Kỷ niệm lần đầu tiên viết báo

Mặc dù là nhà báo không chuyên, không được đào tạo bài bản qua bất kì trường lớp báo chí nào, nhưng với lòng yêu cuộc sống và có năng khiếu văn chương từ bé, những “đứa con tinh thần” mà tôi lấy chất liệu từ đời sống thực vẫn đều đặn được truyền tải tới bạn đọc. Gần mười năm làm cộng tác viên của các tờ báo, tôi vẫn nhớ như in kỉ niệm về bài viết đầu đời…

Đó là năm vừa học lên lớp mười. Cha tôi, cũng là nhà báo không chuyên trong quân đội, khuyến khích tôi làm quen với báo chí. Ông bảo tôi đọc một loạt các loại báo giấy thời bấy giờ để tôi làm quen với báo chí. Ông định hướng cho tôi về chủ đề, hướng dẫn tôi cách trình bày một bài báo, động viên tôi “cứ viết đi, vấp đâu ta sửa đấy”. Sau một tuần nghiên cứu báo chí, tôi bắt đầu tập tạnh “vào nghề”. Lại thêm một tuần hí hoáy lựa chọn đề tài, hí hoáy viết viết, xóa xóa, lại chỉnh sửa, tôi chính thức cho “ra lò” sản phẩm là một bài báo ca ngợi tinh thần hăng hái thể dục thể thao của người dân trong thôn xóm tôi ở. Tâm lý sợ xấu hổ với cha nếu bài gửi đi mà không được đăng, tôi bí mật gửi bài theo địa chỉ tòa soạn báo. Hồi hộp, háo hức mong chờ bao nhiêu, tôi càng buồn và thất vọng bấy nhiêu khi một tuần, rồi hai tuần trôi qua vẫn không thấy tin tức hồi âm gì. Mãi tới một hôm, khi tôi đang ngồi chơi cùng mấy đứa bạn trong lớp thì đứa bạn mang tới cho tôi chiếc phong bì dày cộm, bên ngoài có ghi dòng chữ “báo biếu”. Tôi gần như nhảy cẫng lên vì sung sướng và hãnh diện với đám bạn. Tan trường, tôi phóng như bay về nhà để khoe với cha. Cha bất ngờ lắm, vui vẻ cầm lấy tờ báo trên tay tôi mở ra đọc. Tự hào, tôi chờ đợi đón nhận lời khen tặng của cha. Nhưng…

- Con viết khá tốt rồi, nhưng có một số điều chưa đúng với thực tế…

Tôi nhăn nhó ngồi nghe cha chỉ ra những lỗi của bài viết. Thì ra, vì không hiểu nên trong bài viết của tôi có chi tiết “Làng Thiện Nộ nằm trong thôn 2” trong khi thực tế là làng Thiện Nộ mà tôi đang sống bao gồm thôn 1 và thôn 2. Cha tôi cốc đầu tôi cười bảo “Sao không đưa cha xem trước? Con viết nhầm lẫn thế này, người dân ở đây mà đọc được họ cười cho”. Tôi chỉ còn biết gãi đầu gãi tai cười méo mó. Sau khi bài báo đó đăng tải, nó còn gây ra một vụ tranh cãi nhẹ trong làng vì nội dung “sân cầu lông được hình thành từ bãi đất bỏ hoang trong làng” trong khi thực tế mảnh đất đó có trồng lèo tèo một vài cây bạch đàn. Ông chủ mảnh đất đọc được bài báo đó nên đã đến cự nự với ban cán sự thôn. Từ đó, tôi không dám hấp tấp, cẩu thả nữa mà có cái nhìn nghiêm túc hẳn về việc mình đang làm.

Tác nghiệp. Ảnh: huongnghiepviet.com

Sau lần đó, cha dặn tôi nhiều điều về nghề viết. “Nghề báo dễ mà khó. Người làm báo trước hết phải có cái tâm, cái đức để phản ánh cuộc sống qua trang viết. Sau đó là phải viết đúng, viết đủ trên cơ sở số liệu thực tế” và “Làm báo, bút sa gà chết. Không đùa được đâu con ạ”.

Tôi tiếp tục tập tạnh viết dưới sự giám sát chặt chẽ của cha. Bài viết của tôi trước khi gửi đi qua đường bưu điện thường qua biên tập viên là cha. Mỗi lần cha bắt lỗi, tôi lại nghiệm ra nhiều điều, tay bút của tôi ngày càng vững vàng hơn nhờ sự dạy bảo của cha.

Cha tôi đã về hưu được hơn mười năm, tuổi đã cao nên cũng ít khi cộng tác với báo chí. Tôi thì vẫn hăng say viết với niềm đam mê ngấm sâu vào máu thịt. Tôi thường sưu tầm bài đăng của mình, dán vào một cuốn album và thường đưa về khoe với cha mỗi khi có dịp (xin được khoe: trong đó có nhiều bài in ở Báo Hà Tĩnh Hà Tĩnh Online). Thi thoảng, cha vẫn tìm ra lỗi vấp của tôi trong các bài viết. Mỗi lần như thế, cha con lại đưa chuyện xưa ra kể và cười với nhau. Có lẽ, đó sẽ mãi là bài học quý giá đi cùng tôi trong nghiệp báo và trong cả chuyện đời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast