Khẩn trương lấp đầy lỗ hổng quản lý bể bơi!

(Baohatinh.vn) - Trẻ bị đuối nước ngay trong chính cơ sở dạy bơi – điều tưởng chừng như vô lý ấy lại xảy ra, càng đau lòng hơn khi nó lại diễn ra trong Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em”. Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận rõ trách nhiệm và các giải pháp trong công tác quản lý việc dạy bơi - học bơi trên địa bàn.

>> Quản lý hoạt động bể bơi: Lúng túng, nhiều lỗ hổng!

Đã có rất nhiều vụ đuối nước thương tâm mà nguyên nhân là do các học sinh chưa được trang bị kỹ năng bơi cũng như cứu hộ khi xảy ra tai nạn đuối nước. Bơi lội đã trở thành một kỹ năng sống quan trọng để bảo vệ tính mạng của con người. Các bậc phụ huynh ngày càng ý thức được điều này và rất nhiều người cố gắng cho con đi học bơi trong dịp hè.

khan truong lap day lo hong quan ly be boi

Trường THCS Lê Văn Thiêm là một trong số ít đơn vị được cấp giấy phép hoạt động bơi lặn trên địa bàn toàn tỉnh.

Tiếp xúc với một số phụ huynh sau sự việc đáng tiếc vừa xảy ra, mặc dù còn những lo ngại về công tác đảm bảo an toàn trong quá trình tham gia hoạt động bơi lội của con em nhưng đa phần đều khẳng định tầm quan trọng của công tác dạy bơi, học bơi. Chị Lê Thanh Hiền (phường Bắc Hà - TP Hà Tĩnh) cho rằng: “Tôi vẫn cho con đi học bơi tại bể bơi của Trung tâm Thể dục thể thao. Đối với những bể bơi chưa được cấp phép hoạt động thì cần phải hoàn thiện các điều kiện cần thiết để cơ quan chức năng cấp phép, bởi nhu cầu học bơi là rất cấp thiết, nếu các bể bơi ngừng hoạt động, trẻ con tập bơi ở ao hồ, sông suối thì lợi bất cập hại?”.

Ngoài mục đích kinh doanh, khi tham gia vào lĩnh vực này, các doanh nghiệp (DN), tổ chức cũng hướng tới những ý nghĩa xã hội, nhân văn là trang bị kỹ năng để mọi người phòng vệ đuối nước. Bên cạnh những bể bơi được trang bị về cơ sở vật chất, ở các địa phương đã xuất hiện hình thức nhóm lớp học bơi tự phát do những cá nhân lập nên với tâm huyết giúp trẻ có kỹ năng tự bảo vệ khi chẳng may bị đuối nước.

Thầy Lê Văn Tùng (giáo viên Trường THCS Cẩm Trung – Cẩm Xuyên) bộc bạch: “Đã qua một lần suýt bỏ mạng vì thủy thần, tôi tâm niệm phải dạy cho trẻ con quê tôi biết bơi để tự cứu mình nếu chẳng may sơ sẩy. Được sự động viên về vật chất, tinh thần của các cấp, ngành, đoàn thể, tôi đã mở lớp dạy bơi miễn phí cho các em. Tôi dồn hết tâm huyết, nỗ lực cho lớp học, nhưng để đáp ứng những điều kiện của một bể bơi an toàn, đúng chuẩn là rất khó bởi không đủ kinh phí. Tôi mong muốn các ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn để tổ chức hoạt động dạy bơi cho trẻ một cách an toàn, hiệu quả nhất”…

Trên thực tế, không ít DN, người tổ chức hoạt động dạy bơi cũng chưa hiểu rõ các quy định an toàn, cấp ngành quản lý cũng như thủ tục xin cấp phép. Điều này cũng đã gây lúng túng cho các DN, đơn vị hoạt động bơi lặn. Ông Lê Quang Hòa - Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh cho biết: “Khi đầu tư xây dựng bể bơi, mục đích lớn nhất của chúng tôi là phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trên địa bàn và đặc biệt là nhu cầu học bơi của trẻ nhỏ, góp phần trang bị cho các em kỹ năng tự bảo vệ. Công trình hoàn thành và đi vào hoạt động không thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn thủ tục làm giấy phép. Thời gian tới, chúng tôi cam kết sẽ kịp thời hoàn thiện hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng cấp phép hoạt động”.

Là một trong hai bể bơi được cấp phép hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh, bể bơi Trường THCS Lê Văn Thiêm được đầu tư, trang bị khá đầy đủ cơ sở vật chất cũng như nhân lực. Chia sẻ với chúng tôi, cô Trần Thị Nhật Ái – Hiệu trưởng nhà trường thành thật: “Từ khi được thành phố đầu tư xây dựng bể bơi cho đến khi nghiệm thu công trình, chúng tôi “mất ăn, mất ngủ”. Vừa mừng vì trường được đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh, nhưng lo vì đây là hoạt động đòi hỏi cao về công tác đảm bảo an toàn. Để được cấp giấy phép hoạt động, ngoài việc đáp ứng các quy định theo thông tư của Bộ VH-TT&DL, nhà trường còn phải mất một thời gian khá lâu để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gửi cơ quan chức năng. Nhưng được cấp phép không có nghĩa là cứ đi vào hoạt động mà buông lỏng quản lý, nên chúng tôi cũng mong các ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ để bể bơi hoạt động an toàn và phát huy hiệu quả như mong muốn”.

Sau sự việc đáng tiếc, lãnh đạo tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra nguyên nhân và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan. Lãnh đạo Sở VH-TT&DL cũng cho biết, Thanh tra sở đã lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động của bể bơi Trường Cao đẳng nghề Công nghệ. Thời gian tới, sở sẽ tiến hành rà soát hoạt động của các bể bơi trên địa bàn toàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định điều kiện đảm bảo an toàn; đồng thời, hướng dẫn quy trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp phép cho các DN kinh doanh trong lĩnh vực này để đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Theo ông Lương Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh, việc cấp phép, quản lý hoạt động kinh doanh bể bơi nên phân cấp cho địa phương để tiện theo dõi, quản lý. Thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện hoạt động kinh doanh, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, đề nghị Sở VH-TT&DL tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên môn cho đội ngũ cứu hộ, y tế và chủ các bể bơi”.

Bài học từ vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở bể bơi chưa được cấp phép là hết sức đau xót đối với người bị nạn và cả DN chủ quản bể bơi. Bởi vậy, hy vọng các cơ quan quản lý sẽ vào cuộc khẩn trương và quyết liệt để hoạt động dạy bơi, học bơi trên địa bàn tỉnh ta sẽ đi vào nền nếp, quy củ. Từ đó, vừa đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia các lớp học để trang bị kỹ năng phòng vệ đuối nước, vừa hỗ trợ, tạo điều kiện để các cá nhân, DN kinh doanh lĩnh vực này hoạt động hiệu quả, đúng luật.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast