Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ

Có thể nói, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho nhân dân Hà Tĩnh sự ưu ái đặc biệt. Ngoài lần về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957), Bác Hồ đã 16 lần gửi điện, thư, viết bài cho cá nhân, tập thể; 4 lần trực tiếp gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, quân và dân Hà Tĩnh. Trong các bài viết, bài nói chuyện, ngoài việc nói lên tình cảm sâu nặng của mình, Bác đều dành thời gian nhắc nhở, căn dặn cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Tĩnh một cách chân tình, cởi mở, cụ thể, như tình thân ruột thịt.

Kỷ niệm 56 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957-15/6/2013)

khac ghi loi day cua bac ho
Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh luôn khắc sâu và làm theo lời dạy của Bác Hồ

Hầu như lá thư nào, buổi nói chuyện nào Bác đều nói đến đạo đức cán bộ. Bác nói ngắn gọn, đạo đức là cái gốc của người cách mạng, mà cái gốc của đạo đức là lòng yêu nước, thương dân. “Dân không đủ muối ăn, dân không có gạo, dân không có áo mặc đủ ấm, các cháu bé không có trường học… cán bộ phải lo”. Ngay đến cả “tương cà, mắm muối của dân” cán bộ cũng phải để tâm tới.

Bác nhắc nhở cán bộ phải thực sự khiêm tốn, không tự cao tự đại. Công lao là công lao chung của tập thể, đừng “có công lao thì vun cho mình, còn khuyết điểm thì để cho người khác”. Bác nói, ở Hà Tĩnh có bao nhiêu tấm gương hy sinh, họ lấy việc phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nêu cao tinh thần tự giác và đức hy sinh làm lẽ sống, đó là những tấm gương để chúng ta học tập. “Ở Hà Tĩnh có nhiều đồng chí từ những năm 1930 đến nay vẫn cứ đeo đuổi cách mạng, nhưng không đòi hỏi gì cho gia đình, cho cá nhân mình cả. Họ thực sự là tiên thiên hạ chi nhi ưu ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc (lo trước cái lo mọi người, vui thì vui sau mọi người)”.

Dẫu vậy “mỗi đồng chí phải có thái độ khiêm tốn, phải có hướng cầu tiến bộ… không kiêu ngạo, tự mãn”. Bác nói một cách dân dã nhưng sâu sắc: “Cán bộ thường cứ cậy công rồi làm cho lỗ mũi sỉnh ra như cái đình che mắt không thấy rừng”. Bác lo lắng trước những vi phạm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, chân tình chỉ ra một cách cụ thể, thẳng thắn và nghiêm túc yêu cầu “phải tẩy sạch” những khuyết điểm đó.

Bác phê bình ở Hà Tĩnh còn có khuyết điểm “đoàn kết kém” và chỉ ra nguyên nhân đoàn kết kém là do bệnh cá nhân chủ nghĩa, so bì, thắc mắc, kèn cựa địa vị, cấp bậc đãi ngộ, là do cấp trên thiếu gương mẫu, thiếu khiêm tốn, tự cao tự đại, đề cao cá nhân, độ lượng nhỏ bé; là do tệ quan liêu, phô trương hình thức, là do chuyên quyền độc đoán, cho mình tài giỏi, không chịu nghe ai… Cho nên trước tiên trong nội bộ Đảng, trong lãnh đạo phải coi “đoàn kết đó là cái gốc”.

khac ghi loi day cua bac ho
Sau 56 năm kể từ ngày Bác Hồ về thăm, TP Hà Tĩnh đang ngày một phát triển văn minh, hiện đại. Ảnh: Hương Thành

Khi nói đến tiết kiệm, chống lãng phí, Bác căn dặn: “Không được ham chuộng hình thức, bởi vì ham chuộng hình thức là không thực chất, làm như vậy là cốt để phô trương gây tốn kém”. Hiện nay, nhiều địa phương, đơn vị ở Hà Tĩnh, cán bộ còn mắc bệnh chạy theo hình thức, nếu “chỉ chăm lo về hình thức bên ngoài, chỉ phô trương cho oai. Làm hình thức như thế thì chỉ làm cho dân oán”. Làm việc chưa đến đâu đã vội tuyên truyền, khuyếch trương “đó là bệnh hình thức, bệnh chạy theo thành tích mà căn do là từ bệnh cá nhân chủ nghĩa”. Bác phê phán gay gắt bệnh cá nhân, ích kỷ, cục bộ: “Có những đồng chí còn giữ óc địa vị, chỉ lo ăn ngon mặc đẹp, lo phát tài, lo chiếm của công làm của tư, có đồng chí còn giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ, đem bà con bằng hữu đặt vào chức này, việc kia…”.

Bác đau lòng trước một bộ phận cán bộ tha hóa, làm việc không vì cái chung, hoặc luôn nói là vì cái chung, nhưng thực chất là lo thu vén cho mình, lo “tham ô, lãng phí, không tôn trọng của công, không thương xót mồ hôi, nước mắt của đồng bào”… Bác chỉ ra rằng: “Muốn sửa chữa khuyết điểm thì phải mở rộng chế độ tự phê bình, phê bình, nâng cao tinh thần kỷ luật, tinh thần trách nhiệm”. Phải chí công vô tư, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào; phải đề cao dân chủ, tôn trọng mọi người; phải nêu gương tốt trong cuộc sống, trong sinh hoạt.

Những lời dạy về đạo đức cán bộ của Bác ngày nào mà vẫn mang tính thời sự. Cán bộ, đảng viên tỉnh ta ghi nhớ lời dạy của Người để luôn răn mình, đề phòng và chống bệnh cá nhân trỗi dậy. Kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, cùng với việc chúng ta đang thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, không gì thiết thực hơn là mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào, hoạt động trên lĩnh vực nào cũng nghiêm túc, nghiên cứu kỹ và ghi lòng tạc dạ những lời dạy bảo ân cần, sâu sắc, thiết thực của Bác.

Hiện nay, đứng trước những thời cơ và thuận lợi lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ, nhất là khi mà chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực xã hội đang len lỏi vào từng cán bộ, đảng viên thì việc học tập và làm theo lời Bác để rèn luyện và tu dưỡng mình lại càng có ý nghĩa to lớn. Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên Hà Tĩnh là tài sản vô giá về mặt tinh thần và tư tưởng, không chỉ cho trước đây mà còn cho hiện nay và mai sau, để mỗi chúng ta luôn lấy đó làm mục tiêu phấn đấu nhằm hoàn thiện mình hơn, để góp sức cùng toàn dân đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển “nổi bật lên”, như Bác hằng mong muốn.

Chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast