Chuyện “sống chung” với lũ của cư dân ngoài đê La Giang

(Baohatinh.vn) - Các xã ngoài đê huyện Đức Thọ bao đời nay được ví là vùng “rốn lũ”. Thời tiết khắc nghiệt, người dân nơi đây đã chủ động mọi biện pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chủ động ứng phó

Chủ tịch UBND xã Đức La - Nguyễn Xuân Linh dẫn tôi “mục sở thị” khu nhà kho dùng để neo đậu tàu thuyền ứng phó với bão lụt. Ở đó, những người thợ đang miệt mài duy tu, bảo dưỡng những chiếc thuyền để làm phương tiện sẵn sàng “chiến đấu” trong mùa mưa bão tới.

“Là xã ngoài đê, địa hình phức tạp, sâu trũng, bị bao vây bởi dòng nước sông La và sông Trổ, hàng năm, từ tháng 9 đến tháng 11, Đức La phải chịu 3-5 đợt mưa lũ kéo dài. Lũ như “vị khách quen” nên người dân luôn ở tư thế sẵn sàng đón nhận và chủ động ứng phó trong mọi tình huống” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Linh mở lời.

Nhà vượt lũ ở vùng ngoài đê Đức Thọ
Nhà vượt lũ ở vùng ngoài đê Đức Thọ

Đối với Đức La, phòng chống bão lụt (PCBL) đã trở thành nhiệm vụ hàng đầu trong chính sách phát triển KT-XH. Hàng năm, chính quyền địa phương chủ động xây dựng kế hoạch với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy; lực lượng; vật tư, phương tiện; hậu cần). Đồng thời, xã còn hợp đồng với các địa phương trong đê như: Trung Lương (TX Hồng Lĩnh)… để chuyển người và gia súc đến trú tránh khi mưa lũ quá lớn. Đặc biệt, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hậu quả mưa lũ để nhân dân có phương án chủ động ứng phó.

Năm nào cũng bị lũ “ghé thăm” nên người dân xã Trường Sơn đã có truyền thống phòng chống. Ông Nguyễn Lĩnh Bát (thôn Bến Đền) chia sẻ: “Mùa này, người dân Trường Sơn nói riêng, nhân dân ngoài đê nói chung đang tập trung chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đối phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai”.

“Từ trung tuần tháng 8 trở đi, các sản phẩm nông nghiệp đã được bà con phơi khô, đưa lên nhà chạn cất trữ. 100% hộ có thuyền nhỏ, thuyền ba ván phục vụ đi lại trong mùa lũ. Nhân dân chủ động lương thực, thực phẩm khô, đủ dùng trong 10 - 15 ngày, thậm chí là cả tháng khi lũ về. Đại đa số hộ dân đã xây dựng bể chứa nước mưa để có nước ăn uống, sinh hoạt trong lũ…”, ông Chu Đình Lưu - Chủ tịch UBND xã Đức Quang cho hay.

Giảm thiểu thiệt hại

Chủ động ứng phó với lũ, các xã vùng ngoài đê thường có phương án hữu hiệu để bảo vệ thành quả sản xuất của mình. “Người dân đã xây dựng nhà vượt lũ để gia súc, gia cầm trú tránh, đảm bảo an toàn khi nước dâng cao. Đồng thời, lịch thời vụ cũng được lồng vào phương án PCBL để có thể thu hoạch sớm, né tránh thiên tai. Vụ sản xuất hè thu năm nay, các xã ngoài đê chủ yếu sử dụng giống lúa ngắn ngày và theo kế hoạch, nhân dân sẽ thu hoạch trước 30/8” - ông Nguyễn Thanh Hải - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ chia sẻ.

Người dân duy tu, bảo dưỡng thuyền bè ứng phó với lũ lụt.
Người dân duy tu, bảo dưỡng thuyền bè ứng phó với lũ lụt.

Ông Nguyễn Quang Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Vĩnh cho biết: “Kể từ trận lũ lịch sử năm 2002 làm 1 người chết, từ đó đến nay, không có thiệt hại nào về người; thiệt hại về tài sản, các công trình phúc lợi công cộng cũng được hạn chế tối đa. Trong những trường hợp lũ bất thường, hoa màu chưa đến vụ thu hoạch, chúng tôi mới chịu thua”.

“Bên cạnh sức tàn phá thì khi lũ đi qua, một lượng lớn phù sa được bồi đắp, tạo điều kiện phát triển sản xuất. Không những thế, lũ đã cuốn các loài sâu bọ, chuột và mang lại nguồn lợi thủy, hải sản nhất định…, Chủ tịch UBND xã Đức La - Nguyễn Xuân Linh cho biết thêm.

Không chỉ Đức La, Đức Quang, Đức Vĩnh, mà các xã Trường Sơn, Liên Minh, Đức Tùng, Đức Châu đều trong tư thế sẵn sàng ứng phó với bão lũ. Những địa phương này đều là điểm sáng trong công tác PCBL. Rời vùng đất lũ, chúng tôi tin thiên tai sẽ không thể quật ngã được ý chí và sức mạnh của những con người nơi đây.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast