Mã số định danh: Đơn giản thủ tục, tiết kiệm chi phí

"Việc mỗi người dân có một số định danh cá nhân sẽ giản hóa tới 1.300 thủ tục hành chính của công dân và tiết kiệm được 1.600 tỉ đồng/năm" - ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết.

Cấp mã số định danh tiết kiệm 1.600 tỷ mỗi năm

Theo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công công dân và các dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, từ năm 2016 sẽ thực hiện việc nhập thông tin cơ bản về công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân.

Theo đó, số định danh công dân là số được cấp một lần, duy nhất cho mỗi công dân Việt Nam và sẽ thay thế cho khoảng 20 loại giấy tờ liên quan đến công. Mã số định danh cá nhân là số duy nhất để truy nguyên công dân trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

Tại cuộc họp báo thông báo về Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công công dân và các dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, do Bộ Tư pháp tổ chức vào chiều 13/6, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, việc mỗi người dân có một số định danh cá nhân sẽ giản hóa tới 1.300 thủ tục hành chính của công dân; tiết kiệm được 1.600 tỉ đồng/năm.

Ông Phan nhấn mạnh, nếu thông tin đầu vào mà đã có trên hệ thống thì không phải xuất trình giấy tờ nữa.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về kinh phí thực hiện dự án đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội – (Bộ Công an) cho biết, dự kiến khoảng 3.500 tỷ đồng. Riêng Hải Phòng được xây dựng cơ sở dữ liệu bằng vốn ODA. Như vậy, tổng kinh phí là khoảng 4.000 tỷ đồng.

Tướng Vệ cũng cho biết, số định danh cơ sở dữ liệu dân cư, cấp cho người dân khi sinh ra tới khi mất đi. Theo dự án của Bộ Công an, các bộ ngành đồng ý lấy số của Bộ Công an đang cấp thí điểm để làm số dịnh danh, 500 năm số này không trùng lặp.

Giải thích vì sao việc cấp mã số định danh không thể thực luôn bây giờ mà phải đợi đến năm 2016, Tướng Vệ nói: muốn cấp mã số định danh, trước hết phải lập dự án để hoàn thiện về công nghệ, đường truyền. Chính phủ giao Bộ Công an soạn thảo và tháng 7 trình Chính phủ. Do vậy sớm nhất phải cuối năm dự án mới bắt đầu thực hiện được. Bên cạnh đó, còn phải thiết kế, xây dựng phương án kỹ thuật. Sau đó lại triển khai về các địa phương lắp đặt, cập nhật dữ liệu. Vì thế, việc đòi hỏi cấp luôn mã số định danh từ bây giờ là không thể thực hiện được.

Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, số định danh là dãy số tự nhiên, như một chìa khóa để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nên cơ sở chưa có thông tin gì thì việc cấp số định danh cũng không thể sử dụng được. Việc đầu tiên phải làm là nhập những thông tin cơ bản của công dân vào kho. Kế đến mới cấp mã số định danh vào để khai thác thông tin, giải quyết các thủ tục hành chính và sử dụng để thực hiện việc quản lý nhà nước.

Trong một phạm vi nhất định, người dân có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu để biết thông tin về mình. Thủ tục hành chính, giấy tờ công dân phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, nên nếu muốn cải cách, đưa ra phương án đơn giản hóa thì phải sửa đổi các quy định trong văn bản liên quan.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là rà soát và lược bỏ các thủ tục. Về cơ bản các bộ ngành đã hoàn thành cơ bản việc sửa đổi các thông tư để thực hiện các phương án mà đề án quy định. Thủ tục hành chính chủ yếu được quy định trong các nghị định và thông tư. Có những vấn đề nếu muốn sửa nghị định, thông tư nên phải sửa pháp lệnh. Trong đề án, Chính phủ có đề xuất Quốc hội sớm đưa vào phương án xây dựng luật, pháp lệnh

Hộ khẩu, giấy khai sinh có thể bỏ, chứng minh nhân dân thì không

Tại cuộc họp báo, nhiều ý kiến băn khoăn việc sử dụng số định danh cá nhân, các bộ ngành địa phương sẽ phải cập nhật thông tin do mình quản lý lên hệ thống phần mềm và chỉ được truy cập sâu vào hệ thống ở một giới hạn nhất định. Vậy, Bộ Công an có phải là cơ quan duy nhất nắm được hết thông tin về mỗi công dân? Và làm thế nào để giữ được về bí mật thông tin của công dân?

Giải đáp những băn khoăn trên, Đại tá Vũ Xuân Dung - Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu Quốc gia về dân cư cho biết, không phải ai cũng có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo ông Dung, việc truy cập thông tin sẽ được phân cấp cho người dùng. Sau này, các bộ ngành sẽ phải xây dựng Nghị định quy định về việc quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo bí mật thông tin của công dân. Trước câu hỏi, khi cấp số định danh, liệu có thể bỏ chứng minh nhân dân hay không, Đại tá Vũ Xuân Dung khẳng định không thể bỏ chứng minh nhân dân.

Theo ông Dung, chúng ta thu thập cơ sở dữ liệu về công dân nên mỗi người có một mã số. Công dân phải có một giấy tờ nào đó để công nhận mã số này.

Theo ông Dung, hộ khẩu, giấy khai sinh có thể bỏ nhưng phải sau khi hoàn thiện xong cái dự án quản lý dân cư, có dữ liệu rồi, tra vào số định danh công dân thì các ngành sẽ tìm được những thông tin cần thiết.

Ông Dung cho biết thêm, Đề án cũng đã tính đến việc sau này có đầy đủ hạ tầng và các điều kiện, thiết bị đầy đủ, có thể sẽ hướng tới cấp thẻ công dân điện tử. Đến lúc đó mới có thể bỏ chứng minh nhân dân được.

Có thể nói, việc triển khai Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công công dân và các dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư là bước đột phá trong cải cách hành chính. Những thông tin cơ bản về công dân của người dân sẽ được số hóa, điện tử hóa. Theo đó, khi thực hiện thủ tục hành chính, người dân sẽ không phải đi lại nhiều lần hoặc phải xuất trình những giấy tờ chứa đựng những thông tin về bản thân mình và gia đình vì đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo Bùi Ngà/VnMedia

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast