Đầu mối xả lũ, hạ du sập cầu, lở nhà...

Như Hà Tĩnh Online đã phản ánh, trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới, từ chiều ngày 8/11, đơn vị quản lý hồ Kẻ Gỗ đã tăng lưu lượng xả tràn lên 260m3/s nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa. Không lâu sau đó, vùng hạ du Kẻ Gỗ lại có mưa vừa, kết hợp với lượng xả lũ lớn nên gây những thiệt hại nhất định cho nhiều hộ dân các xã Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên).

Kẻ Gỗ tăng lưu lượng xả tràn

Chiều 10/11, đúng 2 ngày sau khi Công ty TNHH MTV Thủy lợi Kẻ Gỗ tăng lưu lượng xả tràn (từ 100 – 200m3/s lên từ 250 – 350m3/s), phóng viên Hà Tĩnh Online lại ngược nguồn sông Ngàn Mọ lên cụm công trình đầu mối Kẻ Gỗ.

Tràn Kẻ Gỗ đã giảm lưu lượng xả nhưng mực nước sông Ngàn Mọ vẫn còn khá cao
Tràn Kẻ Gỗ đã giảm lưu lượng xả nhưng mực nước sông Ngàn Mọ vẫn còn khá cao

Đón khách trước cổng trụ sở, ông Trần Xuân Long – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ hí hửng: Cũng may nước sông rút nhanh chứ không thì gay rồi. Mới sáng qua thôi (9/11), tôi còn phải kêu anh em đưa thuyền xuống chở lên trụ sở vì tuyến đường trục chính của xã ngập quá nửa bánh xe.

Thấy tôi tỏ ý băn khoăn, ông Long phân trần: Tối mùng 8/11, trên này có mưa vừa nên nước nội đồng dâng cao, kết hợp với xả tràn Kẻ Gỗ ở lưu lượng lớn nên nhiều xóm nước mấp mé thềm. Tuy chưa có thống kê chi tiết nhưng đã có những con số không vui: nhà chị Hà Thị Nhung ở thôn Trần Phú bị sập móng hàng rào và đổ mái hiên; cầu trụ sở nối xóm 8 với xóm 9 bị sập; khoảng 5,5 ha sắn trồng ở những bãi bồi ven sông Ngàn Mọ phần lớn bị thối củ; tuyến đường cứu hộ Kẻ Gỗ đoạn qua thôn 4 bị lở sát lề đường…

Đến thăm nhà chị Hà Thị Nhung vừa đúng lúc các thành viên trong nhà đều có mặt đông đủ. Chị Nhung kể lại: “Lúc đó khoảng 7 giờ tối ngày 9/11, cả nhà tôi vừa ăn xong thì bỗng nghe rầm một tiếng. Hàng rào bên phải nhà dài hơn chục mét đổ sụp xuống sông Ngàn Mọ, liền đó là tiếng leng keng của những ống típ và mái tôn oẹp xuống. Rất may, lúc đó vợ chồng và hai đứa con đều tập trung ở phòng khách xem ti vi nên không việc gì”.

Nhà chị Hà Thị Nhung đang bị uy hiếp
Nhà chị Hà Thị Nhung đang bị uy hiếp

Chị Nhung cho biết thêm, sau trận lũ lịch sử năm 2010, gia đình xây mới căn nhà mái bằng hơn năm chục mét vuông này. Tuy không có nhiều tiền để kiên cố móng nhưng gia đình đã đổ trụ nền khá chắc. Nay, nước đã xói lộng nền bếp nên rất lo không biết đổ sụp khi nào.

Rộng chừng 3m, dài non 10m, cầu Trụ Sở nối xóm 8 với xóm 9, xã Cẩm Duệ nằm trên con hói thông từ đồng ra sông đã bị nước đánh sập từ tối mùng 8. “Chừng 9 giờ tối đó, khi đi chơi xóm bên về, tôi thấy nước sông to nên đã tràn ngược vào khúc hói này rồi đánh sập cây cầu. Nhiều nhà bên hói, do nền thấp nên nước lấp xấp bậc thềm”, anh Dư Văn Tiến – một hộ dân sống gần cầu Trụ Sở cho hay.

Cầu Trụ Sở bị nước sông đánh sập từ 2 ngày nay
Cầu Trụ Sở bị nước sông đánh sập từ 2 ngày nay

“Con hói tuy hẹp nhưng khá sâu. Sau trận lũ năm ngoái, chính quyền địa phương đã đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí làm mới nhưng chưa được đáp ứng. Nay sập rồi chưa biết trông vào nguồn nào để làm lại đây”, ông Nguyễn Trọng Thọ - Cán bộ địa chính, giao thông, thủy lợi xã Cẩm Duệ chia sẻ.

Nước rút đã trả lại mặt bằng cho những bãi bồi ven sông, nhưng những vết bùn non màu nước bạc vẫn hằn rõ trên những luống sắn chạy dài tít tắp ven sông Ngàn Mọ. Dù đã xế chiều nhưng chị Trần Thị Hòa ở xóm 9, Cẩm Duệ cùng cậu con trai đang khẩn trương nhổ những gốc sắn với sum suê củ đã thâm đen cho kịp chuyến xe ra tỉnh.

Chị Hòa cho biết, sau Tết Tân Mão, gia đình bắt đầu trồng 3 sào sắn bãi xen lạc xuân. Hiệu quả kinh tế từ sắn chẳng đáng bao nhưng có thêm nguồn thức ăn cho gia súc và nếu cần có thể bán cho tư thương làm mì chính. “Cũng may bãi nhà tôi cao ráo hơn nên nước chỉ ngâm chừng một ngày chứ các hộ lân cận đã thúi củ hết rồi. Mất chán đó”, chị Hòa bảo.

Người dân trồng sắn ven sông đang vớt vát một phần thiệt hại
Người dân trồng sắn ven sông đang vớt vát một phần thiệt hại

Phó Chủ tịch Trần Xuân Long cho biết thêm, dọc sông Ngàn Mọ có trên trăm hộ dân Cẩm Duệ trồng sắn xen lạc và đều đang bước vào thời kỳ thu hoạch. Với năng suất hàng năm hơn 7 tấn/ha và giá thành hơn 10 ngàn đồng/kg, tính ra số tiền người dân Cẩm Duệ có thể thu về cỡ bốn đến năm trăm triệu đồng. Dân thiệt là tội. Song, gay nhất là hiện nay, xã chưa biết xoay đâu chừng bốn đến năm trăm triệu cho việc làm lại cây cầu Trụ Sở nối xóm 8 với xóm 9.

Theo tuyến đường cứu hộ Kẻ Gỗ qua xã Cẩm Mỹ lên cụm công trình đầu mối, thỉnh thoảng lại thấy các hộ dân lúi húi nhổ sắn đóng vào bao xác rắn để chở ra thành phố nhập cho thương lái. Dù chẳng đáng là bao nhưng họ đang cố vớt vát một phần sau 10 tháng vun trồng. Điều họ dám khẳng định, ngoại trừ những trận lũ lớn như 2010 kết hợp xả tràn trên 500m3/s thì từ trước nay, không mấy khi họ phải gánh chịu thiệt hại sau những trận mưa không to như vừa qua.

Hồ Kẻ Gỗ vẫn chưa thể đóng tràn do mực nước hồ còn cao
Hồ Kẻ Gỗ vẫn chưa thể đóng tràn do mực nước hồ còn cao

Đến ngã ba Cẩm Mỹ - Cẩm Thạch - Kẻ Gỗ đã nghe tiếng nước dội ầm ầm dưới đuôi tràn Dốc Miếu; sóng nước đương cao hàng chục mét với bọt tung trắng xóa. Một cán bộ Trạm quản lý đầu mối Kẻ Gỗ cho biết, cao điểm trong đợt xả lũ hơn 10 ngày qua vẫn là ngày 8/11 với 266m3/s; trưa 9/11, hạ xuống 200m3/s và giờ tràn đã hạ khẩu độ cửa xuống 120cm nên lưu lượng xả chỉ còn 160m3/s.

Do mực nước hồ đang ở 30,83m nên tràn Kẻ Gỗ vẫn tiếp tục xả đến khi có lệnh đóng mới thôi. 25 CB-CNV ở đây không hề biết, phía hạ du tràn đã chịu những thiệt hại nhất định cả về hạ tầng cơ sở và cuộc sống dân sinh. Và, dù có biết thì cũng không có cách gì khác được, bởi sự an toàn của công trình đại thủy nông này còn quan trọng hơn nhiều…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast