Kiên quyết kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ tránh bão HaiYan

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Công điện số 31/CĐ-UBND về việc chủ động đối phó với siêu bão HaiYan trong đó nhấn mạnh: đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp, dự kiến tối nay (8/11) sẽ đi vào biển Đông, trưa ngày 10/11 sẽ đổ bộ vào bờ...

>> Hoãn tất cả các cuộc họp để triển khai công tác ứng phó với siêu bão Haiyan

Để chủ động đối phó với siêu bão này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các huyện ven biển phối hợp với Bộ đội biên phòng, Tiểu Ban An toàn nghề cá trên biển kiểm soát, nắm chắc số lượng tàu thuyền; cấm tàu ra khơi và bằng mọi biện pháp kiên quyết kêu gọi tàu thuyền khẩn trương về bờ tránh bão; kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, các chòi canh nuôi trồng thủy sản, khu du lịch, bến cảng và chủ động kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm ven biển, ven cửa sông trước khi bão đổ bộ vào bờ;

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các huyện ven biển phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm soát, nắm chắc số lượng tàu thuyền; cấm tàu ra khơi và bằng mọi biện pháp kiên quyết kêu gọi tàu thuyền khẩn trương về bờ tránh bão
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các huyện ven biển phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm soát, nắm chắc số lượng tàu thuyền; cấm tàu ra khơi và bằng mọi biện pháp kiên quyết kêu gọi tàu thuyền khẩn trương về bờ tránh bão

Các huyện, thành phố, thị xã triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi, thủy điện và các công trình PCLB trên địa bàn, đặc biệt là các hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, các hồ chứa đang thi công;

Chính quyền các huyện, xã và các công ty thủy lợi, các nhà máy thủy điện tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện sự cố, xử lý ngay từ giờ đầu; đối với các hồ chứa lớn có tràn xả sâu như: Kẻ Gỗ, Sông Rác, Kim Sơn, Thượng Sông Trí..., phải tổ chức thường trực vận hành, điều tiết xả lũ hồ chứa theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, hạn chế ngập lụt hạ du; thực hiện chế độ thông tin cảnh báo, thông báo kịp thời quá trình xả lũ cho chính quyền và nhân dân hạ du biết, chủ động phòng tránh;

Đối với các huyện có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt lưu vực công, hạ du hồ chứa, đặc biệt là hạ du các công trình thủy điện Hố Hô, Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, Sông Rác, Kim Sơn và Thượng Sông Trí khi phải xả lũ trong tình huống khẩn cấp, phải chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng phương tiện và lực lượng để chủ động ứng cứu và sơ tán dân đến nơi an toàn, đề phòng bị chia cắt, cô lập; chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn;

Đồng thời với đó, các địa phương phải chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công dang dở, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc giao thông; bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, lập rào chắn tại các khu vực xung yếu, nguy hiểm như: ngầm qua suối, đường ngập, đò ngang, đò dọc; cấm với củi, đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân; tránh lơ là, chủ quan trong mưa, lũ, để xảy ra tai nạn do bất cẩn.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu tất cả các huyện, thành phố, thị xã; các xã, phường, thị trấn phân công cán bộ trực tiếp xuống các thôn, xóm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, nhân dân triển khai đối phó với bão, tổ chức sơ tán dân cư, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, nhà cửa của dân để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ, đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi thiên tai xảy ra;

Các chủ đầu tư, các BQL dự án chỉ đạo các nhà thầu đang thi công các công trình XDCB huy động lực lượng, xe máy tập trung thường trực tại hiện trường 24/24h để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và công trình...

Về phía Sở NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu rà soát, kiểm tra, chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập thủy lợi, đặc biệt các công trình trọng điểm phải vận hành, điều tiết tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn công trình, hạn chế ngập lụt vùng hạ du.

Sở Công thương kiểm tra, chỉ đạo công tác vận hành công trình thủy điện tuân thủ quy trình phê duyệt, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ du khi xả lũ; chuẩn bị nguồn lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu dự trữ; đảm bảo nguồn điện phục vụ tiêu úng, vận hành tràn xả lũ hồ chứa trọng điểm.

Sở GTVT triển khai phương án đảm bảo giao thông trên các trục giao thông chính, chuẩn bị phương tiện, vật tư khắc phục các sự cố sạt lở do mưa, lũ gây ra, nhất là chú trọng đảm bảo ATGT các tuyến đường đang thi công dang dở như: QL8A, QL15A đi Hương Khê...

BCH Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, BCH BĐBP tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động chi viện cho các địa phương trong việc sơ tán dân, ứng phó bảo vệ đê điều, hồ đập và công trình xung yếu, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch vùng cửa khẩu, biên giới và duy trì lực lượng sẵn sàng triển khai phương án PCLB-TKCN khi có yêu cầu.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh tiếp tục theo dõi diễn biến của bão, thường xuyên cập nhật tình hình mưa, lũ, kịp thời thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành và cảnh báo cho nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

Các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc và các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão kịp thời, hiệu quả...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast