Đêm kinh hoàng ở làng Hạ Tứ và ngày giỗ tập thể 12 xã viên

(Baohatinh.vn) - Về xã Bùi Xá (Đức Thọ - Hà Tĩnh) giữa mùa gặt tháng 6, chúng tôi được nghe kể câu chuyện bi thương về những người con quê hương đã mãi mãi ra đi trong khi làm nhiệm vụ nơi hậu phương phục vụ cho tiền tuyến.

Tang chung của làng

“Tối ngày 18/6/1972, trong lúc đội thanh niên xung kích của Đội 2 - làng Hạ Tứ, xã Bùi Xá (Đức Thọ) được lệnh đi tuốt lúa ở kho Mí (HTX Long Thành) thì bất ngờ một loạt bom dội xuống. Trong đó, có một quả rơi ngay bàn tuốt lúa làm 12 người bị chết và nhiều người khác bị thương. Trong số đó, đa phần tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới từ 16 - 22 tuổi”, ông Nguyễn Xuân Kỷ - nguyên Trạm trưởng Trạm y tế xã (năm 1972 – PV), bắt đầu câu chuyện bằng giọng trầm buồn.

Đêm kinh hoàng ở làng Hạ Tứ và ngày giỗ tập thể 12 xã viên

Công trình bia tưởng niệm các nạn nhân bị bom Mỹ sát hại tại kho Mí năm 1972 đã cơ bản hoàn thành, sẽ khánh thành vào dịp kỷ niệm 46 năm ngày mất các nạn nhân (18/6/1972)

Chiến tranh chống Mỹ cứu nước ngày càng trở nên rất ác liệt, địch thả bom cả ngày lẫn đêm. Xã Bùi Xá là trọng điểm địch thả bom nhiều nhất, ác liệt nhất của huyện Đức Thọ. Thời đó, sau khi gặt, lúa của hợp tác xã nông nghiệp đều được chuyển về kho rồi cử xã viên đến tuốt lúa. Đêm ấy, khi Đội 2 đang tuốt lúa, máy bay Mỹ bay lượn nhiều vòng, cắt bom trúng vào sân kho. Một tiếng nổ kinh hoàng. Tất cả chìm trong lửa khói. 12 người mãi mãi ra đi.

Đêm kinh hoàng ở làng Hạ Tứ và ngày giỗ tập thể 12 xã viên

Công trình được xây dựng phía trước trường tiểu học Nguyễn Xuân Thiều (gần trên nền kho hợp tác cũ) có diện tích khoảng 100m2, với các hạng mục bia tưởng niệm, biểu tượng lá lúa đặt trên ½ quả bom cắm xuống đất.

46 năm trôi qua, nỗi đau ngày ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí ông Kỷ và người dân làng Hạ Tứ. Ông Kỷ xúc động hồi tưởng: Khoảng 10 giờ đêm, bom nổ. Mọi thứ tan hoang, lửa khói nghi ngút, người chết và bị thương nhiều lắm. Nhiều người bị thương nặng, trước khi chết còn tỉnh táo.

"Ví như cô Nguyễn Thị Phúc, trước lúc mất còn nắm tay mẹ dặn phải sống tốt với chị dâu để sau này còn có người phụng dưỡng. Cô hôn trán mẹ, nói “chào mẹ con đi” rồi trút hơi thở cuối cùng” - ông Kỷ vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa.

Đó cũng là đêm kinh hoàng trong ký ức những người bị thương hiện đang còn sống như: Đại tá Đặng Hoa (ở TP Vinh, Nghệ An), Đại tá Trần Sương (ở thị xã Hồng Lĩnh), Kỹ sư Hoàng Hùng (Vũng Tàu), anh Đặng Cảnh (nay vẫn ở quê)…

Đêm kinh hoàng ở làng Hạ Tứ và ngày giỗ tập thể 12 xã viên

Trường tiểu học Nguyễn Xuân Thiều (xã Bùi Xá) trước đây là khu vục kho HTX Long Thành

Ngày 18/6/1972 được xem là ngày giỗ tập thể, cả làng trắng toát khăn tang. Năm ấy, có một đợt tuyển quân. Nỗi đau ấy trở thành sức mạnh, những người lính ra chiến trường như được tiếp thêm dũng khí khi đối mặt với kẻ thù.

Tri ân, tưởng niệm những người con quê hương

Ông Phan Trung Hiếu - Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh là 1 trong số gia đình nạn nhân bị bom Mỹ sát hại ở kho Mí năm 1972, cho biết: Với nguyện vọng dựng lên một tấm bia tưởng niệm nhằm tri ân quá khứ, tưởng nhớ những người đã mãi mãi ra đi trong đêm ấy, cuối năm 2016, gia đình các nạn nhân đã có bản kiến nghị chung gửi lên xã, huyện Đức Thọ và UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Đêm kinh hoàng ở làng Hạ Tứ và ngày giỗ tập thể 12 xã viên

Các gia đình nạn nhân họp bàn thống nhất việc xây dựng bia tưởng niệm các nạn nhân bị bom Mỹ sát hại tại kho Mí

Ước nguyện của các gia đình đã được chính quyền các cấp đồng ý và cho xây dựng Bia tưởng niệm kho Mí bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Từ sự đóng góp của gia đình các nạn nhân và các nhà hảo tâm, công trình đã được khởi công xây dựng và sẽ khánh thành vào dịp kỷ niệm 46 năm ngày mất các nạn nhân.

Đêm kinh hoàng ở làng Hạ Tứ và ngày giỗ tập thể 12 xã viên

Công trình Bia tưởng niệm kho Mí đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp của cộng động và nhiều nhà hảo tâm. Trong ảnh là các em học sinh trường tiểu học Nguyễn Xuân Thiều đóng góp xây dựng công trình

Công trình được xây dựng phía trước trường tiểu học Nguyễn Xuân Thiều (gần trên nền kho hợp tác cũ) có diện tích khoảng 100m2, với các hạng mục bia tưởng niệm, biểu tượng lá lúa đặt trên 1/2 quả bom cắm xuống đất.

Bia tưởng niệm kho Mí không chỉ để tri ân, tưởng nhớ người đã khuất mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast