hành thì ưu tiên cho giới trẻ. Vì vậy nên giờ thực hiện chuẩn chức danh mình lại... thiếu (!?). Tính ra, dù lớn hay nhỏ thì cũng chỉ thiếu 1 năm nữa là tròn 30 năm chị gắn bó với hoạt động Hội. Trước đó, chị còn có một thời gian ở quân đội. Theo chị biết, với những người có bằng cấp thì được cộng thêm cả thời gian này để tính thời gian đóng BHXH nhưng với chị… vẫn là vướng chuyện bằng cấp. Thú thực, nhìn lại quá trình hoạt động, nếu về nghỉ trong điều kiện bất cập như vậy chị thấy không đành lòng.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Hà Tân cho biết: Trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều giải pháp để đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở. Thực tế, các chị cũng đã rất nỗ lực học tập; rất năng động, tâm huyết và say mê với các hoạt động của Hội. Chính các chị là những hạt nhân chính đưa phong trào phụ nữ cơ sở phát triển như hôm nay. Tuy nhiên cũng có một thực tế là đối với đội ngũ này lâu nay chúng ta chủ yếu tự học tập, tự đào tạo, vì vậy, so với yêu cầu mới, nhiệm vụ mới thì chưa thể đáp ứng được. Hơn nữa, Hội LHPN cũng đang thực hiện chuẩn hóa các chức danh, đòi hỏi cán bộ Hội cơ sở phải có bằng trung cấp về chuyên ngành trở lên; về chính trị thì phải đạt sơ cấp. Riêng đối với đội ngũ cán bộ Hội cơ sở Hà Tĩnh mới chỉ có 40% có bằng trung cấp chuyên nghiệp; 80% có bằng sơ cấp chính trị. Thực hiện lộ trình chuẩn hóa, trong Đại hội phụ nữ cấp cơ sở vừa qua, chúng tôi cũng đã cố gắng trẻ hóa đội ngũ cán bộ; phấn đấu đến năm 2015 sẽ chuẩn hóa đat 80%. Riêng về chế độ BHXH cho cấp phó và một số bất cập về chế độ chính sách cho các Chủ tịch không đạt chuẩn khi nghỉ chúng tôi cũng đã kiến nghị rất nhiều ở các diễn đàn, từ Trung ương cho đến địa phương. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả, còn phải chờ đợi…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast