GPMB Dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Cồn Tranh: “Phép vua thua lệ làng”?!

Đã nhận tiền đền bù nhưng không chịu chặt cây giải phóng lòng hồ phục vụ thi công, bê tông hóa một đoạn kênh đất nhưng cũng phải đền bù diện tích đã có, hay đất một hộ dân nhận khoán từ xã cũng đòi đền bù… là những tồn tại mà các hộ dân lẫn chính quyền thôn 1, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang cố tình gây khó dễ cho các nhà thầu khiến tiến độ dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Cồn Tranh chậm như… rùa bò.

Hạ tuần tháng 6, trời nắng như đổ lửa. Đây là thời điểm thuận lợi nhất trong thi công sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nhất là hồ đập. Với dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Cồn Tranh (xã Cổ Đạm – Nghi Xuân), cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu càng có lợi thế hơn khi công trình đã kết thúc tưới sản xuất đông xuân mà không phải tưới hè thu (do người dân địa phương chỉ làm một vụ trong năm).

Trái ngược với tiên đoán, những gì chúng tôi được chứng kiến thật buồn. Trong lòng hồ, vài hộ dân đang nhởn nhơ chặt cây trước sự sốt ruột của đơn vị thi công vì chưa được vào lấy đất đắp đập.

Dù đã nhận tiền đền bù nhưng các hộ dân thôn 1, xã Cổ Đạm (Nghi Xuân) vẫn không chịu GPMB lòng hồ để đơn vị thi công lấy đất đắp đập
Dù đã nhận tiền đền bù nhưng các hộ dân thôn 1, xã Cổ Đạm (Nghi Xuân) vẫn không chịu GPMB lòng hồ để đơn vị thi công lấy đất đắp đập

Ông Nguyễn Như Toản – Chỉ huy trưởng công trường của nhà thầu Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Thành chỉ tay xuống lòng hồ bảo: “Hàng ngàn cây bạch đàn đó đã được đền bù, các hộ dân cũng nhận tiền rồi nhưng họ vẫn không chịu chặt cây để GPMB cho đơn vị thi công. Từ giữa tháng 4, chúng tôi đã tập kết xe máy, tập trung nhân lực chờ nước trong hồ rút với hy vọng người dân nhanh chóng thu dọn cây cối để lấy đất đắp đập nhưng người dân cứ xem như chuyện đang ở đâu. Mấy hôm nay, khi các hộ giải phóng một ít diện tích, chúng tôi cho xe vào lấy đất liền bị họ chặn đường. Với tình hình như hiện nay, nếu không hoàn thành việc đắp đập cao thêm 4m suốt gần cây số chiều dài thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra khi mùa mưa bão đến”.

Thôn trưởng thôn 1, xã Cổ Đạm Nguyễn Văn Chắt cùng đứng bên, cho biết: Vùng lòng hồ Cồn Tranh có 6 hộ bị ảnh hưởng, chủ yếu là cây cối. Đến nay, một nửa số cây được chặt hạ. Tuy đã nhận tiền đền bù nhưng vì một số hộ có diện tích ở sâu phía trong dẫn đến vận chuyển khó khăn hơn nên có nguyện vọng xin chủ đầu tư hỗ trợ thêm ít kinh phí.

Cùng với ách tắc trong GPMB khu vực lòng hồ, hiện nay, việc thi công các hạng mục kênh chính cũng bị đình trệ bởi những yêu sách cực kỳ vô lý. Đơn cử như đoạn từ k2+840 – k2+941, đây là tuyến kênh đất đã có từ khá lâu và nay sẽ kiên cố thành kênh bê tông nhưng cấp ủy, chính quyền thôn 1 lại đòi đền bù phần diện tích đất trên tuyến kênh này. Lý do các cụ chánh thôn 1 đưa ra là trước đây, phần diện tích làm kênh này thuộc HTX quản lý, khi làm kênh buộc phải “hy sinh” nhưng nay có dự án thì phải đền bù.

Không mất một xu để bê tông hóa tuyến kênh này nhưng chính quyền thôn 1, xã Cổ Đạm lại đòi chủ đầu tư đền bù diện tích trên đất
Không mất một xu để bê tông hóa tuyến kênh này nhưng chính quyền thôn 1, xã Cổ Đạm lại đòi chủ đầu tư đền bù diện tích trên đất

Đến chính quyền thôn còn cố tình phớt lờ những lợi ích từ dự án mang lại thì việc các hộ dân cố tình chây ỳ, bất hợp tác trong GPMB phục vụ thi công công trình cũng là điều dễ hiểu. Tại k3+624 – k3+840 (thuộc thôn 4), tuyến kênh nổi đi qua vườn gia đình ông Bích nhưng hộ này không chịu nhận tiền đền bù phần cây cối. Sở dĩ trường hợp này chỉ đền bù phần cây trên đất mà không đền bù đất là do phần đất này được xã cho nhận khoán 5 năm/lần. Theo lý, việc này là chuyện nội bộ giữa xã với ông Bích chứ không phải phiền đến Hội đồng GPMB huyện Nghi Xuân.

Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hiền Lương thừa nhận: "Những đề nghị mà chính quyền thôn 1 và các hộ dân xã Cổ Đạm đưa ra là quá vô lý và không có cơ sở để đền bù. Đây là công trình cần được đẩy nhanh tiến độ vì thời gian từ nay đến trước mùa mưa bão không còn nhiều. Hướng giải quyết của huyện là đề nghị Sở NN&PTNT tiếp tục tính toán cốt ngập nước để nếu có thì bổ sung đền bù phần cây cối; giao UBND xã Cổ Đạm tuyên truyền, vận động các hộ dân hợp tác GPMB, trong trường hợp vẫn cố tình chống đối thì tiến hành cưỡng chế".

Một tồn tại nữa là tại k4+730 – k4+765 thuộc thôn 4. Đoạn này tuyến kênh đi gần phạm vi 3 ngôi mộ họ Hoàng nên gia chủ đòi đền bù cả kinh phí di dời lẫn đất “tái định cư nghĩa trang” trong khi cả chủ đầu tư, đặc biệt là Hội đồng GPMB huyện Nghi Xuân đều cho rằng, yêu cầu này là rất vô lý bởi trên thực tế, tuyến kênh mới đi cạnh hàng rào khu mộ, hơn nữa lại ở phía trên nên không nhất thiết phải di dời các mộ phần.

Theo kỹ sư Lê Minh Cầm – Phó BQL Dự án XDCB ngành NN&PTNT, nhằm khai thác tối đa nguồn nước từ hồ Xuân Hoa (xã Cổ Đạm – Nghi Xuân), tháng 3-2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định 541/QĐ-UBND bổ sung làm mới các tuyến kênh chính, kênh nhánh, đặc biệt là nâng cấp hồ chứa nước Cồn Tranh (cách hồ Xuân Hoa vài km về phía Đông Bắc). Theo đó, ngoài làm mới 9 km kênh chính từ sau cống lấy nước hồ Xuân Hoa đến khu tưới xã Xuân Mỹ, làm mới 8 km các tuyến kênh nhánh để phục vụ tưới cho 375 ha đất nông nghiệp 3 xã: Xuân Hoa, Xuân Thành, Xuân Mỹ, dự án còn nâng cao trình đập đất từ 20,5 lên 24,5m, nâng cao trình ngưỡng tràn từ 17 lên 20,5m để tăng dung tích chứa từ 0,77 triệu m3 lên 2,5 triệu m3 nước.

Cũng theo kỹ sư Cầm, đầu năm 2009, dự án triển khai thi công và dự kiến hoàn thành trước mùa mưa bão năm đó nhưng đến nay, công trình mới làm được 4/9 km kênh chính (kênh bê tông nổi trên đất), đạt 80% khối lượng nâng cao trình ngưỡng tràn và chưa đắp được khối đất nào trên đập chính.

Chỉ còn hai tháng rưỡi nữa là đến mùa mưa bão trong khi khối lượng xây lắp còn nhiều, nhất là đối với hạng mục đắp đập đất. Các đơn vị thi công đã tính đến phương án duy trì làm việc 3 ca nhằm đưa công trình về đích đúng kế hoạch, song, nếu UBND huyện Nghi Xuân, trực tiếp là Hội đồng GPMB huyện không kiên quyết với các trường hợp cố tình chây ì, gây khó khăn cho các đơn vị thi công thì chỉ như “dã tràng xe cát”!.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast