Không đảm bảo an toàn vẫn dễ dàng ra chợ!

Giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là giải pháp quan trọng để đảm bảo ATVSTP. Tuy nhiên, điều đáng báo động, hầu hết lò giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh đều là “lò lậu”. Việc xiết chặt hoạt động giết mổ gia súc gia cầm sẽ mãi là bài toán không có lời giải nếu thiếu sự kiểm soát tận gốc.

Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhìn từ lò giết mổ:

Lò mổ tập trung xuống cấp, môi trường ô nhiễm trầm trọng

Như đã hẹn, 3h sáng, trong vai người mua hàng, chúng tôi có dịp “mục sở thị” cảnh giết mổ gia súc tại Lò Giết mổ gia súc tập trung TP Hà Tĩnh. Mới bắt đầu rà xe vào con đường dẫn vào lò mổ, tiếng rống chát chúa của bò, lợn bị chọc tiết vọng rõ mồn một như muốn xé toang màn đêm yên tĩnh.

Mang tiếng là Lò Giết mổ tập trung nhưng toàn cảnh của lò mổ này khá đìu hiu và xập xệ. Tất cả chưa đến 50 con gia súc/ngày đêm. Mái lợp bằng fibro xi măng rất thấp, mạng nhện giăng kín, đen kịt đến nỗi không thể nhìn được mái dù nó chỉ cách đầu người khoảng 1m càng làm cho cảnh tượng thêm u ám. Nền nhà láng xi măng quá lâu ngày nên nhiều chỗ nham nhở. Hệ thống thoát nước và chất thải được xây dựng đơn sơ và gần như “lộ thiên”. Đến đây vào ban ngày, người ta còn nhìn thấy cả bể chứa nước “sạch” đã rêu mốc, hoen úa vì không được cải tạo. Kinh khủng hơn là hồ nước phía sau khu giết mổ, nhờ nhợ như màu máu!

Trong chốc lát, mình con vật được "phanh" trên nền xi măng nhầy nhụa chất bẩn
Trong chốc lát, mình con vật được "phanh" trên nền xi măng nhầy nhụa chất bẩn

Sau khi chọc tiết, con vật đã chết hẳn, những người thợ bắt đầu công việc quen thuộc của mình mà không cần một dụng cụ bảo hộ nào ngoài đôi ủng. Từ chiếc bể xi măng đựng nước sôi lớn, một người liên tục múc những ấm nước đầy dội lên mình con vật, người khác đảm nhiệm công việc cạo lông, mổ bụng. Trong chốc lát, mình con vật được “phanh” trên nền gạch xi măng nhầy nhụa chất bẩn nào máu, nào lông rồi cả phân. Ruột, gan, nội tạng được moi ra vứt tung tóe giữa sàn nhà. Bắt đầu thấy hơi lợm vì đủ thứ mùi ở đây, tôi ra hiệu cho anh bạn đồng nghiệp ra về thì gặp cảnh “kinh hoàng”: người thợ thản nhiên hứng bộ lòng mới mổ sơ chế ngay dưới dòng nước giếng khoan vàng cháy, đục ngầu được tuôn ra từ những chiếc vòi cũ kĩ, hoen gỉ. Phía bên kia, xương bò cũng vừa được lóc ra trên chính sàn nhà giết mổ. Mọi thứ xong xuôi, “tể lô” chất lợn, bò lên xe máy hoặc xe tự chế tỏa khắp mọi nẻo đường. Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa nó sẽ xuất hiện thơm phức trong những bữa sáng?!

Ngay đối diện, Chợ Giết mổ gia cầm tập trung do BQL Chợ TP Hà Tĩnh quản lý khá hơn chút ít; song so với yêu cầu, điều kiện cho một lò giết mổ tập trung thì chưa thể nói là đủ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn nước cấp sử dụng hoàn toàn là nước giếng khoan; hệ thống xử lý chất thải chưa đồng bộ, nước bẩn trực tiếp thải ra môi trường. Vô hình trung, quy trình này tạo nên một vòng luẩn quẩn, nước thải ra môi trường, ngấm xuống đất lại quay trở lại là nguồn nước ngầm mà chợ đang khai thác làm nước cấp phục vụ giết mổ. Đấy là chưa kể khu vực này gần với nghĩa trang, việc nguồn nước ngầm có đảm bảo hay không lại là một chuyện đáng bàn! Thậm chí, cơ sở giết mổ gia súc tập trung xã Thạch Đồng còn “bạo gan” xả trực tiếp nước thải xuống sông gần cả chục năm nay mà chính quyền địa phương vẫn “làm ngơ”! Khi đoàn tỉnh xuống kiểm tra hồi trước tết vừa qua, không hiểu vì lý do gì mà cả lãnh đạo xã lẫn chủ lò mổ đều “cáo bận”.

Lò giết mổ gia súc tập trung TP Hà Tĩnh đã xuống cấp trầm trọng và không đảm bảo ATVSTP
Lò giết mổ gia súc tập trung TP Hà Tĩnh đã xuống cấp trầm trọng và không đảm bảo ATVSTP

Xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo ATVSTP và ô nhiễm môi trường là mẫu số chung cho hầu hết các lò mổ trên địa bàn tỉnh ta. Và, có vẻ như các lò mổ này chỉ mới đạt tiêu chuẩn “ô nhiễm tập trung” chứ không phải là giết mổ tập trung.

Lén lút giết mổ động vật tại gia

Gần 4h sáng - cao điểm của việc giết mổ gia súc, gia cầm, lò mổ gia súc tập trung Lan Đồng (xã Thạch Tân - Thạch Hà) leo lét ánh đèn. Không một bóng người vào ra lò mổ! Thế nhưng, từ những con ngõ nhỏ trong làng, những chiếc xe chạy ngược chiều chất đầy thịt gia súc đang tỏa về các chợ đầu mối.

Hàng chục năm nay, nước thải của cơ sở giết mổ gia súc tại Thạch Đồng trực tiếp xả ra môi trường mà chính quyền địa phương vẫn "làm ngơ"
Hàng chục năm nay, nước thải của cơ sở giết mổ gia súc tại Thạch Đồng trực tiếp xả ra môi trường mà chính quyền địa phương vẫn "làm ngơ"

Lò mổ gia súc Lan Đồng được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2006 với tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng, công suất giết mổ 200 – 500 con/ngày. Đây là cơ sở giết mổ do tư nhân tự bỏ vốn đầu tư kinh doanh với mục tiêu đáp ứng nhu cầu giết mổ gia súc cho 7 xã vùng Tây Nam huyện Thạch Hà. Anh Trần Ngọc Hùng – chủ lò mổ Lan Đồng than thở: “Tháng đầu tiên đi vào hoạt động, mỗi đêm, bình quân lò giết mổ từ 40 – 50 con gia súc. Vậy mà ngay sau đó, lò mổ trở nên vắng tanh vì tể lô lén lút giết mổ tại nhà. Lò mổ tiền tỷ này giờ chỉ để phục vụ riêng cho gia đình. Thỉnh thoảng tôi mổ vài vài con lợn cho người nhà đem ra chợ bán”.

Thạch Tân là địa phương có hàng chục hộ làm nghề giết mổ, kinh doanh buôn bán thịt gia súc và gia cầm. Mặc dù lò mổ tập trung được đóng ngay trên địa bàn xã nhưng hàng đêm tại đây vẫn xẩy ra tình trạng các tể lô giết mổ gia súc tại gia. Hiện tượng giết mổ trên không chỉ gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư mà còn trái với quy định về đảm bảo VSATTP vẫn tồn tại nhiều năm nay. Ông Nguyễn Văn Ninh – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Tân thừa nhận: Trên địa bàn xã có khá nhiều hộ làm nghề tể lô mổ gia súc, gia cầm tại gia. Các điểm giết mổ này thường hoạt động vào tầm 3-4h sáng.

Qua tìm hiểu được biết, các tể lô trốn tránh, không đưa gia súc giết mổ vào lò tập trung vì vừa phải mất tiền phí giết mổ, chi phí vận chuyển đi lại vừa mất thời gian. Mặt khác, do quy hoạch của các lò mổ còn bất cập, không thuận lợi về địa điểm, đường sá đi lại khó khăn, hạ tầng không đảm bảo…cộng với sự buông lỏng trong quản lý của các cơ quan chức năng dẫn đến hoạt động giết mổ gia súc tại gia vẫn tồn tại và trở thành những “lò mổ” chủ yếu cung cấp sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn.

“Lỗ hổng” trong công tác kiểm dịch thú y

Trong chuyến lần mò nguồn cơn sự việc, chúng tôi tình cờ được nói chuyện với một “tể lô” có tiếng trên đất Thạch Hà. Gần 10 năm trong nghề, anh H. có đầy đủ kinh nghiệm cũng như các mánh khóe làm ăn hòng lấy được “tấm lệnh bài” con dấu thú y. Theo anh, so với trâu, bò thì tỷ lệ lợn “mổ chui” tại nhà lớn gấp nhiều lần vì quy trình đơn giản hơn. Chiêu bài mà “tể lô” địa phương thường sử dụng là chỉ giết mổ một số lượng nhỏ ở lò tập trung nhằm che mắt lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, khi đã có phiếu kiểm dịch thì nghiễm nhiên hợp thức hóa nốt số lợn còn lại. Từ khi việc kiểm soát giết mổ phân cấp về địa phương thì mọi quyền hạn nằm trong tay của cán bộ thú y “nằm vùng”, có khi chỉ xé vài ba phiếu kiểm dịch nhưng lăn dấu cho cả chục con lợn; thậm chí giết mổ hoàn tất rồi gọi cán bộ thú y tới lăn dấu cũng xong… miễn là biết cách!

Anh H. còn cho biết thêm, sở dĩ có cơ chế “thoáng” như vậy là có một cuộc chiến ngầm để tranh giành địa phận giữa các huyện lân cận nhau.

Cán bộ thú y cơ sở kiểm soát ATVSTP chủ yếu bằng trực quan
Cán bộ thú y cơ sở kiểm soát ATVSTP chủ yếu bằng trực quan

Giết mổ không đảm bảo ATVSTP và môi trường vẫn được xuất lò hợp lệ là một chuyện, nghiêm trọng hơn, phần lớn lợn ra chợ lại không xuất phát từ các lò tập trung. Theo đúng quy trình, gia súc, gia cầm trước khi giết mổ sẽ được bắt nhốt ở lò tập trung chờ cán bộ thu ý tới thẩm định, kiểm tra và quá trình lăn dấu hợp vệ sinh là khâu cuối cùng trước khi thịt ra thị trường. Tuy nhiên, phần vì năng lực thú y cơ sở kém, dụng cụ kiểm tra thiếu nên công tác này chỉ chủ yếu bằng trực quan. Trong khi đó, chính quyền địa phương gần như “bỏ ngỏ” thì không phải cán bộ thú y nào cũng đủ bản lĩnh vượt qua được cám dỗ vật chất, vụ lợi.

Giải một bài toán nhỏ để thấy rõ vấn đề, chỉ riêng xã Thạch Tân với 67 hộ kinh doanh, giết mổ lợn, 1 ngày ít nhất cũng có khoảng 100 con lợn tiêu thụ ra thị trường. Chính quyền xã khẳng định, hằng ngày vẫn thấy tể lô chở lợn về Lò Giết mổ tập trung ở phường Văn Yên, trong khi đó, tổng số lợn giết mổ tại chợ chỉ có 25 con (cả Thạch Tân và vùng nội địa TP Hà Tĩnh), vậy số còn lại ở đâu? Thế mới thấy, lỗ hổng thiếu người “tuýt còi” đã khiến cho các lò mổ “chui” ra sức bành trướng, lấn át thị trường. Hiện nay, cả tỉnh chỉ có 5 lò mổ tập trung trong khi có đến trên 200 điểm giết mổ không đúng quy hoạch.

Ông Phạm Thanh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho rằng: Vấn đề kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm là trách nhiệm của ngành thú y. Đây là một khâu quan trọng trong đảm bảo ATVSTP vì vậy phải làm tận gốc. Kiểm soát tận gốc có nghĩa là phải gom các điểm giết mổ nhỏ lẻ về cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo đủ điều kiện hoạt động, không gây ô nhiễm môi trường, dễ dàng kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, lâu nay, việc kiểm soát giết mổ tận gốc trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều bất cập. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi các địa phương phải quan tâm vấn đề quy hoạch, xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn theo yêu cầu của Quyết định số 03/2010 của UBND tỉnh. Chính quyền địa phương phải thể hiện được vai trò trách nhiệm trong việc quản lý và xử lý dứt điểm các vi phạm trong hoạt động giết mổ động vật không đúng quy định… Đối với ngành Thú y, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật…

Ngày 18/6/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1744/QĐ-UBND tỉnh về việc quy hoạch mạng lưới bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản và ngành nghề nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020. Trong đó có việc quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2012 – 2015, xây mới 15 cơ sở giết mổ gia súc tập trung, mỗi cơ sở có công suất 70 con gia súc và 1.500 con gia cầm tại các tất cả các địa phương trong toàn tỉnh; đặc biệt đầu từ dây chuyền giết mổ 1.000 con… Tuy nhiên, để hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đi vào khuôn khổ, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và đảm bảo ATVSTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ để giải quyết tận gốc và triệt để những vấn đề bất cập đang tồn tại hiện nay!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast