Hành động vì cuộc sống an toàn, bình yên của trẻ em!

(Baohatinh.vn) - Tháng hành động vì trẻ em năm nay đang được phát động rộng khắp trên toàn quốc với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”.

Chọn hoạt động trọng tâm của tháng hành động là phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em cũng chính là lúc người lớn phải nhìn thẳng vào thực trạng chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn nhiều vấn đề trăn trở hiện nay. Từ đó, cả cộng đồng cùng vào cuộc hành động vì cuộc sống an toàn, bình yên của trẻ em...

hanh dong vi cuoc song an toan binh yen cua tre em

Ảnh minh họa từ internet

Tiếng chuông báo động về tình trạng tai nạn, thương tích trẻ em ngay đầu hè 2016, đó là vụ chết đuối thương tâm của 9 học sinh ở tỉnh Quảng Ngãi. Thông tin dẫu đã được chia sẻ rộng khắp cùng với lời cảnh tỉnh đối với người lớn, vậy nhưng, liên tiếp từ đó đến nay, hàng chục vụ đuối nước ở trẻ em vẫn diễn ra khắp trong cả nước.

Cùng với đó là hàng ngàn trường hợp tai nạn, thương tích của trẻ em vẫn xảy ra thường xuyên ở khắp các vùng miền, từ lũy tre làng đến những đô thị tiện nghi, hiện đại. Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH, mỗi tháng, cả nước có trên 500 trẻ em và những người chưa đến tuổi vị thành niên bị tai nạn, thương tích, trong đó có khoảng 18 trẻ em vĩnh viễn ra đi vì các loại tai nạn. Riêng ở Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 550 vụ trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó có 11 vụ trẻ em tử vong do đuối nước.

Điều đau xót là phần lớn các trường hợp tai nạn, thương tích và cả những vụ tử vong đau lòng xảy ra đối với trẻ em trong thời gian qua đều có nguyên nhân từ sự bất cẩn, thiếu trách nhiệm của gia đình, xã hội. Đặc biệt là vai trò của những người cha, mẹ còn hết sức mờ nhạt trong việc giáo dục, định hướng, dạy con những kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Thực tế cho thấy, trẻ đuối nước thường xảy ra ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều sông hồ, kênh rạch nhưng lại rất thiếu sự quản lý của cha mẹ. Nhiều em nhỏ do cuộc sống gia đình khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa và đã xảy ra tai nạn đuối nước thương tâm khi ở nhà với ông bà. Phần lớn trẻ nông thôn không được dạy bơi, chỉ có một số ít được cha mẹ trang bị hoặc tự học qua bạn bè, trên sông, hồ. Tương tự, nhiều tai nạn thương tích khác xảy ra cũng bởi trẻ em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và những kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho chính mình.

Tập trung các hoạt động hướng tới chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, tại Tháng hành động vì trẻ em năm nay, chính quyền các cấp đang xây dựng chương trình hành động và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tai nạn, thương tích, xây dựng cuộc sống an toàn cho trẻ em; tiếp tục nhân rộng các mô hình học bơi, dạy bơi và phòng, chống đuối nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các quy định về phòng, chống tai nạn thương tích; nâng cao chất lượng các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh; đẩy mạnh việc tuyên truyền sâu rộng trong các gia đình, nhà trường về việc nâng cao ý thức trong việc phòng tránh tai nạn, thương tích cho trẻ...

Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ được triển khai hiệu quả nếu như mỗi người lớn nhận thức được trách nhiệm của mình đối với sự an toàn của con trẻ. Từ đó, trong gia đình, trên mỗi cương vị công việc, trong mỗi hành động đều dành sự ưu tiên đầu tiên và to lớn nhất cho việc bảo vệ con em mình trước những mối đe dọa; xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh để thế hệ tương lai phát triển toàn diện. Và để nỗ lực của mình đi đến kết quả cuối cùng, điều quan trọng nhất là người lớn cần trang bị một cách đầy đủ cho trẻ em về kỹ năng tự phòng vệ, tự ứng phó với tai nạn, thương tích; giúp các em không ngừng nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, biết quý trọng cuộc sống tốt đẹp của bản thân, bạn bè trong mỗi hành động, mỗi bước đường phấn đấu, trưởng thành.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast