Cẩn thận với kiểu bói bệnh, cắt thuốc ở chợ Vườn Ươm

Mấy ngày qua, người dân ở chợ Vườn Ươm (thành phố Hà Tĩnh) xôn xao bàn tán chuyện xuất hiện mấy ông, bà thầy thuốc dân tộc bói bệnh cắt thuốc ở cổng chợ. Vì tò mò, tôi quyết định “mục sở thị” xem thực hư thế nào...

"Thầy thuốc dân tộc" đang "bói" bệnh cho người vào chợ.

Quả không khó khăn để nhận ra những ông, bà thầy lang này. Với giọng nói từ nơi khác đến rất khó nghe, họ hơi khác người. Đặc biệt là mấy bà thầy thường mặc váy dài đến mắt cá chân, đầu đội khăn, dễ gây tò mò cho người qua lại. Gian hàng chỉ gồm vài ba gói thuốc tự chế được bày trên tấm nilon trải ở cổng chợ, họ tự xưng là những người thầy thuốc dân tộc, có bài thuốc gia truyền chữa được đủ thứ bệnh! Kiểu làm ăn của các thầy là…phán bệnh cho bất cứ ai đi qua, mặc cho người khách có nhu cầu hay không.

Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng tôi vẫn không khỏi giật bắn người khi nghe tiếng mời gọi của một bà chị trùm khăn kín mít: “Em đang có bệnh, lại đây chị xem cho”. Không như các bác sĩ Đông y khác, thường phải bắt mạch bệnh nhân rồi mới chuẩn đoán được bệnh tình, đằng này bà thầy này chỉ…bắt hình dong mà như đã hiểu thấu tận tim gan của con bệnh! Sau một hồi “bói bệnh”, thầy lấy trong gian hàng của mình một gói thuốc màu đen, viên tròn rồi bảo đấy là bài thuốc dân tộc gia truyền, uống vào sẽ đảm bảo chữa khỏi chứng chậm lưu thông khí huyết của tôi (theo như thầy phán). Vì không thấy bất cứ một nhãn mác nào được ghi trên bao bì của gói thuốc nên tôi từ chối mua hàng và bỏ đi trước khi bà thầy này kịp giở “quái chiêu” nào khác. Tôi nhìn lại góc tập trung các thầy lang, rất nhiều người hoặc có chủ ý hoặc vô tình bị “bắt cóc” cũng đang phải chăm chú nghe phán bệnh.

Tìm hiểu thêm mới biết, vài ngày trước có một chị sau khi xem bói bệnh xong, thầy đưa ra một “liều thuốc” màu đen có giá hơn 300.000 đồng và yêu cầu “người bệnh” phải mua. Vì không đủ tiền, chị đã bị thầy dọa rằng đã khám bệnh ở các thầy dân tộc này mà không mua thuốc thì sẽ bị báo ứng. Cuối cùng, chị đành “ngậm bồ hòn” trả tiền cho xong chuyện. Thế mới biết, lừa đảo có nhiều quái chiêu, nếu chúng ta không tỉnh táo thì dễ bị chúng lợi dụng. Qua đây, người viết cũng mong Ban quản lý chợ Vườn Ươm có những biện pháp thích hợp để tăng cường hơn nữa trong việc quản lý các đối tượng vào chợ buôn bán, tạo ra môi trường lành mạnh và nhất là không gây phiền hà cho người vào chợ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast