Đúng 20 năm sau bão Linda, bão và áp thấp nhiệt đới hướng vào Nam Bộ

Nam Bộ được đặt trong tình trạng cảnh giác cao khi cả bão và áp thấp nhiệt đới đang hướng vào khu vực này.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn trung ương, sáng sớm 1/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới hình thành ở phía nam Biển Đông chỉ cách Côn Đảo khoảng 200 km. Ở vùng gần tâm, áp thấp có sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Ngày và đêm nay, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây chếch bắc với vận tốc 15-20 km/h. Sáng sớm 2/11, áp thấp nằm trên vùng biển phía nam tỉnh Cà Mau và không mạnh thêm.

dung 20 nam sau bao linda bao va ap thap nhiet doi huong vao nam bo

Vị trí và hướng đi của 2 áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF.

Mưa lớn ở Nam Bộ và Trung Bộ

Do áp thấp kết hợp với không khí lạnh, vùng biển tây nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng. Gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 2-4 m. Ven biển các tỉnh Nam Bộ cần đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao 4-4,5 m.

Ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp, từ chiều và đêm 1/11, ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang gió giật mạnh cấp 6-7.

Từ 1/11 đến hết ngày 2/11, Nam Bộ mưa vừa đến mưa lớn, tổng lượng cả đợt phổ biến 100-150 mm, có nơi trên 200 mm.

Ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, ven biển Trung và Nam Trung Bộ tiếp tục mưa vừa đến mưa lớn. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 50-150 mm, riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có nơi trên 200 mm.

Áp thấp thứ 2 sẽ mạnh lên thành bão

Bên cạnh đó, cơ quan khí tượng cảnh báo một áp thấp nhiệt đới khác đang dịch chuyển vào Biển Đông. Theo đó, sáng 1/11, vị trí tâm áp thấp này cách đảo Palawan (Philippines) khoảng 220 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm đạt cấp 7, giật cấp 9.

dung 20 nam sau bao linda bao va ap thap nhiet doi huong vao nam bo

Hình ảnh vệ tinh của 2 áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF.

Ngày và đêm nay, áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng tây, vận tốc 20 km/h và có khả năng mạnh lên thành bão. Chiều 1/11, bão sẽ đi vào Biển Đông. Đến chiều 2/11, tâm bão ở trên khu vực phía đông Biển Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 300 km, sức gió mạnh nhất đạt cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Bão sau đó giữ hướng di chuyển và còn mạnh thêm.

Sáng nay, Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai sẽ có cuộc họp với các địa phương bàn biện pháp ứng phó.

Ngày 2/11/1997, bão Linda đổ bộ vào đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất rất hiếm khi có bão. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, bão Linda gây thiệt hại 7.200 tỷ đồng cho 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, khiến 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương, 107.892 ngôi nhà bị sập. Trong đó, riêng tỉnh Cà Mau đã có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast