Kiểm soát thực phẩm tươi sống: Còn nhiều khoảng trống

(Baohatinh.vn) - Triển khai Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) năm 2017, ngành chức năng Hà Tĩnh đã liên tiếp phát hiện và xử lý các vụ vi phạm. Tuy nhiên, so với yêu cầu về kiểm soát chất lượng thực phẩm tươi sống hiện nay thì vẫn còn rất nhiều khoảng trống.

Xử phạt cấp số nhân đối với cơ sở tái phạm

“Sản xuất, kinh doanh (SXKD) và tiêu dùng thực phẩm sống an toàn” là một trong 2 chủ đề của Tháng hành động ATVSTP năm nay. Chỉ trong khoảng thời gian thực hiện tháng hành động, (từ ngày 14/4 - 14/5), lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 3,5 tấn thực phẩm tươi sống, hôi thối, quá “đát”. Số thực phẩm này chủ yếu được nhập khẩu, hoặc không rõ nguồn gốc. Theo lời khai của các chủ cơ sở kinh doanh, số thực phẩm này được cung cấp ra thị trường tiêu dùng Hà Tĩnh theo nhu cầu của người dân.

kiem soat thuc pham tuoi song con nhieu khoang trong

Nhiều đoàn kiểm tra ATTP chủ yếu bằng cảm quan, không có đủ năng lực, điều kiện để phát hiện các hóa chất tồn dư, chất cấm... có trong thực phẩm.

Như vậy, một khoảng trống về kiểm soát ATVSTP lâu nay và cũng là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng đã được các cơ quan chức năng mạnh tay “chạm” vào. Kết quả đã rõ, nhưng điều băn khoăn là tất cả các cơ sở vi phạm này đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Điều này cho thấy, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm tươi sống của các cơ sở kinh doanh lâu nay thực sự chưa “đến nơi đến chốn”.

Ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm tươi sống thuộc thẩm quyền ngành nông nghiệp. Việc xử lý vi phạm thuộc đoàn liên ngành cấp tỉnh. Sau khi phát hiện, đoàn liên ngành đã xử lý theo Nghị định 185/NĐ-CP của Chính phủ.

Từ đầu năm đến nay, đã thanh tra, kiểm tra 4.598 lượt cơ sở; xử phạt hành chính 713 lượt cơ sở với số tiền trên 834 triệu đồng; tiêu hủy lượng hàng hóa vi phạm có giá trị hàng trăm triệu đồng. Đối với cơ sở tái phạm, ngành chức năng đã xử lý vi phạm theo cấp số nhân. Như HTX Hà Hương (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh), sau khi tái phạm lần 2, chúng tôi đã nhân lên 4 lần mức xử phạt hành chính theo quy định. Nếu sau này, HTX tiếp tục vi phạm, chúng tôi sẽ đề nghị nâng mức phạt lên tối đa theo quy định”.

Nỗi lo chưa thể hóa giải

Ngoài các siêu thị thì chợ truyền thống là nơi tập trung các loại thực phẩm tươi sống và cũng là địa chỉ thu hút nhiều nhất số lượng người tiêu dùng. Nhưng điều dễ nhận thấy là nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ các chợ cũng khá cao.

Tại chợ TP Hà Tĩnh - trung tâm thương mại của thành phố là một minh chứng. Trước đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản lấy 3 mẫu măng để kiểm tra thì tất cả đều “dính” chất vàng ô. Rồi chuyện sử dụng hàn the để bảo quản thịt lợn tươi sống, ngành chức năng đã “bắt tại trận” mấy vụ.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc kiểm soát chất lượng ATVSTP tại chợ TP Hà Tĩnh vẫn còn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”. Rất khó biết được sản phẩm nào đã qua kiểm định chất lượng của các cơ quan chức năng về ATVSTP. Đặc biệt là rau, củ, quả, chiếm một lượng lớn được nhập từ các tỉnh, thành phố khác nhưng hầu như cả người bán và người mua đều không biết được các loại thực phẩm này có chứa chất kích thích, chất bảo quản hay không?

Tại các địa phương, việc kiểm soát chất lượng ATVSTP càng hạn chế hơn. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc Lê Thế Nhiên - thành viên đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP huyện Can Lộc bày tỏ: “Chúng tôi kiểm tra chỉ bằng cảm quan, chẳng hạn như nhận biết miếng thịt đó còn tươi hay không, đã có mùi hôi chưa, còn những việc như lạm dụng chất tăng trưởng, chất kích thích, chất bảo quản trong chăn nuôi thì chưa thể làm được”.

Theo Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Phan Văn Hùng: “Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở SXKD ở Hà Tĩnh chủ yếu nhỏ lẻ, nằm ở vùng nông thôn, chưa có quy trình, quy chuẩn. Nhận thức của người SXKD còn hạn chế, chưa có ý thức mua sắm trang thiết bị, các điều kiện đảm bảo ATVSTP theo quy định. Do vậy, đụng đến đâu phát hiện lỗi đến đó. Tuy nhiên, việc xử phạt hiện nay cũng rất khó vì hầu hết các cơ sở này đều làm ăn khó khăn, không có tiền nộp phạt”.

Như vậy, việc kiểm soát SXKD thực phẩm hiện vẫn còn nhiều khoảng trống, đó là chưa kể đến việc kiểm soát đầu vào “từ trang trại”. Đây cũng chính là nỗi lo chưa thể hóa giải của người tiêu dùng.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast