Chuyện những người sống chung với bão, lũ

(Baohatinh.vn) - Đối với những vùng đặc thù, thường xuyên hứng chịu hậu quả thiên tai, năm nào cũng vậy, những trận lũ to rồi lũ nhỏ cứ “đến hẹn lại lên”. Thích ứng với những cuộc ghé thăm của những “vị khách không mời”, nhiều năm nay, người dân phải tự học cách sống chung với lũ.

chuyen nhung nguoi song chung voi bao lu

Cứ đến tháng 7, ông Nguyễn Mạnh Hòa (xóm 10, xã Hà Linh, Hương Khê) lại chuẩn bị thuyền nhỏ để sẵn sàng ứng phó với mưa lũ.

Trước mùa lũ hàng tháng trời, ông Nguyễn Đình Thức (thôn Thượng Sơn, xã Phương Mỹ, Hương Khê) lại tất bật cho công tác chuẩn bị phao nổi, thuyền bè. Và không chỉ ông Thức, với hầu hết người dân Phương Mỹ, phao nổi là vật dụng không thể thiếu mỗi khi mùa mưa đến. Đó là chiếc phao tự chế được người dân nối lại từ những thùng phuy bằng nhựa. Sau khi thùng phuy nối thành bè thì được chằng néo chắc chắn quanh gốc cây trong vườn hoặc cột nhà. Mưa lũ đến, những tài sản có giá trị và vật nuôi sẽ được đặt lên phao, nước nổi thì phao nổi, cứ thế lênh đênh cho đến khi nước rút.

Anh Phạm Văn Hòa - Trưởng thôn Thượng Sơn cho biết: Với các hộ dân nhà quá thấp lụt thì khi mưa to sẽ di dời lên các nhà khu vực cao hơn. Mỗi nhà trong thôn đều chuẩn bị các thuyền, bè nhỏ để tiện vận chuyển đồ đạc và đi lại trong mưa lũ. “Tháng 5 lụt Tiểu mãn”, “tháng 8 lũ Lập thu”, cứ theo kinh nghiệm dân gian, nhìn con nước, những người dân ở đây luôn sẵn sàng cho “mùa di cư”.

Với thời tiết năm nay, theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Mạnh Hòa (xóm 10, xã Hà Linh, Hương Khê) thì: Những năm nhuận thường mưa nhiều, hơn nữa, năm nay, ong vò vẽ làm tổ trên cao nên khả năng sẽ có lũ to. Sợ là ngoài rằm tháng 6 nhuận sẽ có đợt lũ to. Năm nào, ong vò vẽ làm tổ dưới thấp thì năm ấy dễ có bão.

Còn với những người dân vùng hạ du của hồ Kẻ Gỗ, nhiều khi chỉ một đợt mưa lớn là hồ lại xả tràn nên từ lâu, người dân đã phải sống chung với ngập lụt. Năm nay, mưa lũ đến sớm, bà Nguyễn Thị Dung (thôn 8, xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên) không giấu nổi lo lắng: “Tính sơ sơ, năm ngoái, toàn xã có 5 lần ngập, lần dài nhất nước ngâm gần tuần lễ, việc di chuyển khó khăn nên lương thực, thực phẩm, đặc biệt là thuốc trị các chứng nước ăn chân tay, thuốc đau bụng rất cần thiết. Năm nay, dự báo mưa bão nhiều, chỉ tính riêng tháng 7 vừa qua có tới 2 cơn bão, vì vậy, việc chuẩn bị lại phải sớm hơn và kỹ càng hơn”.

Cũng thường xuyên bị lũ uy hiếp, bởi vậy, những người dân vùng ngoài đê huyện Đức Thọ đã quen với việc chạy lũ và sống chung với lũ. Chủ tịch UBND xã Liên Minh Nguyễn Quốc Hoạt cho biết: Là địa phương vùng ngoài đê, khi mưa lũ, toàn xã có hơn 30% nhà dân bị ngập sâu nên gần đến mùa mưa bão, bà con đều chủ động các biện pháp phòng chống. Trước mùa lũ, người dân đã chặt hạ cây cối, kê gác lương thực, mua sắm thuyền bè, chằng néo nhà cửa, khơi thông cống rãnh. Ngoài thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), cán bộ xã thường xuyên xuống tận cơ sở kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, vận động người dân di dời tránh lũ khi cần thiết. Trong sản xuất, đối với vụ hè thu, người dân trồng cây hoa màu ngắn ngày để thu hoạch sớm trước khi mùa mưa bão đến.

chuyen nhung nguoi song chung voi bao lu

Người dân Hương Khê đã quá quen với lũ và luôn sẵn sàng các phương án ứng phó. ảnh: Thu Hà

Với người dân miền biển, bão và lũ là hung thần chẳng thể chế ngự. Từ lúc 10 tuổi, ông Nguyễn Văn Lòng (thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim, Lộc Hà) đã theo cha đi biển, đến nay đã có trên 50 năm và cũng chừng ấy thời gian ông và ngư dân vùng biển Thạch Kim học cách chống chọi với bão, lũ do ông cha truyền lại. Theo ông Lòng, sắc trời chiều có ráng đỏ thì đó là dấu hiệu sắp có gió mạnh, rồi nhìn con nước, nếu nước lên to cũng là dấu hiệu cho thấy thời tiết nguy hiểm. Tháng 10 trở đi gió thổi 1 chiều, nhưng từ tháng 3 đến tháng 8, những cơn gió tây bắc thổi mạnh hoặc quẫn gió cũng là lúc tàu thuyền nên tìm chỗ trú. Năm nay, mưa bão ngay giữa vụ cá khiến ngư dân thấp thỏm lo âu. “Trời yên, biển lặng thì mới dong buồm ra khơi được, còn khi có bão, ngư dân chúng tôi thường chờ nhau vào cửa lạch, giúp nhau khi mắc cạn. Khi neo cũng sát vào nhau, đề phòng có tàu thuyền bị đứt neo thì cứu hộ kịp thời” - ông Lòng chia sẻ thêm.

Được biết, hiện nay, những ngư dân đánh bắt trên biển thường thành lập các tổ hợp để hỗ trợ nhau khi khó khăn, hoạn nạn hoặc thông tin đến những nơi có luồng cá đi qua nhằm góp phần tăng sản lượng đánh bắt, giảm rủi ro. Và đó cũng là cách những người dân vùng lũ giúp nhau. Lũ chưa tới đã giúp nhau vận chuyển lương thực, đồ đạc lên cao; những gia đình ở khu vực cao dọn dẹp nhà cửa để làm nơi lưu trú tạm thời cho những người dân vùng thấp trũng; rồi khi lũ tới lại dùng thuyền nhà mình đi cứu hộ những gia đình gặp khó khăn… Linh hoạt, sáng tạo trong ứng cứu, cảm thông, sẻ chia tình thương từ cộng đồng và biết gồng mình khắc phục sau khi lũ rút, đó dường như là bí quyết để những người dân sống chung với lũ và vượt qua lũ để ổn định cuộc sống.

Dự báo thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, chỉ trong tháng 7, người dân Hà Tĩnh đã phải trải qua 2 cơn bão sớm. Thế nhưng, với những kinh nghiệm và truyền thống vốn có, cùng tinh thần sáng tạo, ý chí vượt khó, người dân ở vùng khó đã sẵn sàng ứng phó và vượt qua thử thách của bão lũ. Như lời những người dân nơi đây vẫn động viên nhau rằng, còn người, còn của, bao mùa lũ đi qua, dù khó khăn, gian khổ nhưng rồi phù sa lại về làm tốt tươi ruộng đồng.

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast