Gửi bạn trước thềm xuân

(Baohatinh.vn) - Tôi viết cho anh bức thư này khi gà đã gáy sang canh. Ngày cũ đi qua, ngày mới tới. Một ngày thiêng liêng nhất với tiếng gà vỗ cánh chào xuân.

Chắc hẳn anh chưa quên tiếng gà phải không? Tiếng gà điểm nhịp thời gian thay chiếc đồng hồ báo thức chúng ta đi học mỗi sáng ngày nào đã thành tiếng vọng sâu thẳm trong tâm hồn, thành nỗi nhớ khắc khoải khi nghĩ về nơi “chôn rau, cắt rốn”.

Nhớ thời “chiếc bánh bẻ đôi, sách hay chung đọc”, anh là người mê Truyện Kiều lắm và sự thôi miên của hàng ngàn câu Kiều ấy chắc anh còn neo lại đáy lòng: “Tiếng gà xao xác gáy mau/ Tiếng người đâu đã mé sau dậy dàng”. Anh nức nở khen cụ Nguyễn Du dùng từ “dậy dàng” rất “Xứ Nghệ quê choa” mà sao hay đến vậy. Phải chăng, thiên tài được thăng hoa từ trái tim đồng cảm yêu thương con người? “Dậy dàng”, đó là sự khởi động - tất cả đều thức trước bình minh “kẻ cày, người cấy, con trâu ra đồng”, người tất bật chạy chợ, người xuôi bể, lên non. “Dậy dàng”, đó là sức sống của người lao động, sự cần mẫn của con người Việt Nam.

Gửi bạn trước thềm xuân ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan Khu lưu niệm Nguyễn Du

Thời gian vun vút như ánh sao băng, nhưng sự đổi mới của Hà Tĩnh quê mình còn nhanh hơn nhiều. Tiếc anh ở xa hàng vạn dặm xứ người, không về tham dự và chứng kiến đại lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Nhìn khách thập phương đổ về Hà Tĩnh, tôi lại càng tự hào về xứ sở mà anh cùng tôi đã từng nếm trải ngọn gió lào quay quắt, nếm trải những trận mưa lũ trắng trời, trắng đất, nhưng kỳ lạ thay, “Hà Tĩnh mình thương” “núi cứ lớn trong ta, sông cứ chảy trong ta”.

Tình sông, tình núi ấy phải chăng là tình yêu bao la của con người Hà Tĩnh, cốt cách Hà Tĩnh được tích tụ hàng ngàn năm thành một dòng chảy bất tận và trường tồn - dòng chảy văn hóa. Chính dòng chảy văn hóa này đã sinh ra thiên tài Nguyễn Du, sinh ra bao anh hùng hào kiệt. Dòng chảy văn hóa đẹp long lanh như ánh nắng ban mai, không cao siêu, không ngụy tạo, trở thành một thực thể sống từ linh hồn, để “khi ta đến gõ lên từng cánh cửa/ Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào”. Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du không chỉ để tôn vinh nhân tài, tôn thờ di sản văn hóa quá khứ mà còn lay thức con người biết sống nhân nghĩa hơn, thủy chung hơn, biết nuôi lớn những “mầm thiện”, biết tẩy trừ “mầm ác”.

Anh biết không? Tôi thật sự xúc động khi nghe bà Katherine Muller Marin - Trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam đọc trên lễ đài trong đêm ấy 2 câu: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Những lời ký thác của cụ Nguyễn Du khiến con người không phân biệt thành phần, giới tính đều phải biết tự rèn mình bằng chữ Tâm. Nói một cách khác, phải sống có đạo đức, có văn hóa. Văn hóa vừa là nền tảng, vừa là kho tàng tri thức. Nó được tác động từ thực tiễn xã hội đến với từng cá thể và được con người vun đắp nên. Văn hóa làm hành trang cho con người đi từ ước mơ gần đến ước mơ xa. Văn hóa là con đò chở niềm tin của con người qua niềm vui, qua nỗi buồn, qua những đắng cay, lỗi lầm và khổ hạnh nhất để vươn tới đỉnh cao của chân - thiện - mỹ.

Vì khát vọng văn hóa, ông đồ Nghệ “đùm cơm” “vượt Đèo Ngang đi tìm chữ”. Bao thế hệ đằng sau ông đồ ấy có cả anh và tôi vẫn ấp ủ trong lòng một hoài bão sống ngẩng cao đầu. “Ta thắng giặc trong nghĩa tình chung thủy/ Đất nước này muôn thuở chẳng vong ân”. Những câu thơ trong bài Đối thoại mới của nhà thơ Chế Lan Viên mà anh trai làng đọc trong đêm trăng sáng trước giờ khoác ba lô lên đường nhập ngũ thuở ấy không hiểu sao cứ lay thức trong lòng tôi mãi đến bây giờ. Mạch nguồn văn hóa chảy cuồn cuộn trong lòng Tổ quốc khi làn quan họ, giai điệu dân ca Nghệ Tĩnh, câu hát lý ngựa ô theo anh giải phóng quân suốt đường ra trận. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã ăn sâu vào trái tim các văn nghệ sĩ để họ sáng tác nên những bài thơ, bài ca đi cùng năm tháng, những tác phẩm hội họa, những tượng đài sống mãi trong lòng nhân dân. Chiến thắng đã tạo nên những sản phẩm văn hóa, trở thành linh hồn của cuộc chiến tranh.

Trong đêm tân xuân này, tôi biết tâm sự với anh điều gì đây trước bối cảnh kinh tế và văn hóa đang thời hội nhập. “Hội nhập là hòa hợp nhưng không được hòa tan”. Lời của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cách đây 3 thập kỷ đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Có lẽ, điều chân thành nhất tôi muốn nói cùng anh là về giá trị đạo đức, giá trị văn hóa của người đương thời.

Gửi bạn trước thềm xuân ảnh 2

Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: Q.K

Chắc anh đã từng đọc báo, từng nghe đài, xem truyền hình và thấy đất nước mình có vô vàn người tốt. Họ không là anh hùng nhưng có những nghĩa cử vô cùng cao đẹp trong cuộc sống đời thường để anh và chúng tôi phải ngưỡng mộ. Một người phụ nữ đã nhận, chăm sóc cháu bé Thiện Nhân bị tàn tật do người mẹ phũ phàng bỏ rơi như con đẻ của mình. Một người đàn ông ở Sài Gòn tuổi cao, sức yếu nhưng đã gom hàng chục cháu bé mồ côi về nuôi dạy… Chính họ đã trở thành chất xúc tác cho cả cộng đồng chung tay xây dựng xã hội tươi đẹp. Không ít người đã góp tiền để chăm sóc trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, ung thư, chất độc màu da cam. Nhiều doanh nhân thành đạt đã trích lợi nhuận để góp phần an ủi những gia đình khổ đau, bất hạnh. Vì đạo lý văn hóa của dân tộc nên người nghèo Việt Nam ở đâu cũng được Đảng, chính quyền và cộng đồng cưu mang, giúp đỡ, làm sáng lên chữ “Tâm” cụ Nguyễn Du răn dạy.

Cổ nhân từng dạy: “Trong vườn hoa thơm vẫn còn cỏ dại”, “dòng nước trong vẫn có dòng nước đục”. Ngẫm thế sự trong thời đại hội nhập thấy đúng. Nhiều người đang day dứt với một bộ phận suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, có hành vi tham nhũng, hối lộ… Dầu không nhiều nhưng những hành động thiếu văn hóa khiến cả xã hội sửng sốt như nạn đâm, chém, giết, hiếp, cờ bạc, bạo lực học đường, bạo lực nơi công sở, trò chơi ảo trên mạng internet, phim ảnh đồi trụy, ma túy, thuốc lắc... đang âm thầm nhập vào giới trẻ. Có phải vì chúng ta đang mất văn hóa không?

Nhà giáo dục Makarenko nổi tiếng của nước Nga thế kỷ trước đã khẳng định: “Không có đứa trẻ nào hư hỏng, chỉ có những nhà giáo dục tồi”. Một xã hội có văn hóa xuất phát từ gia đình có văn hóa, nhà trường có văn hóa.

Khi tôi viết những dòng này gửi tới anh, tôi vẫn có lòng tin rằng, đất nước Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng sẽ có một cuộc cách mạng chấn hưng văn hóa để không còn tệ nạn xã hội nữa và luôn xứng đáng với truyền thống của cha ông. Tôi biết, ngày mai trời đẹp lắm, chim én sẽ bay về thức hoa hồng nở. Giờ này, ở xứ người tuyết rơi đầy... Tôi mong lá thư này sẽ là giọt nắng sưởi ấm lòng anh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast