Hiến tạng mẹ cho y học để người khác có được phép màu

(Baohatinh.vn) - Khi biết mẹ không thể qua khỏi, ngồi ở hành lang Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh), Sáng ước gì có được phép màu để cứu sống mẹ. Và rồi, rất nhanh chóng, em đã đưa ra quyết định hiến tạng của mẹ cho y học, với mong muốn mang phép màu đến cho những người khác.

“Em muốn thêm nhiều người được cứu sống”

19 tuổi, Nguyễn Thị Sáng đã là lao động chính trong gia đình. Sau em còn một em gái 17 tuổi và một em gái 17 tháng tuổi. Mẹ Sáng bao phen lận đận nên đã phải bỏ nhà từ Đắk Nông, dẫn các con xuống Bình Dương mưu sinh.

Sáng làm công nhân may túi. Mẹ làm bảo vệ cho một công ty. Còn em gái là Trần Thị Lương thì phải bỏ học giữa chừng để ở nhà trông em nhỏ. 4 mẹ con Sáng thuê phòng trọ, yêu thương, đùm bọc nhau sống qua ngày.

Những tưởng rằng cuộc sống sẽ ngày một bình yên hơn, không ngờ… tai họa lại ập xuống. Ngày 24/3/2017, khi mẹ em bế em nhỏ băng qua đường để mua dây xạc điện thoại thì bị chiếc xe máy bất ngờ đâm vào. Mẹ em bị chấn thương nặng, được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.

hien tang me cho y hoc de nguoi khac co duoc phep mau

3 chị em Sáng tại quê nhà Cẩm Nhượng

Các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy đã chăm sóc mẹ em tận tình, nhưng tình hình không tiến triển. Mẹ em vẫn mê man bất tỉnh. Và rồi, em nhận được thông báo từ bác sỹ: “Mẹ bị mất máu quá nhiều, não đã chết, chỉ duy trì được 1-2 ngày nữa”.

Nghe tin, Sáng ngồi bất thần, đau đớn ở hành lang bệnh viện. Em ước, giá như có được phép màu như trong truyện cổ tích để mẹ em được cứu sống. Rồi em nghĩ về một phóng sự trên VTV2 mà trước đây em đã từng xem nói về việc hiến tạng cứu người. Nhưng mẹ em lại chết não, không thể có cơ hội để được sống. Em lại nghĩ đến những người khác, những bệnh nhân, nạn nhân cũng đang ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, nhưng họ vẫn có thể được cứu sống nếu như có người hiến tạng. Và em đã quyết định hiến tạng mẹ cho y học.

Sáng chia sẻ: “Kể cả phóng sự em đã xem và cả các bác sỹ đã chăm sóc mẹ đều nói, nếu một người hiến tạng thì có thể cứu sống được nhiều người. Em muốn, những người lạ mà em không hề biết nhưng rơi vào hoàn cảnh sắp mất đi những người thân yêu như em có được phép màu, có cơ hội cứu sống người thân của mình. Em đã hiến giác mạc, gan và thận của mẹ”…

Được hỏi khi quyết định hiến tạng em nghĩ gì về mẹ, Sáng thật lòng: "Mẹ thường nói với chúng em, sống là phải luôn lạc quan, nỗ lực vươn lên; bởi sống hôm nay nhưng không biết ngày mai ra sao. Con người khi chết đi sẽ trở thành cát bụi. Với lại, khi còn sống, tuy mẹ vất vả, khổ cực nhưng vẫn luôn giúp đỡ người khác. Mẹ rất bao dung. Vì vậy, em nghĩ rằng việc làm của em mẹ cũng sẽ rất hài lòng".

Cậu nhường giường cho cháu nằm

Trong căn nhà nhỏ 2 gian tuềnh toàng, anh Nguyễn Tiến Đường, anh trai của mẹ Sáng kể về em gái của mình trong đôi mắt ngấn lệ: "Em tui rất khổ! Lấy chồng là người Cẩm Nhượng nhưng lại đưa nhau vào Đắk Nông lập nghiệp. Nó sinh được 2 cháu là Sáng và Lương thì vợ chồng bỏ nhau. Sau này, nó lấy một người khác, sinh được cháu Thùy. Nhưng người chồng này rất vũ phu. Nó đã phải chạy trốn chồng rất nhiều lần. Có đợt nó phải chạy về đây, nhưng không biết làm gì sinh sống đành phải đi. Đến cuối năm 2015 thì nó phải chạy trốn xuống Bình Dương. Đứa thứ 2 đang học lớp 10 nhưng đành phải bỏ học để đi theo mẹ. Đường đời quá nhiều trắc trở, đau đớn nên nó trở nên câm lặng, không chia sẻ cùng ai. Khi biết tin em bị tai nạn, tôi vào. Phận làm anh nhưng không giúp gì được, tôi đã quyết đưa em về quê để lo mồ mả, hương khói.

hien tang me cho y hoc de nguoi khac co duoc phep mau

Ngôi nhà nhỏ của cậu cháu Sáng tại Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên

Cậu của Sáng cũng có hoàn cảnh rất khó khăn. Đứa con thứ 2 được 7 tháng tuổi thì người vợ bỏ đi nước ngoài biền biệt. 17 năm nay, anh sống cảnh “gà trống nuôi con”. Giờ 2 đứa con trai đã lớn, đi làm thuê xa nhà. Anh ở nhà một mình và đi làm công thợ mộc. Căn nhà anh đang ở hiện tại có 2 gian, chỉ có một cái giường. Gian ngoài thờ cha mẹ, còn gian trong lập bàn thờ người em gái xấu số.

Tôi hỏi: “Nhà chỉ có một cái giường thì cậu cháu ngủ thế nào?”. “Tôi ngủ ở ghế, còn giường nhường cho 3 chị em nó. Tôi nói với chị em nó rồi, cậu chịu khổ được thì các cháu cũng chịu khổ được”, anh Đường nói.

Tôi hỏi Sáng và Lương về mong muốn của mình, cả hai đều nói điều mà các em mong muốn nhất bây giờ là bảo vệ được em Thùy (em út 17 tháng tuổi) không bị người dượng vũ phu giành về và mong sao em Thùy được sống trong tình yêu thương của mọi người để em không bị tổn thương.

Nói về tương lai, Sáng cho biết, chắc một thời gian nữa em cũng phải trở lại làm công nhân để chu cấp cho 2 em, vì Thùy chưa đi nhà trẻ được nên Lương phải ở nhà trông em. Còn Lương, em vẫn không dấu nỗi khát khao được trở lại trường học.

“Trước đây, em chỉ xin nghỉ học tạm thời. Em đã viết đơn gửi giáo viên chủ nhiệm và gửi nhà trường. Em tính, sau một thời gian nữa em sẽ trở lại trường học, nhưng hoàn cảnh ngày một khó khăn hơn nên em chưa thể”, Lương bày tỏ.

Cẩm Nhượng chiều buông. Căn nhà nhỏ của người cậu nằm sâu trong ngõ hẻm đã bắt đầu lên đèn nhưng vẫn tấp nập người vào ra. Những giọt nước mắt của người thân, bà con hàng xóm và những người đến thăm các em vẫn lăn tròn trên những gò má. Và tôi tin, hành động cao cả và giàu tính nhân văn của người chị cả Trần Thị Sáng sẽ làm lay động triệu triệu trái tim con người. Và các em xứng đáng được bù đắp yêu thương trong những chặng đường phía trước.

Mọi sự giúp đỡ chị em Sáng xin gửi về: Em Nguyễn Thị Sáng, xóm Tân Dinh, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, SĐT: 01666095866; hoặc qua Tòa soạn Báo Hà Tĩnh - số 223, đường Nguyễn Huy Tự (TP. Hà Tĩnh), tài khoản 371.3.0.1066328.00000 tại Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast