Câu trả lời trong ngày 30/4

(Baohatinh.vn) - Mỗi thời đại đều có những câu hỏi khác nhau mà cả một thế hệ băn khoăn lo lắng, đặc biệt là giới trí thức, văn nghệ sĩ, những nhà cách mạng, tầng lớp thanh niên.

Nhớ những năm đất nước lầm than nô lệ, Bác Hồ của chúng ta và các nhà nho, chí sĩ đã từng đau đáu một câu hỏi mà sau này Chế Lan Viên đã viết trong bài thơ  Người đi tìm hình của nước:

Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?

Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?

Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ

Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?

Nụ cười sẽ ra sao?

Ôi Độc lập!

cau tra loi trong ngay 30 4

Xe tăng quân Giải phóng tiến qua cổng sắt đánh chiếm Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch. Ảnh: TTXVN

Và câu trả lời đã được chính Bác Hồ trả lời bằng việc đi tìm đường cứu nước, tìm thấy Luận cương Lê-nin, “cơm là đây, hạnh phúc là đây” “Hình của Đảng lồng trong hình của nước”. Để có được một ngày Quốc khánh 2-9 và nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác Hồ chúng ta đã 30 năm bôn ba khắp năm châu, các vị tiền bối cách mạng, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong lao tù và cả dân tộc đã đứng dậy khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác.

Tiếp nối cuộc kháng chiến chống Pháp thần kỳ 9 năm của dân tộc, cuộc kháng chống Mỹ của nhân dân ta 20 năm trời cũng trải bao gian khổ hy sinh, xương máu và nước mắt. Cả dân tộc đã đoàn kết thành một khối để đấu tranh với kẻ thù. Những buổi ngày xưa vọng nói về. Tiếng của cha ông đã thúc giục cháu con tiếp tục lên đường. Không ít thanh niên hồi ấy đã từng đặt câu hỏi: Vào Đại học, ở lại giảng đường hay cầm súng bảo vệ Tổ quốc? Và họ đã gác lại giấc mơ nghiên bút để lên đường với một niềm hạnh phúc, niềm tin, niềm tự hào: Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù:

Những buổi vui sao, cả nước lên đường

Xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục

Xóm dưới làng trên, con trai con gái

Xôi nắm cơm đùm ríu rít theo nhau

Súng nhỏ súng to chiến trường chật chội

Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu

 (Đường ra mặt trận- Chính Hữu)

Bùi Minh Quốc, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm… đều đã tự hỏi: Hạnh phúc là gì? Và chính họ, cũng như bao thanh niên thời ấy, đã tìm thấy câu trả lời: Hạnh phúc là đấu tranh, là hiến dâng tuổi trẻ cho dân tộc. Tất cả đều xác định: đất nước còn bị kẻ thù giày xéo thì không ai có hạnh phúc nổi cả:

Anh nổ súng, hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng

Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra

Cho đến ngày cất bước đi xa

Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt

(Bài thơ về hạnh phúc - Dương Hương Ly)

Hạnh phúc là đấu tranh, câu trả lời không chỉ là của các nhà thơ - chiến sĩ, những anh hùng, liệt sĩ mà là thực tế của toàn dân tộc lúc ấy. Làm sao có thể hạnh phúc khi giấc ngủ bị dựng dậy giữa chừng vì tiếng bom đạn, xung quanh mình là bà con, làng xóm bị chết chóc đau thương. Trẻ em đến trường dưới những hào giao thông, lán học dưới hầm sâu và bất kỳ giờ học nào cũng có thể bị bom dội, cắt đứt tiếng giảng bài. Vụ thảm sát ở Hương Phúc (Hương Khê) và Thạch Tiến (Thạch Hà) đã làm hàng chục học sinh bị chết, nỗi đau âm ỉ đến tận bây giờ. Ngày ấy, cả dân tộc đã đấu tranh để giành lại quyền sống, quyền hạnh phúc cho mình.

cau tra loi trong ngay 30 4

TP. Hồ Chí Minh về đêm

Đất nước hòa bình, có còn câu hỏi nào về con đường đi lên của dân tộc, về cơm áo và hạnh phúc không? Những câu hỏi khác được đặt ra cũng cấp thiết không kém khi nhìn lại thực trạng đất nước sau chiến tranh, ngổn ngang hố bom, đói nghèo và lạc hậu. Hơn 40 năm qua, Đảng ta và toàn dân ta đã tìm được câu trả lời: Đoàn kết chung sức đồng lòng đi lên CNXH, đổi mới đất nước, đưa nước ra sớm thoát ra khỏi nước nghèo và kém phát triển, làm cho dân giàu nước mạnh.

Sau hơn 40 năm, hôm nay, ngồi dưới những ngôi nhà cấp 4 bình thường hay căn hộ cao sang, đi dưới ánh đèn đường rực rỡ, thưởng thức những bữa cơm ngon trong tiếng cười ấm áp và hồn nhiên của con trẻ, những ai còn nhớ tới những câu hỏi của hàng chục năm trước? Ai đã trả lời cho chúng ta câu hỏi về tự do và cơm áo, hòa bình và hạnh phúc, khi nhìn ra xung quanh thế giới, những đứa trẻ ở Syria còn bị chết trôi dạt vào bờ biển Hy Lạp, những đoàn người đói khổ ly tán, ánh mắt vô hồn tìm cách đi khỏi vùng chiến sự? Ai đã cho chúng ta được sống trong một đất nước bình yên, ổn định và đang từng ngày phát triển, đổi mới. Những tiêu cực của xã hội, nạn phá rừng, ô nhiễm môi trường sống, cá biển chết hàng loạt,  trách nhiệm thuộc về ai, có phần của chúng ta trong đó không? Thực trạng hủy hoại môi trường, nợ công kéo dài… có phải chỉ Việt Nam mới có không?

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh? Từ chuyện cá chết hàng loạt ở bờ biển miền Trung, một cô giáo ở Hà Tĩnh, như bao người khác có trách nhiệm, lo lắng cho đất nước đã viết như vậy trên trang Facebook cá nhân của mình và rất được nhiều người quan tâm. Câu trả lời, không chỉ là của các nhà chức trách, mà chính của tất cả mọi người, trong đó có cô giáo.

Làm gì để tri ân tiền nhân và xây dựng đất nước cho thế hệ tương lai là trách nhiệm của tất cả những người đang hưởng hồng ân của các anh hùng liệt sĩ, của thế hệ cha ông. Trong ngày 30-/4, câu trả lời càng rất rõ: Phải nêu cao ý thức công dân, chung tay bảo vệ môi trường sống, nâng cao trình độ quản lý xã hội, tuân thủ pháp luật, nhỏ nhất là việc vứt một cái rác đúng chỗ, trồng thêm một cây xanh đến những việc trước mắt là chia sẻ khó khăn với ngư dân bị thiệt hại, sử dụng sản phẩm sạch từ biển và lớn hơn, lâu dài hơn là đấu tranh để bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sự ổn định của đất nước, bảo vệ hạnh phúc và bình yên cho mọi người, cho chính mình. Trước mọi biến cố của đời sống xã hội, cần điềm tĩnh hơn, suy xét ngọn ngành trước sau để đi đến câu trả lời xác đáng.

Hôm nay, ngày 30/4/2016, cả đất nước kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam, biết bao câu hỏi khác đang được đặt ra cho mỗi người và chính chúng ta phải trăn trở để đi tìm câu trả lời, như chính các thế hệ trước đã trả lời hộ chúng ta.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast