Đảm bảo an ninh, an toàn, khẩn trương đưa lao động VN tại Libya về nước

Tại cuộc họp chiều 25/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ LĐ – TB & XH phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo an ninh, an toàn và khẩn trương bằng mọi cách đưa lao động Việt Nam tại Libya về nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về tình hình lao động Việt Nam tại Lybia - Ảnh Chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về tình hình lao động Việt Nam tại Lybia - Ảnh Chinhphu.vn

282 lao động Việt Nam đầu tiên từ Libya về nước

Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ - TB & XH) Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, hiện có 10.482 lao động xây dựng Việt Nam làm việc tại Libya. Trong đó khoảng 2 nghìn lao động tại thành phố Benghazi và 5 nghìn lao động làm việc tại Tripoli là những thành phố đang mất ổn định.

Đảm bảo an ninh, an toàn, khẩn trương đưa lao động VN tại Libya về nước ảnh 2

Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại cuộc họp - Ảnh Chinhphu.vn

Hiện nay, hầu hết các công trường có lao động Việt Nam đều đã ngừng làm việc. Người lao động ở nhà để đảm bảo an toàn. Có một số khu nhà ở an ninh không đảm bảo, người lao động Việt Nam đã được đưa vào nhà thờ, khách sạn hoặc những nơi an toàn hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết thêm, sau khi có thông tin về biểu tình tại thành phố Benghazi, ngày 18/2/2011, Bộ LĐ - TB & XH đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Libya theo sát tình hình, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam.

Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp dừng không đưa tiếp lao động sang Libya, theo dõi, báo cáo kịp thời các vấn đền phát sinh, hướng dẫn người lao động không đi tới các nơi có biểu tình và tránh tụ tập đông người tại nơi công cộng.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo Thủ tướng, tính đến sáng 25/2/2011, Việt Nam đã phối hợp với các đối tác làm thủ tục sơ tán được 4.572 lao động Việt Nam sang các láng giềng Libya như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Hy Lạp, Tunisia, UAE…để từ đó đưa mọi người về Việt Nam. Đồng thời, đến nay có hơn 1.300 lao động Việt Nam được đưa sang nước thứ 3, 282 lao động đang trên đường bay về Việt Nam.

Tại cuộc họp Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cam kết, Vietnam Airlines sẵn sàng ưu tiên các chuyến sang Libya và các nước lân cận để đón lao động Việt Nam tại Libya về nước.

Thành lập Ban chỉ đạo do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Bộ LĐ - TB & XH, Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng đã có những việc làm tích cực giúp cho người lao động Việt Nam tại Libya đảm bảo an toàn.

Trước những diễn biến phức tạp tại Libya, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ - TB & XH, Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng phải chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt hơn để đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng, tài sản cho người lao động Việt Nam tại đây và tìm mọi cách đưa người lao động về nước an toàn, có trật tự.

Đảm bảo an ninh, an toàn, khẩn trương đưa lao động VN tại Libya về nước ảnh 3

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Khẩn trương bằng mọi cách đưa lao động Việt Nam tại Libya về nước an toàn - Ảnh Chinhphu.vn

Thủ tướng lưu ý, Bộ Ngoại giao, LĐ - TB & XH, các cơ quan chức năng tăng cường thêm cán bộ sang Libya làm việc với chính quyền nước sở tại, các đối tác, doanh nghiệp để cung cấp lương thực, thực phẩm, đảm bảo an toàn, khẩn trương làm các thủ tục về nước cho lao động Việt Nam; riêng Bộ Ngoại giao, cử một Thứ trưởng sang trực tiếp chỉ đạo các công việc có liên quan đến công dân Việt Nam.

Thủ tướng nhắc Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước lân cận Libya tăng cường nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ của chính quyền các nước bạn, các Tổ chức quốc tế, các đối tác để sớm đưa lao động Việt Nam về nước an toàn.

Thủ tướng đồng ý thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm Trưởng ban; Bộ trưởng LĐ - TB & XH Nguyễn Thị Kim Ngân làm Phó Trưởng ban.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính bố trí kinh phí thích hợp cho các hoạt động giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi và cho phép sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để tạm thời hỗ trợ mỗi lao động về nước 1 triệu đồng. Đồng thời, sau khi toàn bộ lao động về nước, Bộ LĐ - TB & XH sẽ căn cứ vào mức độ thiệt hại để hỗ trợ thêm theo quy định của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước./.

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast