Hơn 200 cán bộ , công chức nộp lại quà biếu

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, trong năm 2009 đã có 211 cán bộ, công chức nộp lại quà cho cơ quan, tổ chức với tổng giá trị 66,5 triệu đồng. 149 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do để xảy ra tham nhũng.

Về hình thức kỷ luật, trong số 149 người đứng đầu bị xử lý trong năm 2009 thì có 13 trường hợp bị xử lý hình sự, 50 người bị khiển trách, 58 người bị cảnh cáo và 25 người bị cách chức. TP HCM là địa phương có số người đứng đầu bị xử lý nhiều nhất - 38 trường hợp. Bộ Công an cũng có 10 trường hợp bị kỷ luật.

Hơn 500 trường hợp bị khởi tố vì tham nhũng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1/10/2008 đến nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố 243 vụ án với 520 bị can về các tội danh tham nhũng. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 290 vụ với hơn 700 bị can. Tòa án nhân dân các cấp xét xử 229 vụ với 537 bị cáo.

Tổng giá trị tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng phát hiện được là trên 700 tỷ đồng, đã thu hồi được một nửa, số còn lại đang tiếp tục thu hồi. Trong số bị cáo đã xét xử, mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này là chung thân.

Trong năm qua, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện hơn 200 vụ việc vi phạm quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, với tổng giá trị sai phạm là 16,5 tỷ đồng; có 13 cán bộ công chức bị xử lý hình sự. Đặc biệt, đã có 211 cán bộ, công chức nộp lại quà cho cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng giá trị 66,5 triệu đồng.

Chính phủ thừa nhận một số vụ việc, vụ án tham nhũng chậm được xử lý và xử lý chưa nghiêm. Tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức trong việc giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp đang gây bức xúc trong xã hội.

Một trong nhiều nguyên nhân của tình trạng này theo Chính phủ là trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân người đứng đầu chưa được đề cao. Tư tưởng sợ trách nhiệm, che giấu khuyết điểm, bệnh thành tích, thiếu kiên quyết trong đấu tranh chống tham nhũng còn nhiều.

Tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, đó là đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo giám sát về đấu tranh phòng chống tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác này (gồm thanh tra, công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng tại một số tỉnh).

Thường vụ Quốc hội nhận thấy tham nhũng vẫn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tính chất, hành vi, thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp với nhiều phương thức thực hiện, che giấu hành vi phạm tội và có cả yếu tố nước ngoài.

Nuồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast