“Chảo lửa” Hương Khê

(Baohatinh.vn) - Tôi về Hương Khê trong một ngày đầu tháng 6, giữa cái nắng oi nồng như thiêu, như đốt; giữa sự bủa vây của những trận gió lào hầm hập, khô rát... Thời tiết, thiên tai khắc nghiệt, khiến đời sống người dân vùng “chảo lửa” vốn bao đời khó khăn, nay lại càng thêm chật vật...

4giờ chiều, cái nắng vẫn không bớt gay gắt. Tôi theo chân chị Trần Thị Hường (xóm 2 - xã Phúc Đồng) vào đập Khe Xóm nằm ở tận đồi cao su thuộc Công ty Cao su Hương Khê để “tìm” nước. Rê xe trên con đường đất đỏ kéo dài 3 cây số, gồ ghề đá sỏi, hết “lên thác”, lại “xuống ghềnh”, nhiều lần suýt ngã…, tôi mới có thể chạm tới chân đập.

Những cánh đồng khô hạn ở Hương Khê

Những cánh đồng khô hạn ở Hương Khê

Chị Hường tâm sự: Từ tháng 2 lại nay, nhà chị đã phải đi xin nước ở các vùng thấp lân cận. Nhưng, đến nay thì giếng mọi nhà đều cạn kiệt, tất cả nguồn nước sinh hoạt phục vụ tắm rửa, giặt giũ, thậm chí là ăn uống, bà con đều phải lặn lội vào đập chứa nước của xóm để lấy. Tôi đã được nghe nhiều về sự khắc nghiệt của đất trời Hương Khê, nhưng khi tận mắt chứng kiến, vẫn không khỏi bàng hoàng bởi sự dữ dội của nắng nóng.

Ông Đặng Hữu Vy - Xóm trưởng xóm 2 cho biết: “Đối với bà con Phúc Đồng, đây là trận hạn hán lịch sử kể từ năm 1997 lại nay. Hơn 3 tháng trời nắng nóng liên tục, hiện 70% hộ dân xóm 2 đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, hàng chục hộ phải lấy nước ở giếng lối giữa đồng về ăn…”.

Mùa hè thiếu nước đã trở thành nỗi khổ thường trực của bà con Hương Khê, đặc biệt là các xã Hà Linh, Phương Điền, Phương Mỹ… Theo ông Phan Văn Thuận - Trưởng phòng Y tế huyện: “Nắng nóng kéo dài khiến tỷ lệ người mắc bệnh sởi tăng cao hơn các tháng khác; dịch sốt xuất huyết, chân - tay - miệng, các bệnh về da… đang đứng trước nguy cơ bùng phát”.

Hạn hán cũng tác động lớn đến tình hình sản xuất. Anh Trần Đình Tâm - chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Lượng mưa 5 tháng đầu năm là 204,5 mm, bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 5/2013, lượng mưa 124,2 mm; trong khi đó, tháng 5/2014 chỉ 31 mm. Toàn huyện có 157 công trình hồ đập thủy lợi, trong đó 19 công trình do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý thì thời điểm này lượng nước chỉ đạt 50-60% so cùng kỳ. Các công trình do địa phương quản lý hầu hết lượng nước đã chạm mức nước chết, không thể điều tiết, hoặc chỉ điều tiết 1-2 đợt là hết nước. Do vậy, nguy cơ thiếu nước sản xuất hè thu rất cao”.

“Năm nay, lúa xuân bội thu, nhưng hanh khô kéo dài nên năng suất ngô và lạc giảm. Hiện nay, bà con đang thu hoạch lạc nhưng một số vùng đất thịt nền cứng nên rất khó khăn. Hương Khê có 3.000 ha đất sản xuất, nhưng vụ hè thu này có hơn 500 ha phải bỏ hoang vì thiếu nước trầm trọng, tập trung ở các xã: Hà Linh, Phúc Đồng, Phương Điền, Phương Mỹ…; gần 300 ha ở các xã Hương Thủy, Hương Giang… phải chuyển sang trồng đậu; 2.200 ha còn lại trồng lúa, nhưng chỉ 1.000 ha chủ động nước, diện tích còn lại có nguy cơ thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng… Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND huyện đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống hạn và xây dựng các phương án cụ thể chống hạn, phục vụ sản xuất, dân sinh”, ông Nguyễn Trọng Hoài - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết.

Người dân Hương Khê chắt chiu từng giọt nước

Người dân Hương Khê chắt chiu từng giọt nước

Hạt Kiểm lâm Hương Khê vắng hoe, chỉ vài anh em bộ phận hành chính, còn đa phần cán bộ, nhân viên phải cắm chốt kiểm tra tại các trạm trên địa bàn; hơn 11h trưa mới gặp được Hạt trưởng Nguyễn Cự Duẩn. Anh Duẩn cho biết: “Nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao, độ ẩm thấp… có thể xem là thủ phạm gián tiếp gây cháy rừng. Đặc biệt, khi có đám cháy xảy ra, gió lớn, dụng cụ chữa cháy thô sơ… nên rất khó khống chế. Nếu năm ngoái, toàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ cháy rừng, thì đến đầu tháng 6 năm nay, Hương Khê đã có 6 vụ phát lửa, trong đó 1 vụ nghiêm trọng xảy ra ngày 23/5 tại tiểu khu 226 thuộc xã Lộc Yên làm cháy 15,8 ha rừng, thiệt hại 4,74 ha rừng thông nhiều năm tuổi xen keo…”.

Một ngày hè trên đất Hương Khê, tôi cảm nhận được rõ nét cái khó, cái khổ của bà con miền núi. Ra về khi trời vừa xẩm tối, con đường nhựa phẳng lì vẫn hầm hập tỏa nhiệt. Hai bên đường vẫn là hình ảnh người dân quang gánh kĩu kịt trên vai đi lấy nước… Hương Khê cần lắm những chính sách hỗ trợ để vượt qua sự khắc nghiệt của thiên tai…

Ông Nguyễn Nghĩa - quyền Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết: Hương Khê là tâm nóng của Hà Tĩnh và cả nước. Nằm ở phía Tây Hà Tĩnh, địa hình cao, lại sát đường biên dãy Trường Sơn, tiếp giáp với Lào, đón thẳng gió phơn tây nam khô nóng thổi trực tiếp từ Lào sang, cộng với sự biến đổi khí hậu… nên mùa hè ở Hương Khê luôn ở mức báo động đỏ, nhiệt độ thường trực là 38-40oC, thậm chí là 41, 42oC. Đặc biệt, tháng 5 vừa qua, Hương Khê phải chịu đợt nắng nóng diện rộng, kéo dài đến 22 ngày, trong đó 10 ngày nắng nóng gay gắt.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast