Chuyện về người “cướp cơm Hà Bá”

(Baohatinh.vn) - Lần theo chỉ dẫn của bà con, vượt qua những ngõ hẹp ngoằn ngoèo như phố cổ của xóm Sông Hà 2 (Thạch Long - Thạch Hà), cuối cùng chúng tôi cũng tìm đúng nhà người “bắt ma nước” Nguyễn Văn Xin...

Cái nghiệp đa mang

Căn nhà nhỏ, thấp lè tè hướng mặt ra phía cửa sông, bên trong vẳng lên tiếng ho khan kéo dài từng đợt làm tôi ái ngại ngay từ cửa. May mắn, khi thấy người lạ, đứa bé hét lớn: “Bố, bố ơi! có người tìm tề”. Chạy xộc ra, vội vơ lấy cái áo khoác, ông Xin hỏi tới tấp: “Ở mô? Khi mô đến dừ? Đợi tui lấy đồ đã rồi đi luôn” - mặc cho lúc đó chú vừa trải qua đợt ốm dài ngày…

Chiếc “cần câu ma” của ông Xin.
Chiếc “cần câu ma” của ông Xin.

Nhìn ông Xin già hơn rất nhiều so với tuổi 53 của mình. Không biết có phải vì ngấm nhiều nước bạc, nhiều tử khí mà da ông cứ bờn bợt, trắng hếu chứ không đen nhẻm như những người làng chài khác. Ngồi bên ấm chè xanh chát xít, câu chuyện về cái nghiệp vớt xác trôi sông của ông cứ thế được "tua" lại những ngày đầu tiên...

Sinh ra, lớn lên và gắn trọn đời mình với nghiệp sông nước, trước thì ra tận biển, nay sức khỏe yếu, ông lại quay về với khúc sông gần nhà. Mỗi ngày, công việc của ông là thả lưới giăng câu cho vợ đi bán, khi mớ tôm, lúc rổ cá, thu nhập gia đình cứ thế dập dềnh theo con nước.

Ông nói “lặn ma” không phải là nghề mà đó là cái nghiệp đa mang, không ai chọn cho mình cái nghề ấy cả bởi nếu coi đó là nghề thì sẽ không làm qua nổi vụ thứ 2. Năm 15 tuổi, theo cha lênh đênh trên cửa biển Cẩm Nhượng cũng là lần cái nghiệp “cướp cơm Hà Bá” đeo mang. “Lần đó, theo cha đi đánh cá, gặp xác người trôi giữa biển, động vô là từng mảng da trôi tuột vì ngâm nước lâu quá… về nhà, mất ngủ, ám ảnh mấy ngày liền”.

Đã từng nghe về lời nguyền truyền kiếp rằng, sống nhờ sông nước thì không được cướp cơm của Hà Bá, thấy người chết đuối không được cứu, không được vớt thi thể trên sông. Ai trót phạm phải lời nguyền thì phải lên bờ, bỏ nghề chài lưới hoặc phải thí mạng cho thần sông. Nhưng bỏ ngoài tai mọi lời đồn đại đó, gần 40 năm ròng rã, ông Xin đã vớt được hơn 100 thi thể. “Gặp cảnh ấy thì giúp thôi, chẳng nề hà việc chi cả, coi như một cách để chia sẻ với gia đình người bị nạn” - ông tâm sự.

Giúp người chẳng mong được trả ơn

“Bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, mỗi khi có người cần giúp là ông ấy bỏ cả việc để đi. Nhiều khi đi giúp người ta về, con cái không dám đến gần bố, thương chảy nước mắt mà cũng chỉ biết động viên ông ấy gắng cẩn thận để khỏi đổ bệnh” – bà Hoa, vợ ông Xin chia sẻ với chúng tôi về cái nghiệp lạ lùng của chồng.

Tôi tò mò với suy nghĩ vớt xác là cứ nhảy xuống sông bơi rồi bê xác lên bờ, có khi phải ngụp lặn hết ngày này qua ngày khác, nhất là vào mùa mưa lũ thì sức nào chịu nổi. Ông cười bảo: “Đó là trường hợp nổi lên rồi, còn lại hầu như phải tìm kiếm mới thấy. Bộ dụng cụ để tìm xác thường gọi là “cần câu ma”, đó là một giàn lưỡi câu loại to, sắc lẹm, được kết nối với dây dù dài. Phía trên lưỡi câu buộc những hòn đá to giúp cho hệ thống dây văng có thể chìm sát đáy sông. Để các lưỡi câu luôn ở trong tư thế đứng, cần có một sợi dây nữa, nằm song song với sợi dây văng, trên đó buộc các phao nhỏ nằm cách đáy sông khoảng 15 cm thì khi ấy lưỡi câu mới ở tư thế sẵn sàng móc vào vật gì, dù chỉ khẽ chạm phải”.

Giảng giải xong, thấy tôi còn "nghệt mặt" vì không thể hình dung ra được, ông Xin lụi cụi đi lấy “cần câu ma” cho tôi “mục sở thị”. Lại một phen hoảng hốt vì sợ “dư âm” của lần vớt xác gần nhất, chú trấn an: “Sau mỗi lần dùng là một lần thay hết các lưỡi câu vì nó bị rỉ sét hết, không dùng được lần thứ 2”.

Kinh nghiệm là thứ rất cần thiết cho công việc này, điều đó có được là do chỉ dạy từ người đi trước, phần nữa là làm nhiều rồi đúc kết lại. Ví như việc đoán vị trí tìm kiếm cũng phụ thuộc vào dòng nước, khi vớt xác, nhất thiết phải chạm tay trái vào trước (?), phải kéo xác rà rà mặt nước, nếu không sẽ hớp hơi độc, tuyệt đối không cho người cùng huyết thống lại gần khi đưa nạn nhân lên bờ hay mỗi lần vớt xác về, dù trời nóng hay lạnh cũng phải nằm lưng trần dưới nền xi măng hoặc nền đất để hút hết tử khí…

“Mình làm việc thiện, chẳng nề hà công xá, nhìn người nhà họ đau xót rứa nỡ lòng mô mà đòi hỏi thiệt hơn, họ “cho” bao nhiêu thì nhận, khi có khi không” - ông kể.

Tay lưới vẫn buông, mái chèo vẫn gõ nhịp từng ngày, gia đình ông Xin vẫn sẽ sống nhờ sông nước và tiếp tục cái nghiệp đa mang. Nghiệp vốn dĩ đã buồn, nay lại xót xa khi bấm đốt ngón tay, ông nói: “Năm ngoái lại đây, tính sơ sơ, vớt 5 mạng trẻ nhảy cầu tự tử, đời đáng sống lắm mà tại sao lại nông nỗi rứa cháu hè…?”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast