Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam trong năm 2016

(Baohatinh.vn) - Dù chưa ký lại Thỏa thuận đặc biệt, nhưng phía Hàn Quốc chính thức thông báo sẽ tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam trong năm nay.

Ảnh minh họa từ internet

Ảnh minh họa từ internet

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Doãn Mậu Diệp vừa cho biết, phía Hàn Quốc đã thông báo sẽ tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam trong năm nay.

Đối với thị trường Hàn Quốc, theo ông Doãn Mậu Diệp, 3 năm trước đây, mỗi năm Việt Nam đưa sang khoảng 10.000 – 12.000 lao động. Tuy nhiên 3 năm vừa qua ở mức thấp, với khoảng 3.000 – 3.500 người mỗi năm, trong đó những lao động mẫu mực, lao động trung thành với chủ cũ, hết hợp đồng quay trở về nước sau đó trở lại mỗi năm khoảng 2.000 người.

Không chỉ riêng Việt Nam, có khoảng 16 nước xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Trung bình các lao động bỏ hợp đồng, hoặc cư trú bất hợp pháp khoảng 12 – 13%. Còn đối với Việt Nam lúc cao điểm lên tới 50%, hiện nay là khoảng 32%.

“Chúng ta rất muốn người lao động tuân thủ luật pháp Việt Nam và nước sở tại. Sang nước bạn bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp là điều không mong muốn. Năm nay, dù chưa ký lại Thỏa thuận đặc biệt nhưng phía Hàn Quốc chính thức thông báo cho chúng ta là sẽ tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam, đây là số lao động mẫu mực, lao động trung thành.

Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác giữa phía Hàn Quốc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong tuần tới, Bộ sẽ tiếp xúc với Bộ Lao động Hàn Quốc, Cơ quan Phát triển nhân lực Hàn Quốc, Bộ tư pháp Hàn Quốc với mong muốn sớm ký lại Thỏa thuận Thông thường. Nhưng chắc chắn muốn ký lại, chúng ta phải giảm tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng, cư trú trái phép tại Hàn Quốc” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thông tin thêm, hiện nay cả nước có hơn 260 công ty được phép xuất khẩu lao động. Các công ty này thường có đối tác ký kết hợp đồng, phái cử, chịu trách nhiệm đưa lao động đi. Chúng ta cũng rất nhức nhối với tình trạng lao động có tỷ lệ bỏ trốn rất cao, vì thế nhiều khi các nước yêu cầu chi phí quản lý cao hơn. Ví dụ tại Đài Loan, các công ty môi giới phải chịu trách nhiệm quản lý người lao động. Khi tỷ lệ bỏ trốn cao, các công ty môi giới có thể bị đánh tụt bảng xếp hạng, bị phạt tiền. Do đó một số nước kiểm soát, yêu cầu khắt khe hơn đối với lao động Việt Nam.

Theo “Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam – quý 4/2015), do Viện KHLĐ&XH công bố: Trong quý 4/2016, số lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài là 25.422 người (giảm 8.963 người so với quý 3), trong đó có 9.746 lao động nữ (chiếm 38,34%). Thị trường Đài Loan có số người đi làm việc nhiều nhất, 12.439 người (chiếm 48,39%).

Cũng trong quý 4/2016, Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động và Dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề.

Bên cạnh đó, Cục đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản. Trong 3 tháng cuối năm 2015, đã có 210 ứng viên đủ tiêu chuẩn (chiếm 46,56% tổng số ứng viên) đã được tuyển và đào tạo tiếng Nhật tập trung 12 tháng.

Trong năm 2015, cả nước có 115.980 lao động đi làm việc tại nước ngoài, nữ chiếm 33,31% (đạt 112% kế hoạch và tăng 8,5% so với năm 2014). Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đưa được trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đài Loan và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường có tỷ trọng lớn nhất, chiếm tương ứng 57,87% và 23,23% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2015.

Trong năm 2016, chỉ tiêu đưa người ra nước ngoài làm việc là 100.000, bao gồm cả trong những lãnh vực, nghề mới có yêu cầu chất lượng cao như y tá, điều dưỡng…

Tổng hợp

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast