Lỗi ở hai chữ “tiếp khách”

(Baohatinh.vn) - Việc điều động lực lượng giáo viên tham gia vào các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao, kỉ niệm… trên các địa bàn xã, huyện, tỉnh, thành phố… xưa nay vẫn là chuyện được coi là bình thường giống như khi có việc gì cần kíp thì chúng ta vẫn quen nói một câu “huy động toàn bộ lực lượng” để giải quyết vấn đề. Việc điều giáo viên tham gia một hoạt động văn hoá tại TX. Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) vừa qua phải chăng do lỗi ở hai chữ “tiếp khách”!?

Vừa rồi, câu chuyện này đã trở thành một chủ đề truyền thông rôm rả trên các phương tiện thông tin khác nhau và thậm chí còn thành “vấn đề” khi nó được bàn trong kì họp Quốc hội, được phóng viên phỏng vấn cả Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo và được cả những trang mạng đưa thông tin giả để làm nghiêm trọng thêm.

Quả bóng tuyết đã lăn đi, e càng lăn càng lớn và sức tàn phá của nó chưa chắc đã dừng lại.

Câu chuyện điều động giáo viên tham gia “tiếp khách” trong Liên hoan các CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 2016 tổ chức vào các ngày 19, 20, 21/8 tại thị xã Hồng Lĩnh, tôi may mắn được chứng kiến vì là khách mời chính thức. Bởi vậy, tôi thấy mình cần có những ý kiến tham gia góp ý.

loi o hai chu tiep khach

Liên hoan các CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 2016 tổ chức vào các ngày 19, 20, 21/8/2016 tại thị xã Hồng Lĩnh

1. Hai chữ “tiếp khách”

Hai chữ này vốn không mang ý nghĩa “nhạy cảm” như gần đây. Trong mục từ TIẾP của Từ điển tiếng Việt thông dụng, Nhà xuất bản Giáo dục in năm 1995 có ghi một trong nghĩa liên quan đến nó: “3. Gặp và nói chuyện (với người đến với mình). tiếp khách đến nhà chơi. đại biểu quốc hội tiếp dân”. Từ ghép “tiếp khách” không được lựa chọn nhưng có mục từ TIẾP TÂN: “Đón tiếp khách (hội nghị hoặc khách sạn v.v.)… ban tiếp tân của hội nghị. buổi tiếp tân. nhân viên tiếp tân”. (Những chữ in nghiêng là ngữ liệu trong nguyên bản).

Nó là như vậy. Nhưng ngôn ngữ vốn đa nghĩa. Trong thực tế, hai chữ “tiếp khách” cũng bao hàm cả sắc thái nghĩa phản cảm.

Giả dụ như, phóng viên dùng từ “tiếp tân” hoặc “phục vụ lễ tân” thì câu chuyện dư luận có thể đã diễn ra theo một hướng khác đi.

Đằng này, với việc dùng từ “tiếp khách”, thông tin trên báo chí đã dẫn người đọc sang những ý nghĩa nghiêng về tiêu cực và trong liên tưởng độc giả (những người không trực tiếp chứng kiến), họ nghĩ ngay đến những việc như “tiếp rượu” thậm chí là “đi khách” (!).

2. “Khách” là ai vậy?

Vì chỉ là khách mời trong Liên hoan các CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 2016 nên tôi là chứng nhân cho hoạt động này và tôi chỉ nói về điều này. “Khách” ở đây là trên 20 CLB, nhóm dân ca ví, giặm trên địa bàn toàn tỉnh về tham dự liên hoan. Hầu như tất cả họ đều không phải là các diễn viên, ca sĩ chuyên nghiệp, mà họ đều là DÂN, là các cụ, các mẹ, các anh chị em hát dân ca. “Khách” còn có thể là các cán bộ tổ chức liên hoan của Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh, nơi chịu trách nhiệm tổ chức và một số khách mời như chúng tôi.

Từ các làng quê, các thôn xã huyện thị… họ nhiệt tình đến với liên hoan và tham gia biểu diễn trên sân khấu. Họ rất đáng trân trọng và đồng thời phải được hướng dẫn, tập luyện, ráp nhạc, để cho quen với không gian sân khấu, thời lượng trình diễn, nội dung tác phẩm… Nói chung, cần một lực lượng đáng tin cậy để đón tiếp và hướng dẫn họ khi bơi từ ao làng ra biển cả.

3. “Tiếp khách” là làm gì vậy?

May mắn cho tôi, từ Hà Nội về sớm, đã chứng kiến hai buổi ghép nhạc, chạy chương trình và lựa chọn tiết mục ngày 19/8 (thứ 6). Vì là “khách” nên tôi không biết ai là cán bộ chuyên trách, ai là các thầy cô giáo được “điều động” phục vụ đợt liên hoan giàu ý nghĩa này. Tôi chỉ thấy rất lắm việc và vất vả. Đặc biệt là bộ phận chỉ đạo, bộ phận nhạc công.

loi o hai chu tiep khach

Đông đảo người dân địa phương đến xem sự kiện văn hoá quan trọng của tỉnh, thị xã Hồng Lĩnh

Là các CLB từ các vùng quê lên, họ chưa quen với sân khấu, với nhạc đệm. CLB nào cũng xin thêm giờ, làm đi làm lại, xin thêm tiết mục, thậm chí là gắt gỏng đề xuất các yêu cầu với ban tổ chức. Không khí có lúc như vỡ trận trong hai buổi đó. Hoạt động phong trào có cái khổ riêng của nó. Buổi trưa, đến hơn 12 giờ vẫn chưa xong, buổi chiều đến 19 giờ chưa nghỉ ngơi được.

Hai ngày chính thức liên hoan là thứ 7 và Chủ nhật, tức là ngoài giờ quy định hành chính, diễn ra sôi nổi với chất lượng cao. Các buổi trưa và tối, chúng tôi, đoàn hơn 20 người, được mời đến quán ăn bình dân. Nhân viên quán ăn phục vụ chúng tôi. Trong quán ăn, chúng tôi gặp một số bạn nghiên cứu, nhạc sĩ ở địa phương và chuyện trò vui vẻ cùng nhau, nói với nhau về những dự tính để phong trào phát triển, khoe với nhau những sưu tầm và ứng dụng dân ca, hẹn với nhau về các cuộc giao lưu trong tương lai…

4. Việc “điều động” và việc có thể nảy sinh yếu tố tiêu cực

Nhiệm vụ của giáo viên là giảng dạy học sinh. Đó là nghề nghiệp của họ. Tôi cũng là giáo viên. Tuy nhiên, không đơn giản mạch lạc như vậy. Tôi còn là thành viên của tổ dân phố. Nhiều lúc, nhà trường hoặc chính quyền phường sở tại còn huy động và điều động chúng tôi đi thực hiện những nhiệm vụ khác (ngoài chuyên môn) như giúp tuyên truyền bầu cử, tổ chức thể thao, trại hè cho thiếu nhi. Với tư cách là một công dân thuộc quyền quản lí của họ, tôi thường không từ chối khi họ yêu cầu miễn là không ảnh hưởng công việc chuyên môn của mình. Mặt khác, qua mỗi lần như vậy, tôi thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều về mặt nhận thức, và vui mừng vì mình được đóng góp một phần công sức cho sự phát triển nói chung.

Điều này là bình thường trong cuộc sống của chúng ta.

Với một địa bàn như huyện, thị trấn, thị xã, tỉnh… có những phong trào, những hoạt động tiêu điểm, cần lực lượng phục vụ lớn, việc huy động lực lượng trong quyền năng quản lí của mình phục vụ cũng là điều thường gặp. Biên chế chức năng lúc đó không đủ lực lượng. Ở chúng ta, chưa có các công ti lễ tân tiện lợi để thuê. Mà thuê chưa chắc đã đúng yêu cầu công việc.

Lực lượng trường học thường được hướng đến nhiều hơn cả. Nói chuyện với một nguyên trưởng phòng văn hóa huyện, ông cho rằng, nhiều lúc chúng tôi cũng phải qua ủy ban nhân dân huyện để nhờ các cô thầy giúp đỡ trong các hoạt động lớn. Tại sao lại nhờ họ? Vì đó là những người lịch sự, hiểu biết, nhanh nhạy, trang phục gọn gàng, kín đáo. Không nhờ họ thì biết nhờ ai? Đây nhiều khi còn là trách nhiệm xã hội của giáo viên nữa

Tuy nhiên, trong việc này cũng có thể phát sinh tiêu cực, thường là: Việc không đáng cũng huy động, làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chuyên môn. Cái này rõ ràng là lạm dụng quyền quản lí. Trong hoạt động phục vụ, có những việc ăn uống, liên hoan xô bồ trái với những qui định về nếp sống văn hóa. Trong những việc điều động này, có những người thấy được niềm vinh dự của mình nhưng cũng có những người không thoái mái vẫn phải phục tùng.

Không phủ nhận những tiêu cực đó, cũng như cần thiết nhìn thẳng vào những khuyết điểm trong mọi lĩnh vực hiện nay.

Đối với hoạt động Liên hoan CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tổ chức tại Hồng Lĩnh cách nay đúng 3 tháng, rõ ràng một số phóng viên và phương tiện truyền thông đã chỉ nhìn một mặt phiến diện, sử dụng ý kiến thiếu đa dạng, nhấn mạnh nghĩa tiêu cực của hai chữ “tiếp khách” để câu khách và khích động tâm lí công chúng, tạo ra một định hướng thông tin nghiêng lệch, cố ý hay vô tình đã phủ nhận những thành công của một sự kiện văn hóa rất đáng khẳng định về giá trị của nó.

Một chi tiết nữa mà tôi nhận được thông tin, trước đó, tại hội nghị xúc tiến đầu tư của thị xã Hồng Lĩnh diễn ra ngày 14/8/2016. Hội nghị có số lượng trên 500 quan khách là các doanh nhân khắp mọi miền đất nước đã về với Hồng Lĩnh. Theo đó, thị xã Hồng Lĩnh cũng phải điều động một lực lượng lễ tân lớn. Nếu nói việc điều động ảnh hưởng đến công việc của cán bộ công chức thì tôi đồng ý, nhưng nếu nói việc điều động ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của giáo viên thì tôi băn khoăn, vì đây là thời gian các cô giáo đang nghỉ hè, ngày tổ chức hội nghị lại là ngày chủ nhật.

Hà Nội, 21/11/2016

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast