Giải nỗi lo dưới chân núi Dầu

Hiện tượng nứt đất với chiều dài nhiều trăm mét ở núi Dầu (xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ) sau các đợt mưa lớn do ảnh hưởng của hai cơn bão số 10 và 11 vừa qua gây tâm lý lo sợ, bất an với nhiều hộ dân sở tại. Càng quan ngại hơn khi Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ sớm xác định, ngoài nguyên nhân tự nhiên còn có phần do sự tác động từ quá trình khai thác đất dưới chân núi của con người...

>> Xuất hiện vệt nứt dài 600m tại xã Đức Lạc

Núi Dầu đã nứt từ lâu...

Núi Dầu có diện tích chừng 13 ha, nằm độc lập giữa các cánh đồng lúa nước bằng phẳng thuộc thôn Thượng Tiến, xã Đức Lạng. Sống núi kéo dài theo phương Tây Bắc - Đông Nam, có đỉnh cao nhất là 56 cm. Hai sườn núi khá thoải với thực vật chủ yếu cây bụi, lau lách. Dưới chân núi về phía Đông Bắc có 5 hộ dân sinh sống dọc theo đường liên xã. Khu vực nứt đất từ ngày 16/10/2013 nằm phía sau nhà ông Lê Thanh Bình.

Vết nứt chính thứ nhất ở độ cao khoảng 25 - 30m gồm 2 khe nứt song song, cách nhau 3 - 3,3m và kéo dài theo phương kinh tuyến 50m. Ảnh: Sỹ Thông - Doãn Đạt
Vết nứt chính thứ nhất ở độ cao khoảng 25 - 30m gồm 2 khe nứt song song, cách nhau 3 - 3,3m và kéo dài theo phương kinh tuyến 50m. Ảnh: Sỹ Thông - Doãn Đạt

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ, ngoài hai vết nứt chính, núi Dầu còn có một số khe nứt nhỏ. Vết nứt chính thứ nhất ở độ cao khoảng 25 - 30m gồm 2 khe nứt song song, cách nhau 3 - 3,3m và kéo dài theo phương kinh tuyến 50m; bề rộng khe nứt từ 0,1 - 0,3m; độ sâu khe nứt quan sát được chừng hơn 2m. Hai khe nứt này gây dịch chuyển và làm phần đất đá ở địa hình thấp sụt xuống 0,2m, tạo nên các bậc thang rõ nét.

Cách vết nứt chính trên chừng 50m về phía đỉnh núi (tức ở độ cao 38 - 45m) là vết nứt dạng hình cánh cung kéo dài 130m, độ mở 0,1 - 0,7m, cá biệt có nơi 1,2m, độ sâu quan sát được hơn 2m; vết nứt tạo thành vách sụt cao 0,1 - 0,5m.

Cả hai vết nứt thuộc loại khe nứt toác (mở), thẳng đứng, phái trên rộng, phía dưới hẹp dần. Các khe nứt gây sụt và dịch chuyển đất đá phái địa hình thấp tạo nên các bậc thang cao 0,2 - 0,8m. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu còn nhận thấy một số bậc địa hình dạng tuyến, vòng cung cao 0,2 - 0,6m, phản ánh quá trình nứt đất đã xảy ra một số lần trước đây!

Do sát phía dưới khu vực nứt đất là một moong lấy đất rộng khoảng 2.000m2, bờ moong cao từ 5 - 15m, dốc đứng, đáy khá bằng phẳng và cao hơn nền nhà dân phía trước 0,3 - 0,5m nên các vết nứt đã tạo thành một khối trượt hình vòng cung có diện tích 3.500m2 bao quanh moong lấy đất phía sau nhà ông Bình với thể tích khối trượt khoảng 15.000m3.

Nguyên nhân nứt có sự cộng hưởng từ việc khai thác đất

Theo ông Nguyễn Tiến Thành - Phó Liên Đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ, nứt đất tại núi Dầu chỉ mới gây dịch chuyển đất đá cự ly nhỏ, chưa thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản không đáng kể nhưng ảnh hưởng đến cuộc sống của 5 hộ dân dưới chân núi khi nó gây tâm lý lo sợ, bất an.

Bề rộng khe nứt từ 0,1 - 0,3m; độ sâu khe nứt quan sát được chừng hơn 2m. Ảnh: Sỹ Thông - Doãn Đạt
Bề rộng khe nứt từ 0,1 - 0,3m; độ sâu khe nứt quan sát được chừng hơn 2m. Ảnh: Sỹ Thông - Doãn Đạt

Về bản chất, nứt đất tại núi Dầu là quá trình bắt đầu hoạt động của một khối trượt theo cơ chế nứt - sụt - trượt. Ban đầu, do nằm trong vùng hoạt động của đới đứt gãy Rào Nậy nên đất đá phần Đông Bắc núi Dầu bị phá hủy, dập vỡ mạnh và hình thành tầng phong hóa mềm, bở, chiều dày lớn, tạo khả năng tiềm tàng xảy ra trượt lở. Tiếp đến, hoạt động cắt xén chân núi lấy đất, tạo vách taluy cao đã làm "hẫng chân", gây mất ổn định phần đất đá phía trên mái dốc, dẫn đến hình thành khối trượt. Do đó, khi có mưa lớn, đất đá bị thấm và sũng nước tạo thành một khối kết cấu yếu, kết hợp hoạt động của dòng nước ngầm dưới chân núi làm khối đất đá phía trên vượt quá giới hạn ổn định, dẫn đến phát sinh hiện tượng nứt - sụt kiểu bậc thang và dịch chuyển (trượt) đất đá xuống phía dưới để tạo lập trạng thái cân bằng mới.

Các nhà địa chất cho rằng, hiện ở khu vực núi Dầu chỉ mới xảy ra quá trình nứt - sụt, cự ly trượt còn nhỏ, tác hại chưa lớn nhưng dự báo còn tiếp tục xảy ra, nhất là vào những đợt mưa lớn; lúc đó sẽ hình thành các dòng bùn đất chảy xuống phía dướt và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ông Bình (cách chân khối trượt núi từ 35 - 40m).

Có kế hoạch di chuyển nhà dân dưới chân núi

Theo Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ, qua phân tích hiện trạng, nguyên nhân và dự báo khả năng trượt đất lớn nhất có thể xảy ra trên nguyên tắc vừa đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân vừa phù hợp thực tế địa phương thì cần áp dụng tuần tự nhiều giải pháp.

Sớm tiến hành san lấp, bịt kín miệng các khe nứt trên sườn núi bằng đất sét để ngăn nước mưa chảy vào khối trượt theo các khe nứt. Ảnh: Sỹ Thông - Doãn Đạt
Sớm tiến hành san lấp, bịt kín miệng các khe nứt trên sườn núi bằng đất sét để ngăn nước mưa chảy vào khối trượt theo các khe nứt. Ảnh: Sỹ Thông - Doãn Đạt

Trước hết, cần cảnh báo các hộ dân sống dưới khu vực nứt đất và kề cận biết khi có mưa lớn kéo dài sẽ tiếp tục xảy ra trượt lở, qua đó nhắc nhở người dân nâng cao ý thức phòng tránh, không đi lại, hoạt động trong phạm vi khối trượt trong thời gian mưa lớn.

Cùng đó là tiến hành san lấp, bịt kín miệng các khe nứt trên sườn núi bằng đất sét để ngăn nước mưa chảy vào khối trượt theo các khe nứt, đồng thời có kế hoạch trồng cây, cỏ để tăng độ che phủ sườn núi; xây tường chắn cao 2m ở chân khối trượt phía sau nhà ông Bình, phần giữa tường xây một rãnh thoát nước rộng, dốc và sâu hơn xung quanh để thoát nhanh nước ngầm (khi bình thường) và dẫn dòng bùn đất (khi mưa lớn) từ khối trượt ra khu ruộng phía trước.

Đặc biệt, cần tuyệt đối không khai thác đất đá dưới mọi hình thức hoặc xén chân núi, tạo vách taluy dọc sườn Đông Bắc núi Dầu và không đào sâu phần ruộng thấp trũng phía trước khối trượt, đặc biệt là không bố trí dân cư sinh sống trong phạm vi khối trượt.

Về lâu dài, cơ quan địa chất khuyến nghị chính quyền địa phương có kế hoạch và vận động ông Bình di chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn để ổn định cuộc sống lâu dài.

Trên bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000, khu vực núi Dầu nằm trên một đứt gãy phân nhánh của đới đứt gãy Rào Nậy kéo dài hơn 100km theo phương Tây Bắc - Đông Nam từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đến Thanh Chương (Nghệ An), biểu hiện trên địa hình hiện tại bằng các trũng địa hình âm hẹp, dạng tuyến kéo dài nối tiếp nhau dọc phương đứt gãy. Với tài liệu hiện có cho thấy, có một đứt gãy khá lớn chạy qua sườn Đông Bắc núi Dầu, ngay khu vực nứt đất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast