Ký ức của người lính già

(Baohatinh.vn) - Tôi khá may mắn vì đã được vài lần gặp Đại tá Nguyễn Thanh Triết và lần này về Cẩm Quan (Cẩm Xuyên), tôi lại được nghe ông kể chuyện đời, chuyện người và đặc biệt là những ký ức của người lính già qua những trận đánh năm xưa.

“Ngày mồng 5 tháng chạp năm 1966, chúng tôi lên đường nhập ngũ, đợt này, Hà Tĩnh có hơn 1.000 thanh niên, trong đó có tôi, Nguyễn Bá Thành và người sau này trở thành tướng quân Hoàng Trọng Tình, quê ở Thạch Thắng (Thạch Hà).

Trận Quất Xá là trận đầu tôi tham gia. Trận đánh này kết thúc vào lúc 1h sáng ngày 25/2/1969 (trước tết Kỷ Dậu 1 ngày), tiêu diệt 180 tên Mỹ, ngụy, bắt sống nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí các loại. Sau trận đánh, tôi đã vinh dự được tặng Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Ba, bằng Dũng sỹ quyết thắng...

Nhưng kỷ niệm và là “thử thách” mà tôi nhớ sâu sắc nhất là việc canh giữ liệt sỹ 2 ngày 3 đêm giữa bãi kín, dưới chân cao điểm 135 khi trên trời, dưới đất, xung quanh đều là địch và chuột. Dưới ánh nắng xuân, thi thể các liệt sỹ được đặt thành hàng, mỗi buổi lại phình to thêm, máu các anh vẫn tiếp tục rịn chảy rồi đen và đặc quánh lại… Ban ngày thì có máy bay rà sát kêu gọi “trở về với chính nghĩa quốc gia”, nghe buồn cười nhưng về đêm, cứ nghe tiếng sột soạt của chuột, của sóc là sởn tóc gáy.

Ký ức của người lính già ảnh 1

Đại tá Nguyễn Thanh Triết (người bên trái) trò chuyện với Thiếu tướng Lê Đình Sô.

Điều chỉnh lại quân số và ổn định tư tưởng, đêm 19/3/1969, Nguyễn Hồng Đơn lại dẫn một mũi tăng cường vượt Cửa Tùng tiến đánh đồn Cồn Tòng ở ấp Long Hà, bờ bắc Cửa Việt. Đây là vị trí chốt giữ trọng yếu của quân địch khống chế quân ta. Theo cơ sở cắm chốt lâu năm trong ấp thì đồn Cồn Tòng có một trung đội quân Mỹ khoảng 60 tên ở một khu biệt lập và 6 trung đội quân địa phương đóng giữ xung quanh. Khi vào trinh sát lần đầu có 4 lớp rào kẽm gai với dày đặc các loại mìn sáng, claymor và nhiều loại vũ khí sát thương khác. Nhưng khi tiến đánh, địch lại rải thêm 3 lớp rào vòng ngoài.

Đây là tình huống ngoài sự chuẩn bị, buộc anh em tôi phải sử dụng dụng cụ khắc phục vật cản của lính đặc công. Trong bối cảnh đó, mũi trưởng Lê Bá Tố có nhiệm vụ vô hiệu hóa các loại mìn, còn tôi và Nguyễn Văn Chung (người Cẩm Thăng) lo việc thiếu móc và cọc chống. Nhờ hồi nhỏ ở quê tôi thường ra đào cát đắp “đảo” nên việc đào cát xuyên dưới chân các loại rào cho bộ đội vào đồn dễ như trở bàn tay. Ấy thế mà, về sau cũng được Mặt trận B5 đúc rút thành kinh nghiệm mật cho việc tác chiến trên vùng cát bãi ngang...

Với quy ước “giờ G” là 1h sáng nhưng do khắc phục chướng ngại nên 2h30’, tổ đi đầu mới chạm mép rào trong cùng. Đúng lúc đó, một tốp lính Mỹ 3 tên đi tuần tra qua mép rào trong, buộc Lê Bá Tố phải ra lệnh nổ súng. Ngay phút đầu đã có hàng chục quả thủ pháo, B40, B41 bắn cấp tập vào sở chỉ huy địch. Tiếng súng giữa quân ta và địch nổ inh tai, mìn sáng và hỏa châu từ tàu biển bắn lên sáng rực trời, pháo cối chi viện của địch bắn vây bủa 4 bề. Sau 3 phút, quân ta đã làm chủ được khu trung tâm, bỗng một tên Mỹ cao lênh khênh chui từ dưới hầm lên, tay vác súng M16, ném một quả lựu đạn mỏ vịt vào cạnh Hồng Đơn, khiến anh bị thương ở chân. Tôi lao tới băng bó, cầm máu rồi bảo anh theo cửa mở ra vị trí tập kết và định quay lại kéo Chung sang đánh bọn ngụy quân nhưng anh đã hy sinh.

Dưới ánh hỏa châu, tôi thấy Chung bị một viên đạn nhỏ bắn vào giữa cặp lông mày xuyên ra sau gáy, không một lời rên rỉ, lặng lẽ nằm lại trên bãi cát giữa chiến trường. Khi tôi đang đào huyệt chôn Chung thì ở bên kia bờ rào đơn ngăn cách khu lính Mỹ, anh Nguyễn Trường Tam, quê Thạch Hải (Thạch Hà) cũng đã hy sinh...

Sau khi tiêu diệt xong các mục tiêu được phân công, tôi cùng anh em trong mũi Lê Bá Tố nhảy sang đánh bọn địa phương quân. Khi đang quần nhau với bọn to mồm vừa hô “xung phong”, vừa rút lui vào xóm thì xuất hiện 3 chiếc M113 chở đầy lính, bịt ngang cửa mở. Bọn lính trên xe nhảy xuống, mồm luôn “Vixi” (Việt cộng - PV), bắn như vãi đạn vào đồn đang âm ỉ cháy. Tôi vội luồn rào ra mép nước biển lúc triều đang lên, những vết thương khắp người khiến tôi rát nôn nao cả ruột. Chờ bọn Mỹ vào đồn bốc xác đồng bọn lên trực thăng, tôi trèo lên cây phi lao treo lá cờ nửa đỏ, nửa xanh để đồng bào vùng địch hậu biết, sau Mậu Thân 68, cách mạng vẫn còn. Xong xuôi, thấy 2 quả bộc phá ống chưa kịp sử dụng, tôi ốp vào 2 xe cho nổ tung và lặn một hơi dài rời khỏi trận địa…

Trò chuyện với tôi, người chiến binh già vẫn sục sôi nhiệt huyết như ngày cùng bộ đội đặc công K12 của ông tiến đánh đồn bốt địch. Chia tay ông khi đã tối muộn, nhưng tôi vẫn mong sẽ có một ngày được nghe ông kể hết về gần 30 trận đánh từng tham gia, về 7 huân chương chiến công các loại mà ông được trao tặng. Tôi thầm cầu mong cho người lính già luôn được sống vui khỏe cùng con cháu, xóm làng, tiếp tục xây dựng quê hương giàu đẹp...

* Lược ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Thanh Triết

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast