Dòng sông mang tên “Uống nước nhớ nguồn”

(Baohatinh.vn) - Chiến tranh đi qua để lại những niềm đau cho người thân, những vết thương lòng và cả những vết thương trên thân thể của người lính. Và dòng sông mang tên “Uống nước nhớ nguồn” đã không ngừng chảy, tiếp nối qua bao thế hệ để bù đắp phù sa yêu thương.

1. Tháng 7 về, căn nhà nhỏ nằm sâu trong làng của mẹ Nguyễn Thị Thuộc, ở xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) trở nên rộn ràng hơn. Các em học sinh khoác những chiếc áo xanh tình nguyện như làm mát xanh hơn khu vườn của mẹ. Đứa cuốc cỏ, đứa tỉa lại luống hoa trồng trước ngõ, đứa vun xới cho các gốc cây. Phía bên trong nhà, một vài đứa ngồi bên mẹ nói chuyện và xoa bóp chân tay cho mẹ.

Mẹ Thuộc cười thuần khiết như đứa trẻ, miệng nhai nhóm nhém. Năm nay đã 93 tuổi, không còn được minh mẫn nữa nhưng thấy mọi người đến như thế này, mẹ vui lắm.

dong song mang ten uong nuoc nho nguon

ĐVTN huyện Can Lộc thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ. (Ảnh: Hoài Thu)

Người con gái lấy chồng gần của mẹ cũng ghé về thăm. Chị chia sẻ: Trước đây, khi mẹ còn khỏe, thì mùa này là mùa ốm của mẹ. Sau giỗ các anh, mẹ ốm đến mấy tháng. Mẹ có đến 3 người con hy sinh, không đau sao được. Cũng may là được mọi người thường xuyên quan tâm, qua lại thăm hỏi, động viên nên mẹ đã vượt qua.

Ngoài sự quan tâm của chính quyền, Trường THPT Cẩm Bình đã nhận phụng dưỡng mẹ Thuộc gần 10 năm nay. Hàng năm, nhà trường và các em học sinh tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên mẹ vào các ngày lễ, tết. Đặc biệt là các em học sinh ở khu vực lân cận nhà mẹ thường xuyên chạy qua chạy lại đỡ đần mẹ khi cần. Năm ngoái, Công đoàn và Đoàn trường đã làm lại ngõ vào nhà cho mẹ, vừa kiên cố, vừa sạch sẽ. Tổng kinh phí hết 20 triệu đồng, không kể ngày công, đều do giáo viên và học sinh nhà trường đóng góp.

2. Sau khi đất nước thống nhất, hoàn thành nhiệm vụ của người lính trên các con tàu không số, ông Lê Văn Hòa, ở xã Thạch Kim (Lộc Hà) trở về với mảnh đất “chôn rau cắt rốn” của mình. Bao năm rong ruổi trên biển, được trở về sống trong ngôi nhà cùng với người vợ hiền là niềm hạnh phúc lớn lao đối với ông. Rồi những đứa con ra đời, niềm hạnh phúc càng ngập tràn. Nhưng niềm vui chẳng trọn khi chất độc da cam mà ông bị nhiễm ở chiến trường đã truyền sang thế hệ sau. Ông bà có 7 người con thì 3 người mang di chứng chiến tranh, trong đó, một người đã mất. Nỗi đau của ông đã được đồng đội thông tin cho nhau và những người lính đoàn tàu không số đã tìm về chia sẻ.

dong song mang ten uong nuoc nho nguon

Thầy và trò Trường THPT Cẩm Bình tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thuộc.

Ông Bùi Diến, ở Thạch Khê (Thạch Hà), người bạn lính một thời của ông Hòa chia sẻ: “Khi nghe tin Hòa khó khăn như thế thì Hội CCB Đoàn tàu không số, kẻ ở Bắc, người ở Nam đã tìm về. Anh em đã ở lại Hà Tĩnh chạy tới chạy lui lo xin đất rồi làm nhà ở cho Hòa. Đất và nhà mà gia đình Hòa đang ở có được đều từ sự chăm lo của đồng đội”.

Ngôi nhà cấp 4, ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè, nằm trong khu quy hoạch mới của UBND huyện Lộc Hà như minh chứng cho tình yêu thương bao la của đồng đội. Cũng nhờ thế nên dẫu còn phải tiếp tục đối mặt với nỗi đau da cam đằng đẵng nhưng cuộc sống của vợ chồng ông Hòa cũng trở nên ấm áp và nhẹ nhàng hơn.

3. Cứ đến năm chẵn kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ là tổ dân phố 1, phường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) lại tổ chức cuộc gặp mặt các gia đình thương binh - liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng.

Ông Trần Viết Thư - Bí thư Chi bộ tổ dân phố 1 cho biết: Tổ dân phố có 33 hộ thuộc diện chính sách. Đối với các gia đình này, tổ dân phố luôn có sự quan tâm đặc biệt. Vào các ngày lễ, tết, Ban Công tác mặt trận vận động các doanh nghiệp có các phần quà thăm hỏi, động viên các gia đình. Vào các đợt thiên tai, lũ lụt, cán bộ luôn có mặt, kịp thời giúp đỡ các gia đình chính sách. Đặc biệt, con gái của một thương binh hạng ¼ đã được tạo điều kiện vào làm việc tại phường…

Ông Thư tâm sự: “Tôi cũng đã đi qua chiến tranh nhưng may mắn còn được lành lặn để trở về. Có những nỗi đau chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Hồi ấy, tôi là y tá. Có lần, một đồng đội bị thương nặng được đưa vào để băng bó vết thương nhưng anh chỉ tha thiết xin được uống một miếng nước. Chúng tôi chần chừ, thuyết phục anh ngậm miếng đường vì uống nước vào sợ máu chảy nhiều hơn thì anh nhắm mắt và đi luôn. Những hình ảnh về sự hy sinh của đồng đội cứ ám ảnh chúng tôi mãi, vì vậy, với chúng tôi, hoạt động tri ân là phải làm thường xuyên, từ những việc nhỏ nhất”.

Tháng 7 - mùa tri ân đang về. Những phần quà, những việc làm, những tấm lòng đang tìm về với các gia đình thương binh, liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công… Đó cũng là một phần của hậu phương đầy ắp tình yêu thương mà cộng đồng xã hội dành cho người lính, giúp họ vượt qua những nỗi đau.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast