Làng nghề truyền thống (Bài 1): Bao giờ cho đến… ngày xưa?!

Hà Tĩnh có khoảng 30 nghề và làng nghề tạm được xem là truyền thống. Trong quá trình phát triển, nhiều làng nghề đã bị “khai tử”, không ít làng nghề đang dần mai một…, một số làng nghề “chủ lực” cũng đang đối mặt với nhiều thách thức...

Vang bóng một thời!

Nhiều thế hệ ở Thạch Lâm (Thạch Hà) trước đây rất tự hào về nghề đúc đồng của làng Đức Lâm. Theo những bậc cao niên, cách đây cả trăm năm, nghề đúc đồng và làng nghề đúc đồng Đức Lâm phát triển mạnh mẽ, thu hút hàng chục gia đình với hàng trăm lao động tham gia. Nhà nhà đúc đồng, người người đúc đồng! Qua thời gian miệt mài lao động và sáng tạo của rất nhiều thế hệ, Đức Lâm đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân có tay nghề điêu luyện. Những nghệ nhân này đã thổi hồn vào các sản phẩm bằng những đường nét hoa văn tinh xảo; đã dùng khối óc, bàn tay tinh hoa và sáng tạo của mình để cho ra đời những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp với thương hiệu đồng Đức Lâm, làm mê hồn khách thập phương.

Nghề rèn Trung Lương cũng đang đứng trước nhiều trăn trở
Nghề rèn Trung Lương cũng đang đứng trước nhiều trăn trở

Từ những vật dụng sinh hoạt như: mâm, thau, nồi đến những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao như chuông, đồ thờ cúng, đèn đồng… đều được những nghệ nhân Đức Lâm chế tác đạt đỉnh cao về chất lượng và mỹ thuật. Tiếng lành đồn xa, có thời điểm, làng Đức Lâm không đủ hàng để bán. Chính nghề này đã đưa làng Đức Lâm trở thành điểm sáng so với nhiều vùng nông thôn thời đó.

Tuy nhiên, qua thời gian và xu thế phát triển của xã hội, nghề đúc đồng Đức Lâm dần mai một và mất hẳn. Theo ông Bùi Đức Tịnh - Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm, làng nghề nổi tiếng này đã thực sự “khai tử” cách đây trên 20 năm! Cả làng Đức Lâm (nay là làng Phái Nam) bây giờ chỉ còn lại 2 người biết đúc đồng, đó là cụ Phạm Xuân Điểu và Phạm Văn Phụng. Cụ Phụng thì đã bỏ hẳn nghề từ lâu; còn cụ Điểu, sau này chuyển sang làm nghề đúc nhôm nên vẫn giữ được cái lò đúc để gọi tên cho… đỡ nhớ! Trong khi đó, nhiều nơi ở ngoài Bắc, sản phẩm đồng đúc đủ loại vẫn ngày ngày ra lò và bán khắp tỉnh! Những nghệ nhân cuối cùng của làng đúc đồng Đức Lâm chỉ biết ngậm ngùi vì nghề truyền thống của làng đã không được tiếp nối! Tên nghề và làng nghề đúc đồng Đức Lâm, giờ chỉ còn trong hoài niệm…

Cũng như nghề đúc đồng và làng nghề đúc đồng Đức Lâm, làng gốm Cẩm Trang (Đức Giang - Vũ Quang) một thời tiếng nổi như cồn. Nhiều cụ cao niên kể rằng, gốm Cẩm Trang thời đó nổi tiếng sánh với gốm Bát Tràng (Hà Nội). Sản phẩm chính là bình, vò, be, hũ, vại... Về sau, còn làm cả gạch, ngói… Những người thợ Cẩm Trang qua bao thế hệ với biết bao bàn tay, khối óc thông minh, cần cù và sáng tạo đã cho ra đời những sản phẩm gốm tuyệt đỉnh. Không chỉ nổi tiếng trong tỉnh, gốm Cẩm Trang còn được khách hàng gần xa biết đến! Thương hiệu gốm Cẩm Trang nổi tiếng khắp vùng. Những chuyến hàng bằng quang gánh, thuyền bè chở đầy sản phẩm gốm Cẩm Trang có mặt khắp mọi nơi…

Tuy nhiên, số phận gốm Cẩm Trang cũng bị thất truyền từ khoảng nửa đầu thế kỷ trước. Mới đây, qua khai quật, Bảo tàng Hà Tĩnh đã thu được những bình gốm Cẩm Trang, có niên đại khoảng 250-300 năm, tuy công nghệ đơn giản nhưng chất lượng rất tốt. Điều đáng tiếc là, nghề này không được truyền nối cho hậu thế. Những người trẻ ở Đức Giang hiện nay, đại đa số không biết rằng, tại quê hương mình đã từng tồn tại một làng nghề nổi tiếng!

Trong các làng nghề nổi tiếng một thời của Hà Tĩnh, phải kể đến nghề mộc Xa Lang ở Hương Sơn. Trước đây, thợ mộc Xa Lang nổi tiếng khắp vùng vì có truyền thống lâu đời, nhiều nghệ nhân có “hoa tay” về nghề mộc. Thế mạnh của làng mộc Xa Lang là làm nhà ở, đền, chùa… Thợ mộc Xa Lang còn thành lập từng tốp từ 10-15 người, làm nhà ở, đền, chùa khắp vùng.

Nghề mộc Xa Lang đã đưa lại cơm no, áo ấm cho dân làng thời đó. Những gia đình có điều kiện khá giả, khi làm nhà gỗ, đều cố mời cho được thợ mộc Xa Lang; các ngôi đền chùa ở nhiều vùng cũng được làm nên bằng chính tay nghề tài giỏi của những người thợ mộc Xa Lang. Thợ mộc Xa Lang đi đến đâu cũng được trọng vọng... Tuy nhiên, cũng giống như nghề đúc đồng Đức Lâm, nghề gốm Cẩm Trang và một số nghề khác, mộc Xa Lang cũng bị “khai tử” và đi vào quên lãng…

Sống mòn

Dễ đến cả trăm năm nay, câu ca “Nón Ba Giang óng ả đường làng” như là một “slogan” về nghề nón nổi tiếng nơi nơi trên khắp địa bàn Hà Tĩnh. Không biết tự bao giờ, nghề nón đã xuất hiện và trở thành một nghề truyền thống của Ba Giang (Phù Việt - Thạch Hà). Các cụ cao niên ở đây cho biết, những năm 90 của thế kỷ XX, ở Ba Giang, nhà nhà làm nón, người người làm nón. Làm nón trở thành một phong trào rộng khắp. Những lúc nông nhàn, những buổi trưa hè lộng gió, trong nhà, ngoài đường, người người ngồi đan nón. Mỗi ngày, làng nón Ba Giang cho “ra lò” hàng trăm sản phẩm, được thương lái chuyển đi bán trên khắp địa bàn trong tỉnh và tỉnh Nghệ An.

Làng nón Ba Giang, nay chỉ vài chục người, chủ yếu là người già và phụ nữ còn giữ nghề.
Làng nón Ba Giang, nay chỉ vài chục người, chủ yếu là người già và phụ nữ còn giữ nghề.

Bà Lan (thôn Thống Nhất, Phù Việt), một “lái nón” hàng chục năm nay, cho biết, khi nghề nón đang thịnh, cứ vài ba ngày bà đi “gom” một lần, được mấy trăm chiếc, đem bán khắp trong tỉnh, đủ nuôi sống cả gia đình một cách sung túc. Tuy nhiên, bây giờ, cứ dăm ngày, bà mới đi “gom” 1 lần, nhưng cũng chỉ được lèo tèo mấy chục chiếc.

Vừa thoăn thoắt chằm nón, bà Xuân (thôn Hòa Bình) vừa cho biết: “Xưa kia, cả làng làm nghề này, nhưng càng ngày càng mai một dần, đến nay, còn mấy chục hộ còn giữ nghề. Còng lưng ngồi một ngày, hoàn thành được một cái nón, bán với giá 30 ngàn đồng. Làm nón bây giờ, chỉ có người già, chứ người trẻ làm việc khác thu nhập cao gấp nhiều lần, họ không thể sống được với nghề truyền thống này nữa…”.

Tìm hiểu nghề đan lát truyền thống Đan Chế (Thạch Long, Thạch Hà), tôi cũng nhận ra ngay tâm trạng buồn rười rượi từ chính ông Lê Đăng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã. Ông Sơn cho biết, trước đây, nghề đan truyền thống ở Đan Chế rất phát triển, thịnh vượng nhất khoảng từ 1987-1992, có đến trên 80% nhà theo nghề. Sản phẩm chủ yếu là thúng, mủng, dần sàng, rổ, rá... Nghề đan tuy không giàu, nhưng ít nhất cũng đủ sống. Cứ có sản phẩm đem ra chợ là thương lái mua hết, với giá khá ổn. Vì thế, người dân Thạch Long mới có câu ca: “Đan Chế có nghề đan/ Khi đói rét cơ hàn, có nghề đan “chế” lại”.

Thế nhưng, khoảng 15 năm lại nay, nghề này ngày càng mai một; sản phẩm làm ra giá rẻ mạt. Một người đan 1 ngày được 1 cặp rổ, bán được 30-35 nghìn nên khi đói rét, cơ hàn cũng không thể “chế” lại được. Cả xã bây giờ, khoảng 30% gia đình vẫn còn giữ nghề đan, nhưng chỉ là nghề làm thêm của các ông già, bà lão và chị em những lúc nông nhàn; số người chuyên đan để kiếm sống chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguy cơ mai một của làng nghề đã rõ… Chị Nguyễn Thị Thảo (xóm Đan Trung), cho biết: Nghề này tuy thu nhập thấp, nhưng tận dụng được tối đa thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên, nếu có một HTX bao tiêu sản phẩm cho người dân, giúp họ an tâm sản xuất thì vẫn có thể giữ được nghề và khỏi bị tư thương ép giá...

Khắc khoải nghề chiếu cói Nam Sơn ở thị trấn Nghèn (Can Lộc)
Khắc khoải nghề chiếu cói Nam Sơn ở thị trấn Nghèn (Can Lộc)

Làng muối truyền thống Hộ Độ (Lộc Hà) một thời nổi tiếng cả nước, nay cũng đã mai một! Ông Phan Đình Hinh - Phó Chủ tịch xã cho biết, năm 1985 về trước, xã Hộ Độ có đến 125 ha ruộng muối, nhưng sau đó, cứ giảm dần từng năm. Năm 2000, diện tích còn 93 ha, sản lượng 11.000 tấn, nhưng đến nay, diện tích chỉ còn 35 ha. Trong đó, diện tích đưa vào sản xuất chỉ chiếm 2/3 nên sản lượng chỉ đạt 3.000 tấn. Toàn xã Hộ Độ hiện có 3.200 người trong độ tuổi lao động, nhưng số người tham gia sản xuất chỉ… 150 người! Số lao động này chủ yếu là ông già, bà lão và một số phụ nữ đang nuôi con nhỏ, nên mới bất đắc dĩ bám nghề! Nhiều đồng nại ở Hộ Độ bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm…

Nguyên nhân chính dẫn đến nghề muối bị mai một thê thảm như vậy là do hạ tầng đồng muối không được đầu tư cải tạo nên năng suất, chất lượng thấp; muối sản xuất ra không có người bao tiêu nên giá cả rất bấp bênh... Ở Hộ Độ, trung bình mỗi hộ được 2 sào nại. Đầu tư cho 1 sào khoảng 2 triệu đồng, trong khi sản lượng chỉ được 4 tấn/năm, tổng thu 6 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, 1 sào muối chỉ được 4 triệu đồng, trong khi phải bỏ công sản xuất ròng rã 4 tháng. Theo ông Lê Sơn (thôn Yên Thọ): “Nghề làm muối ở đây đang chết dần, chết mòn. Cứ đà này, không biết nghề muối Hộ Độ sẽ đi về đâu?!”.

Một trong những làng nghề truyền thống còn giữ được nghề tương đối khá nhưng cũng đang đối mặt với khó khăn, là làng chiếu cói Nam Sơn (thị trấn Nghèn - Can Lộc). Đến thời điểm này, Nam Sơn còn khoảng 250 hộ tham gia sản xuất chiếu cói. Thôn sản xuất nhiều nhất là thôn 4, với khoảng 80 hộ. Chị Bùi Thị Tuyết - Bí thư kiêm Thôn trưởng thôn Nam Sơn, cho biết: Nghề chiếu Nam Sơn đang giảm dần trong những năm qua. Năm 2002 trở về trước, thôn này có đến 90% hộ làm chiếu; năm 2006, còn 70%, nhưng đến nay, chỉ còn chưa đầy 50%”.

Khó khăn của người làm chiếu cói Nam Sơn là vùng nguyên liệu ngày càng cạn kiệt; vốn ưu đãi khó tiếp cận; bên cạnh đó, chiếu Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều, giá rẻ… nên thị phần chiếu cói cũng ngày càng khó khăn. Vì vậy, cũng như các nghề kể trên, nghề chiếu Nam Sơn cũng đang “sống mòn” và tương lai mai một là điều đang nhìn thấy...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast