Dáng vóc thành phố trẻ

Ngót 180 năm lịch sử, thị xã Hà Tĩnh – Thành Sen qua mấy lần tách nhập tỉnh gần như bị lãng quên. Đến năm 1991, Hà Tĩnh trở lại địa giới cũ, Thành Sen mới thực sự “cựa mình”, và vài năm nay, thị xã nhỏ bé ngày nào được nâng cấp lên thành phố mới chính thức “thức giấc”. Những đường phố mới, những khu quy hoạch mới được vạch ra như ô bàn cờ. Hàng trăm trụ sở cao tầng mọc lên, và người, tấp nập, hoan hỉ, ngày ngày chật căng âm thanh mới…

Là một người con của Thành Sen, chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Trần Thế Dũng là người đã gắn bó cả cuộc đời mình với mảnh đất này. Dẫu chưa thật bằng lòng với những gì đã có, song ngược dòng thời gian trở lại những tháng ngày đầu tái lập tỉnh, vị chủ tịch thành phố trẻ cũng như những người con của Thành Sen đều có quyền tự hào về những thành quả hôm nay. Nhớ lại những ngày đầu tái lập tỉnh, thị xã như không còn thị xã, chỉ một vài dãy nhà lèo tèo, hoang vắng những khu đất, những con đường lổn nhổn đá. Đêm đêm, vài bóng đèn điện đỏ quạch, thị xã mới tám giờ tối đã im lìm, lạnh vắng, trể nãi...

Thành phố Hà Tĩnh từng ngày đổi mới.
Thành phố Hà Tĩnh từng ngày đổi mới.

Bắt tay tái thiết thị xã thành một trung tâm tỉnh lỵ, nhất là vài năm nay khi thị xã được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh, Hà Tĩnh – Thành Sen đã có những bước đi dài. Bước đi của ý chí, lòng quyết tâm và khát vọng của cán bộ, nhân dân thành phố Hà Tĩnh muốn đưa thành phố của mình trở thành một chính danh. Từ khát vọng đó, mọi nguồn lực được tập trung đầu tư xây dựng, chỉnh trang bộ mặt thành phố, ưu tiên hàng đầu vẫn là xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Chỉ tính từ năm 2006 lại nay, giá trị vốn đầu tư trên lĩnh vực này của thành phố ước đạt 2.500 tỷ đồng, gấp hơn hai lần so với nhiệm kỳ trước, trong đó vốn huy động sức dân mỗi năm đạt từ 13-15 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, thành phố đã đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, kênh mương thuỷ lợi, kiên cố hoá 100% các trường học cao tầng và trụ sở làm việc các xã, phường.

Một số công trình nâng cấp, chỉnh trang đô thị đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: hạ tầng xung quanh chợ thành phố, chợ Bắc Hà; nâng cấp các tuyến đường: Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Huy Tự, đường trung tâm khu đô thị phía Bắc; kết cấu hạ tầng cụm dân cư khu đô thị Bắc Nguyễn Du, Trường THCS Lê Văn Thiêm, Trường THCS Thành Sen và kết cấu hạ tầng một số cụm dân cư đô thị. Thành phố đã kêu gọi và thu hút các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư hạ tầng đô thị các khu quy hoạch: hạ tầng khu đô thị hai bên đường bao phía Tây, khu chung cư cao tầng tại khu đô thị phía Bắc, khu đô thị Hàm Nghi, khu đô thị Nam cầu Phủ; hoàn chỉnh quy hoạch 6 khu đô thị mới với diện tích 600ha.., vừa phát triển hạ tầng đô thị, vừa tăng giá trị sử dụng đất.

Theo chủ tịch UBND thành phố Trần Thế Dũng, Hà Tĩnh đang hướng đến một thành phố văn minh, xanh, sạch, đẹp, hướng ưu tiên sẽ là xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị gắn với phát triển thương mại-dịch vụ và du lịch. Hướng tới mục tiêu này, thành phố đã hoàn chỉnh quy hoạch hàng loạt khu đô thị mới gắn với các trung tâm thương mại - dịch vụ, như: Quy hoạch chi tiết phường Văn Yên gắn với mở rộng chợ trung tâm thành phố; khu công nghiệp Hạ - Môn gắn với cảng Hộ Độ; cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Thạch Đồng; chuyển các cơ quan hành chính ra khu đô thị phía Bắc, xây dựng khu đô thị dọc đường Phan Đình Phùng thành trung tâm thương mại - dịch vụ...

Phối cảnh tổng thể Trung tâm thương mại Minh Khai.
Phối cảnh tổng thể Trung tâm thương mại Minh Khai.

Hàng loạt trung tâm thương mại - dịch vụ sẽ được xây dựng như: Trung tâm thương mại - hội chợ triển lãm, các siêu thị và văn phòng cho thuê trên trục đường Phan Đình Phùng kéo dài về phía Tây; trung tâm thương mại phía Bắc nằm trên giao lộ Tỉnh lộ 9 và đường Nam cầu Cày kéo dài cung cấp các mặt hàng phục vụ công nghiệp chế biến, vận tải thuỷ, đánh bắt thuỷ hải sản, khai khoáng, khách sạn, nhà hàng gắn liền với kinh tế biển; trung tâm thương mại kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng và hàng nông sản cao cấp Minh Khai ở phường Trần Phú...

Bản thân Hà Tĩnh với bản sắc văn hoá lâu đời, với những chiến tích, những danh lam, thắng cảnh, là quê hương của đất học, mảnh đất thượng võ, của những làn ví, của làng nghề và của những dòng họ lớn có truyền thống; là nơi sinh thành của rất nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa, nhà khoa học... tự nó đã là điểm thu hút khách thập phương. Với chủ trương phát triển du lịch theo hướng khai thác tốt các tiềm năng, đa dạng hoá các loại hình du lịch như tham quan, nghỉ dưỡng, thành phố Hà Tĩnh đang tập trung mở rộng hệ thống du lịch theo hướng xã hội hoá, đầu tư trọng điểm, hình thành các tour du lịch trong tỉnh, trong và ngoài nước gắn với du lịch văn hoá, tâm linh, lịch sử và môi trường.

Từ nay đến năm 2015, thành phố tập trung xây dựng hoàn thiện khoảng 30ha các khu du lịch, chủ yếu khai thác tiềm năng các con sông bao quanh thành phố, xây dựng các khu du lịch sinh thái, mô hình làng du lịch, du lịch vườn, gắn với du lịch tâm linh, tham quan, tưởng niệm đền đài, miếu mạo trên địa bàn thành phố kết hợp các tour tuyến tham quan các danh lam thắng cảnh trong và ngoài tỉnh như: Ngã ba Đồng Lộc, hồ Kẻ Gỗ, tắm biển Thạch Hải, Thiên Cầm, thăm động Phong Nha-Kẻ Bàng...

Thành phố Hà Tĩnh đang thực sự vươn mình. Những đường phố đẹp, những khu quy hoạch dân cư sầm uất, những quảng trường, sân vận động, nhà hát, công viên, phố chợ, làng hoa, làng rau, khu trang trại, những khu di tích lịch sử văn hoá.., đang thành hình. Gần bốn chục cây số bờ đê các con sông: sông Phủ, sông Cày, sông Rào Cái đang được cải tạo, cùng với một đề án quy hoạch, quản lý cây xanh đang tiến hành sẽ tạo cho thành phố Hà Tĩnh một vành đai thiên nhiên xanh mát.

Bây giờ, Hà Tĩnh đã nên vóc nên hình một thành phố trẻ đầy năng động và thơ mộng. Hàng trăm ngôi nhà cao tầng lần lượt mọc lên. Phố xá thành hình. Nhịp sống thành phố thành hình. Tất cả những đổi thay đó tạo nên một dáng vóc to lớn của thành phố xinh đẹp trong tương lai.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast