“Khoảng trời con gái": Nên duyên giữa kịch bản và đạo diễn

(Baohatinh.vn) - Cùng chung mục đích tái hiện một cách chân thực, sinh động, giàu giá trị biểu cảm hình tượng 10 nữ TNXP Tiểu đội 4-C552 Tổng đội TNXP 55 ở Ngã ba Đồng Lộc, kịch bản văn học: “Khoảng trời con gái” của nhà báo - nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đã có sự đồng điệu, “nên duyên” với đạo diễn Nguyễn An Ninh - Nhà hát Dân ca Nghệ An.

“Khoảng trời con gái: Nên duyên giữa kịch bản và đạo diễn

Khán giả Hà Tĩnh đã được thưởng thức một đêm diễn đầy ấn tượng, xúc động, thấm đẫm những giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc... (Ảnh: Đình Nhất)

Tính tư tưởng và nhân văn sâu sắc

Lâu lắm rồi tôi mới thấy khán giả Hà Tĩnh ngồi kín chỗ, lên cả tầng 2 Trung tâm văn hóa điện ảnh tỉnh để xem kịch, say sưa từ đầu đến cuối. Ra về, nhiều đôi mắt còn nhòe lệ.

Tôi may mắn được tác giả gửi xem kịch bản “Khoảng trời con gái” khi Nhà xuất bản Văn học vừa mới ấn hành, rồi được mời tham dự buổi tổng duyệt của các diễn viên ở Nhà hát Dân ca Nghệ An. Ngay từ đầu, tôi đã nhận rõ sự chuẩn xác về tư liệu lịch sử và tính chính trị tư tưởng, tính nhân văn sâu sắc của kịch bản.

“Khoảng trời con gái: Nên duyên giữa kịch bản và đạo diễn

Phân cảnh các cô gái TNXP gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại ấn tượng mạnh cho người xem (Ảnh: Đình Nhất)

Nhân vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện phản ánh được ý nghĩa cao đẹp của cuộc chiến tranh nhân dân, niềm khát khao hòa bình cháy bỏng và quyết tâm chiến thắng kẻ thù của nhân dân Hà Tĩnh, nhân dân Việt Nam trong những năm tháng khốc liệt đánh Mỹ.

Không gian mà kịch bản tái hiện có những cảnh đầu ở Phú Lộc, nơi Tiểu đội 4 đã sống một thời gian dài cho đến 4/1968 chuyển về Đồng Lộc, với các nhân vật: Bà mẹ, C trưởng Viện, C phó Thanh cùng các nhân vật của Tiểu đội 4. Bà mẹ là hiện thân của nhân dân các xã khu vực Đồng Lộc không ngại gian khổ, che chở, nuôi nấng các lực lượng, sẵn sàng nhường nhà cho xe qua.

Tính nhân văn của kịch bản ở lời tự sự của nhân vật Viện khi nhìn các cô gái hồn nhiên, ước ao: Giá tôi có thể làm thay các em, giá thế hệ chúng tôi có thể đánh thắng giặc nhanh hơn, để các em khỏi đi vào nơi bom đạn. Và lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tôi mong sớm có hòa bình để các cháu còn rất trẻ ở đây được sống cuộc đời tuổi trẻ bên người yêu, được đến giảng đường đại học để trở thành kỹ sư, bác sĩ…

Không gian sống thứ 2 được tái hiện là ở xã Xuân Lộc, cách Ngã ba Đồng Lộc chừng 1 km. Cảnh các chị lao động san lấp hố bom, làm đường, dẫn đường cho xe qua, cảnh cắm tiêu, rà phá bom… cho đến sinh hoạt sau giờ làm, tập trung vào sự gắn bó yêu thương nhau, chấp hành kỷ luật, tinh thần lao động hăng say, cảnh tình yêu đôi lứa của anh chị Tần - Hồng, lời hò hẹn chờ nhau ngày chiến thắng…

“Khoảng trời con gái: Nên duyên giữa kịch bản và đạo diễn

Cảnh các chị lao động san lấp hố bom, làm đường, dẫn đường cho xe qua, cảnh cắm tiêu, rà phá bom… cho đến sinh hoạt sau giờ làm được tái hiện chân thực, sinh động trong vỡ kịch. (Ảnh: Đình Nhất)

Độc đáo nhất là bên cạnh các cảnh với lời thoại diễn tả cuộc sống, công việc, tâm hồn, tình cảm của các nhân vật, tác giả đã sử dụng nhiều làn điệu ví, giặm (hò đối đáp tự sáng tác giữa bộ đội và lái xe, giặm vè “Thần sấm ngã” của Lê Thanh Bình), ngâm thơ “Mừng chiến thắng trời quê” của Duy Thảo, “Gửi em cô thanh niên xung phong” của Phạm Tiến Duật… làm cho vở diễn sinh động, hấp dẫn, đi vào lòng người, toát lên bản sắc của người xứ Nghệ.

Khắc họa hình tượng “Khoảng trời con gái”

Nhận lời chuyển thể kịch bản thành vở diễn sân khấu, đạo diễn Nguyễn An Ninh cùng tập thể diễn viên Nhà hát Dân ca Nghệ An đã bắt nhịp trọn vẹn “tần số cảm xúc” và tấm lòng tri ân của tác giả với các anh hùng liệt sỹ, các lực lượng chiến đấu ở Đồng Lộc.

Các vai diễn sống động, lay thức khán giả, tái hiện chân thực không khí cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như tinh thần chiến đấu hy sinh, lạc quan yêu đời của tuổi trẻ Việt Nam một thời. Các cô gái 8X, 9X hôm nay đã hóa thân vào các nhân vật nữ anh hùng rất ăn nhập. Bên cạnh tinh thần chiến đấu hăng say, lạc quan sôi nổi là những “nốt lặng” sâu lắng của tâm hồn. Tình cảm với mẹ cha, tình yêu đôi lứa, tình đồng đội, tình cảm quân dân được diễn tả chân thực qua những lời thoại và dòng thơ, dòng nhật ký, câu hát ví giặm.

“Khoảng trời con gái: Nên duyên giữa kịch bản và đạo diễn

Ca cảnh anh Hồng - chị Tần chia tay và hẹn thề gây xúc động đối với khán giả. (Ảnh: Đình Nhất)

Dàn nhạc với chủ yếu các nhạc cụ dân tộc như sáo, đàn thập lục, tam thập lục… cùng với nghệ thuật sử dụng ánh sáng, hình ảnh tư liệu trên màn hình Led đã góp phần tái hiện cảnh bom đạn khốc liệt ở Đồng Lộc đồng thời chuyển hóa những cảm xúc nội tâm của nhân vật như cảnh hò hẹn, chia tay, lời hẹn ước thủy chung, trao kỷ vật tóc thề và lược của chị Tần, anh Hồng; cảnh chị Hà viết nhật ký tâm sự với mẹ về sự khốc liệt của chiến trường v.v...

Âm nhạc đã làm sôi động sân khấu trong các cảnh “tiếng hát át tiếng bom” của các cô gái. Rất nhiều khán giả đã vỗ tay cho các ca cảnh “Thần sấm ngã” của bà mẹ, lời ngâm thơ của nhân vật Trần Thị Hường và lời ca của anh Hồng, chị Tần v.v... Và không ít khán giả đã nhòa lệ khi xem cảnh cuối: Sự hy sinh của 10 cô. Thanh Bính cùng mọi người đốt hương đi tìm thi thể chị Cúc và ngâm bài: “Cúc ơi!”. Soi lại kịch bản văn học mới thấy sự sáng tạo nghệ thuật của đạo diễn để đưa những dòng kịch trên sách thành những ca cảnh sống động và diễn xuất “nhập hồn” của diễn viên.

“Khoảng trời con gái: Nên duyên giữa kịch bản và đạo diễn

Sự hy sinh của 10 cô gái của Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh là biểu tượng sáng ngời về ý chí kiên cường và lòng quả cảm của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh: Đình Nhất)

Đặc biệt, hình ảnh màn hình Led khoảng trời trong xanh hiếm hoi ở Đồng Lộc với lời thoại của các nhân vật về 10 ngôi sao kết thành hàng với nhau, một ngôi sao tách rời, cứ đi xa, xa mãi, phút yên tĩnh như dự báo điều dữ sẽ xảy ra… đã khắc họa điều tác giả muốn nói: Các chị trong trắng thanh cao như khoảng trời xanh Đồng Lộc. Các chị như những ngôi sao, bay mãi vào bầu trời cao rộng, để lại dư ảnh không tắt cho đời, như lời thơ “Cái chết em xanh khoảng trời con gái” của Lâm Thị Mỹ Dạ.

Gặp lại chính mình trong các nhân vật

Ngồi những hàng ghế đầu là các cựu TNXP N55. Họ chăm chú nghe từng lời thoại và như được sống lại những năm tháng chiến đấu sôi nổi. Nét hồn nhiên trong sáng vô tư của các cô gái Tiểu đội 4 được tái hiện qua lời nói, cử chỉ, việc làm, gương mặt… không làm nhòe đi lý tưởng sống cao đẹp mà tuổi trẻ một thời luôn ấp ủ trong trái tim yêu nước.

Đó là chi tiết nhân vật chị Võ Thị Hà, quê thị trấn Đức Thọ gia nhập TNXP lúc 16 tuổi, còn hay khóc, làm nũng nhưng khi chị Tần, chị Thanh lo sợ Hà không chịu nổi ác liệt của chiến tranh, vì chưa đủ tuổi, gợi ý nên xin về, Hà đã khóc dỗi và nói: “Trong lá đơn tình nguyện, em đã viết: Ra đi giữ trọn lời thề, đánh xong giặc Mỹ mới về quê hương”.

“Khoảng trời con gái: Nên duyên giữa kịch bản và đạo diễn

"Dù có mười lần cuộc sống thì con cũng mười lần đi đánh Mỹ. Chỉ sợ xa mẹ nhiều khi nhớ và thương không chịu nổi thôi, mẹ ạ...” (Ảnh: Đình Nhất)

Hoặc là chi tiết cả Tiểu đội xúm lại nhìn, đầy ngưỡng mộ khi chị Dương Thị Xuân gửi lại chị Hợi cuốn Điều lệ Đảng được người yêu tặng trước lúc ra mặt đường và nói: Chị và anh Tân đã hẹn nhau, khi nào chị được vào Đảng, anh chị sẽ cưới nhau. Tôi nghe một chị ở hàng ghế sau: “Chúng ta hồi ấy thế cả, đi tình nguyện mà, chưa đủ tuổi cũng đi, khoan yêu, khoan cưới, khoan đẻ!”.

“Khoảng trời con gái: Nên duyên giữa kịch bản và đạo diễn

Rồi đến cảnh các chị vui vẻ trêu chọc lái xe, cảnh tập hát “Vui mở đường”, cảnh đối đáp của các cô với nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ngồi xung quanh tôi xem cảnh này, chị Liên (C553), chị Diệu Lan (C552) và nhiều cựu TNXP thốt lên: “Đúng như vậy đó! Hồi đó chúng mình vui đùa trêu chọc lái xe như vậy đó, cho quên hết mệt nhọc mà”.

Tôi không biết chị Lê Thị Nhị, cựu TNXP C555, “cô gái Thạch Kim, Thạch Nhọn” có xem được cảnh này không, nhưng được xem chắc chị cũng vui lắm.

“Khoảng trời con gái: Nên duyên giữa kịch bản và đạo diễn

Và không ít khán giả đã nhòa lệ khi xem cảnh cuối: Sự hy sinh của 10 cô (Ảnh: Đình Nhất)

Còn anh Thanh Bính (Yến Thanh), nhân vật được tái hiện ở cuối vở diễn thì rưng rưng, nghẹn ngào: “Rất xúc động! Rất chân thực! Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn tác giả kịch bản và đạo diễn.”

Có lẽ, đó chính là phần thưởng lớn nhất cho những tâm huyết của nhà thơ – nhà báo Nguyễn Sĩ Đại và đạo diễn Nguyễn An Ninh cùng tập thể cán bộ diễn viên Nhà hát Dân ca Nghệ An.

Chủ đề 55 năm chiến thắng Đồng Lộc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast