Chuyện học sinh tự tử và vấn đề giáo dục tâm lý tuổi mới lớn

Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn Hà Tĩnh liên tiếp có 4 học sinh (HS) tự tìm đến cái chết để giải quyết những khúc mắc trong lòng. Sự ra đi của các em đã để lại đau thương, xót xa cho bạn bè, người thân và cả sự bàng hoàng trong dư luận về vấn đề tâm sinh lý, suy nghĩ của giới trẻ.

Hiện trường vụ nhảy cầu tự tự của em Phan Thị Xuân (SN 1995), trú tại xóm Tây Sơn, xã Mai Phụ, học sinh lớp 9G, trường THCS Tân Vịnh (Lộc Hà).
Hiện trường vụ nhảy cầu tự tự của em Phan Thị Xuân (SN 1995), trú tại xóm Tây Sơn, xã Mai Phụ, học sinh lớp 9G, trường THCS Tân Vịnh (Lộc Hà).

Khi dư luận vẫn còn xôn xao về cái chết của cậu HS lớp 9 (Trường THCS Mỹ Châu - Lộc Hà) với lý do vi phạm kỷ luật, bị cô giáo bộ môn ghi vào sổ đầu bài, phạt trực nhật nên đã dại dột quyên sinh; thì những ngày đầu tháng 5 (chưa đầy 20 ngày sau đó) lại có thêm một nữ sinh lớp 9 (trường THCS Tân Vịnh - Lộc Hà) nhảy cầu tự tử chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ trong gia đình.

Trước đó, vào tháng 3/2013, nữ sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Trung Thiên (Thạch Hà) cũng đã tự tìm đến cái chết chỉ vì bị bắt làm bản tự kiểm điểm về sự cố mất 19 chiếc ghế nhựa và yêu cầu mẹ của HS đó có mặt tại trường để họp kiểm điểm trách nhiệm mà không cho phép người khác đi thay.

Cũng trong tháng 3, một nam sinh lớp 7 (Trường THCS Cẩm Thạch - Cẩm Xuyên) được phát hiện treo cổ bên cửa sổ nhà cũng do những khúc mắc trong quá trình học tập.

Điều hết sức đau lòng, 3 trong số 4 HS kể trên là những HS có hoàn cảnh khó khăn nhưng các em đã biết vươn lên trong học tập. Những sự việc đáng tiếc trên đã gióng lên hồi chuông báo động về việc giáo dục đạo đức, lối sống, sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với lứa tuổi vị thành niên hiện nay. Bởi trong giai đoạn giao thời giữa tuổi vị thành niên và trưởng thành, các em rất muốn chứng tỏ mình. Tuy bề ngoài các em có thể tỏ ra ương ngạnh, cứng rắn nhưng tâm hồn lại rất dễ bị tổn thương. Vì thế, trước một vấn đề khó giải quyết, các em sẽ cảm thấy mặc cảm và nảy sinh những hành động dại dột.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của thông tin, sự trôi nổi của văn hóa phẩm không lành mạnh, những cảnh chém, giết, tự sát xuất hiện ngày càng nhiều trên phim ảnh, trên các trang báo mạng... ít nhiều cũng đã tác động đến các em, dẫn đến những lệch lạc trong tâm lý.

Nhìn lại nguyên nhân gây ra những sự việc đau lòng, trước hết, các gia đình cần có sự quan tâm đúng mức và có biện pháp định hướng tốt cho con em mình. Sự quan tâm của cha mẹ trong việc theo dõi sự đổi thay trong cuộc sống, chia sẻ những tâm tư, tình cảm sẽ là biện pháp hữu hiệu, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con vượt qua những vấp váp đầu đời.

Bên cạnh đó, ngoài việc dạy kiến thức, các nhà trường cũng cần chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng, lối sống cho HS, hướng dẫn các em cách giải quyết những vấn đề mâu thuẫn thường gặp, đồng thời biến những câu chuyện đau lòng này thành bài học kinh nghiệm, hồi chuông báo động để cảnh tỉnh những HS khác. Riêng với một số giáo viên, khi giáo dục HS mắc lỗi cũng cần linh động xử lý bằng những phương pháp thấu đáo hơn để HS hiểu và sửa chữa, điều tối kỵ nhất là xúc phạm tới nhân phẩm, danh dự của các em. Sau khi phê bình, nhắc nhở và có biện pháp kỷ luật, không được chủ quan mà cần phải tiếp tục theo dõi diễn biến tâm lý của các em để kịp thời xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra.

Cùng với gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội như đoàn, đội... cũng cần phát huy vai trò trong việc tạo những sân chơi, những chuyên đề bổ ích để giúp các em sống hòa nhập hơn, trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Và để hạn chế tối đa những vụ việc đau lòng, quan trọng nhất vẫn là bản thân các em. Nếu một mình không tự giải quyết được, hãy tìm đến sự trợ giúp từ người khác như bạn bè, người thân, đó cũng là một cách giải quyết. Các em cần phải biết quý trọng mạng sống của mình bởi vì mỗi con người sinh ra chỉ có duy nhất một cuộc đời để sống và cuộc sống luôn tồn tại những mâu thuẫn, mình phải biết cách chấp nhận và lựa chọn cách giải quyết hợp lý.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast