Chạy quá tốc độ - ẩn họa khôn lường cho người tham gia giao thông

Chuyện chạy quá tốc độ quy định là hình ảnh đã trở nên quá quen thuộc trên mỗi tuyến đường. Sẽ không có gì đáng nói nếu như đây không phải là nguyên nhân của hàng trăm vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian qua, trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương một lúc nhiều người.

Hiện trường vụ tai nạn tại Kỳ Anh ngày 4-19-2009. Ảnh: Vũ Viễn

Qua số liệu điều tra của cơ quan chức năng thì trên 90 % nạn nhân tử vong từ những vụ TNGT kể trên. Hậu quả của những vụ tai nạn giao thông này hẳn không phải là vấn đề quá sốc khi được nhắc đến. Bởi tốc độ cao đồng nghĩa với lực quán tính và va chạm của các phương tiện là rất lớn. Thế nhưng, lâu nay trên các tuyến giao thông vẫn còn khá nhiều phương tiện vượt quá tốc độ cho phép khi tham gia giao thông.

Điển hình là v ào lúc 2 gi ờ sáng ng ày 4-10-2009 tại Đèo Con thuộc địa bàn huyện Kỳ Anh xảy ra vụ TNGT làm chết 8 người và bị thương 23 người. Tai nạn xảy ra khi xe khách mang BKS 88H - 3564 chạy theo hướng Bắc - Nam đâm trực diện vào xe ô tô khách gường nằm mang BKS 43S - 3610 do Lê Đình Vũ (sinh năm 1978, ở Thanh Khê, Đà Nẵng) chạy hướng Đà Nẵng - Vinh điều khiển. Nhìn mức độ thiệt hại của 2 phương tiện này có thể khẳng định tốc độ của xe là rất cao, từ đó dẫn đến cú va chạm mạnh làm chết và bị thương nhiều người.

Thành phố Hà Tĩnh là địa bàn có mật độ người tham gia giao thông tương đối đông, đồng thời cũng là địa bàn có hệ thống đường giao thông phát triển. Số phương tiện tham gia giao thông chạy quá tốc độ trên các tuyến đường nội thành cũng chiếm một tỷ lệ lớn. Trong số đó, thanh niên là đối tượng vi phạm nhiều nhất. Trung bình cứ 10 thanh niên điều khiển xe mô tô thì có từ 2 đến 3 người vi phạm tốc độ.

Mọi chuyện đều bắt đầu từ ý thức của người tham gia giao thông. Ảnh: Thanh Hoài

Vi phạm này không chỉ xảy ra trên địa bàn thành phố mà hầu hết các tuyến đường giao thông từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp tình trạng trên. Tại một điểm tuần tra xử lý của lực lượng CSGT trên địa bàn huyện Can Lộc, các phương tiện vi phạm đều liên quan đến tốc độ. Qua tìm hiểu thì những người vi phạm này đều biết những hậu quả từ việc điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, thế nhưng chẳng ai quan tâm đến việc chấp hành tốt pháp luật về ATGT.

Biết được hậu quả nhưng vẫn vi phạm, đó chính là thói quen và cách nghĩ của không ít người tham gia giao thông. Trên thực tế đã có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xuất phát từ cách nghĩ và hành động ấy của người tham gia giao thông. Việc chạy quá tốc độ là do ý thức của người điều khiển phương tiện. Nhiều lái xe khách khi điều khiển phương tiện đã cho xe chạy quá tốc độ cho phép, thậm chí ngoài việc phóng nhanh còn vượt ẩu để tranh dành khách.

Để kiềm chế các loại hành vi này, các cấp ngành và lực lượng chức năng ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý của lực lượng giao thông thì việc đưa ra những biện pháp để xử lý tận gốc vi phạm của đội ngũ lái xe vẫn đang là một đòi hỏi cấp bách. Bởi trên thực tế nếu như người điều khiển phương tiện không có ý thức tự giác chấp hành luật, không coi trọng tính mạng và an toàn của hành khách thì nguy cơ TNGT vẫn luôn là những ẩn họa khôn lường trên các tuyến quốc lộ. Nên chăng, trong chế tài xử phạt, có thêm qui định chịu phạt trách nhiệm, hình sự đối với các chủ xe hoặc cơ quan quản lý xe để xảy ra tai nạn; chứ không riêng gì lái xe là người chịu trách nhiệm chính.

Thời gian qua, các cấp ngành và lực lượng chức năng đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và tuần tra xử lý vi phạm nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, xử lý nghiêm các hành vi coi thường luật giao thông. Nhiều buổi lên lớp giảng luật giao thông được các cán bộ phòng CSGT duy trì đều đặn tại nhiều huyện, thị trong toàn tỉnh. Ngoài các thông tin về tình hình TNGT và các văn bản luật, các giảng viên đã đặc biệt nhấn mạnh đến nội dung về tốc độ an toàn khi tham gia giao thông. Phân tích cácvụ TNGT và hậu quả của nó nhằm giúp mọi người hiểu và chấp hành tốt hơn pháp luật về ATGT.

Mặc dù các cấp, các ngành và lực lượng chức năng đã có nhiều hoạt động đảm bảo trật tự ATGT, song tình hình trật tự ATGT chỉ có thể đi vào ổn định một khi người tham gia giao thông tự giác chấp hành tốt pháp luật về ATGT. Luôn điều khiển phương tiện đi đúng luật, đúng tốc độ vẫn là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast