Lo cho người nghèo - Tâm huyết và lý tưởng của Nguyễn Din

(Baohatinh.vn) - Ông Nguyễn Din cách đây không lâu tôi gặp, là người đã ngoài 80, thế nhưng, đôi mắt bao giờ cũng có một ánh nhìn sáng mà sâu như muốn hỏi: “Anh là ai, anh đã làm được gì cho nhân dân Kỳ Anh của tôi?”. Nhìn đôi mắt ấy, bao giờ tôi cũng thấy rưng rưng, bao nhiêu kỷ niệm trở về.

Lo cho người nghèo - Tâm huyết và lý tưởng của Nguyễn Din ảnh 1

Thị xã Kỳ Anh đang thay da, đổi thịt từng ngày. Ảnh: Quang Sáng

Những năm tháng của thập niên 90 thế kỷ trước, tôi được vinh dự là đại biểu HĐND tỉnh Nghệ Tĩnh tại huyện Kỳ Anh mà ông Nguyễn Din lúc đó là Bí thư Huyện ủy. Kỳ Anh là một huyện nghèo, xưa nay ai cũng nói như thế, vì rằng, thời đó thu ngân sách chỉ có xã Kỳ Khang và thị trấn là nổi 100 triệu đồng, còn các xã chỉ dăm ba chục triệu. Nhân dân hầu hết sống trong mái tranh, miếng ăn chủ yếu là khoai sắn, chỉ những vùng giáp biển có được con cá, con mực.

Nhưng rất kỳ lạ, con người Kỳ Anh rất khỏe, rất thông minh, trẻ con đều được đi học, người với người đằm thắm, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo. Đại biểu nhân dân thì đến thập niên 90, nhưng từ những năm chiến tranh chống Mỹ, có năm nào mà tôi không đôi ba lượt về Kỳ Anh. Thỉnh thoảng tôi tranh thủ vào để cùng Bí thư Nguyễn Din, Chủ tịch Phan Công Trân đi về các xã hay ngồi đàm đạo. Mọi câu chuyện không ngoài việc làm sao cho Kỳ Anh thoát nghèo.

Đó là câu hỏi thường trực trong đầu, trong tim, trong suy nghĩ, trong việc làm, trong chương trình công tác và mọi mối quan hệ đối ngoại của Bí thư Nguyễn Din. Cả đến khi không làm bí thư nữa, ông vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình xóa đói giảm nghèo cho Kỳ Anh, đến mức mà thành ra một bộ phận của chương trình quốc gia, thành báo cáo viên của nhiều tỉnh, những hội thảo toàn quốc. Đi đến đâu, gặp ai, người ta cũng hỏi thăm “ông xóa đói giảm nghèo”. Và từ đó, ông có thêm cái tên “ông xóa nghèo”. Cái nghèo “phần lớn”, cái nghèo “một nửa”, cái nghèo “phần nhỏ”, đó là con đường đi đến đích của Nguyễn Din.

Tôi và ông đặt bản đồ Kỳ Anh lên bàn. Đất đai, sông biển Kỳ Anh, con người Kỳ Anh, lịch sử nhân dân, Đảng bộ Kỳ Anh… Không, nghìn lần không, Kỳ Anh không thể nghèo được. Ông nói với tôi, với nhân dân, với đảng bộ, với tỉnh, với trung ương như vậy. Ông cũng nói với bạn bè quốc tế như vậy. Và nhờ ông, tôi có một tuyên ngôn: “Kỳ Anh là một huyện nghèo nhưng không thể nghèo mãi được”. Làm gì đây, làm như thế nào đây, bắt đầu một cuộc đuổi rượt mà Nguyễn Din đã nêu ra “5 thấy”, “5 cần”.

Trồng chè công nghiệp là hướng đi giúp bà con xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) thoát nghèo.

Trồng chè công nghiệp là hướng đi giúp bà con xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) thoát nghèo.

“5 thấy” là làm sao cho đảng bộ và nhân dân thấy được và tin được Kỳ Anh không thể nghèo mãi. Làm sao cho lãnh đạo, cán bộ tỉnh, lãnh đạo, cán bộ các bộ, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH thấy được và tin được việc làm của chúng ta. Làm sao cho các tổ chức quốc tế, đặc biệt là NGO thấy được để họ tin, họ ủng hộ. Làm sao cho anh em cán bộ đi làm việc này, chương trình này thấy được, không những chỉ có tin mà phải quyết tâm, kiên trì, luôn luôn chăm lo, nghe ngóng, học hỏi, lấy kết quả dù nhỏ làm niềm vui, hạnh phúc của mình. Làm sao cho bà con Kỳ Anh ở khắp nơi trong và ngoài nước thấy được và tin được những việc chúng ta đang làm mà chia sẻ, mà góp sức bằng trí tuệ, tinh thần, vật chất.

“5 cần” là cần tất cả những điều ấy, những nội dung ấy trở thành nghị quyết của đảng bộ, HĐND các xã, thị trấn, huyện và chủ trương, chỉ thị của tỉnh, của bộ… Cần một chương trình kế hoạch thật cụ thể của huyện đến từng xã, thậm chí, từng hộ để tính ra được những yêu cầu vật chất, tinh thần. Trên cơ sở đó xây dựng bước đi cho thích hợp, với điều kiện hoàn cảnh cụ thể từng việc, từng vùng, từng xã, đến cả huyện. Cần từ cơ sở đến huyện một đội ngũ cán bộ không những có năng lực mà còn tận tụy với công việc, không vì lợi ích gì khác ngoài lợi ích làm cho nhân dân giảm được nghèo. Cần một khối lượng khổng lồ về tiền: tiền xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH. Tiền phát triển sản xuất nông, lâm, thủy, hải sản. Tiền cho các gia đình làm vốn để phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề… Phân định thật cụ thể, thật rõ, thật minh bạch khoản nào cấp, khoản nào vay, vay với lãi suất thế nào. Cuối cùng là cần thẩm định, đánh giá một cách chính xác hiệu quả của từng việc làm, đặc biệt là tính bền vững (tránh tình trạng nghèo trở lại).

Để kết thúc bài viết này, tôi muốn nêu 2 ý: Thứ nhất, các bạn sẽ bảo kết quả mấy năm ông Nguyễn Din làm đâu không thấy tác giả nói. Kết quả thì mời các vị xem ở báo cáo, chứ tôi nói ra đây 5 trang, 10 trang cũng chưa thấm vào đâu, cái khoản Nguyễn Din tranh thủ các tổ chức quốc tế cũng viết được thành sách rồi. Nguyễn Din có một phương pháp luận công tác rất khoa học. Và bao giờ cũng đặt công việc chung như việc nhà, lúc nào cũng canh cánh bên lòng.

Thứ hai, khen cho cha mẹ đặt cho ông cái tên Din. Din là thứ thiệt, như ta hay nói là “loại hàng din đấy”. Nguyễn Din - một người con sống nhân ái, có thủy, có chung, có trước, có sau. Nay đã về với cõi tiên, đã xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng bộ và nhân dân Kỳ Anh, có lẽ ông cũng nhẹ lòng, thanh thản mà ra đi!

Chủ đề Khu kinh tế Vũng Áng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast