“Mâm trên, mâm dưới”

(Baohatinh.vn) - Trong khi những người chồng ngồi “mâm trên” cụng ly và nói đủ thứ chuyện từ chính trị đến làng xã thì ở “mâm dưới”, hầu hết phụ nữ vẫn là những người bưng bê, dọn dẹp.

Đó là thực tế rất dễ bắt gặp ở các gia đình mỗi dịp giỗ chạp, tiệc tùng. Như một luật bất thành văn, đàn ông trong nhà cứ phải yên vị vào các mâm cỗ đặt ở gian chính thì chị em phụ nữ mới tính đến chỗ ngồi cho mình. Thậm chí, nhiều người khi cả nhà vào cầm đũa rồi vẫn còn bưng bê, phục vụ và bắt đầu ăn sau khi bữa tiệc đã kết thúc.

mam tren mam duoi

Khi vào bàn tiệc, phụ nữ ngồi với nhau, xung quanh là đám trẻ con đủ lứa tuổi. Trong khi cánh đàn ông ngồi cụng ly vui vẻ, thoải mái ăn uống thì phụ nữ vừa chăm trẻ con, vừa chạy ra chạy vào để đảm bảo không mâm nào thiếu thức gì. Bảo sao phụ nữ càng ngày càng sợ những bữa tụ tập, liên hoan tại gia như thế. Bởi từ chợ búa, nấu nướng cho đến bày mâm cỗ, dọn dẹp “bãi chiến trường” đều một tay họ xoay xở.

Nhiều người phụ nữ chấp nhận điều đó bởi họ cho rằng, không thể làm khác đi để thay đổi suy nghĩ đã ăn sâu trong xã hội, hoặc cũng có khi vì tâm lý, quan niệm của chính bản thân mà họ “tình nguyện” ngồi mâm dưới để tiện trò chuyện hay chăm sóc con cái.

Từ thuở bé, mỗi lúc theo bố mẹ về quê ăn cỗ, tôi đã quá quen với cảnh các ông, các bác ngồi nhàn nhã uống nước chè, rít thuốc lào và nói những câu chuyện không đầu không cuối, chờ cho đến lúc khai tiệc. Dưới bếp, các bà, các mẹ quần ống cao ống thấp, mồ hôi nhễ nhại bê những chiếc nồi rất to, nghi ngút khói. Cô út với dì Mai hì hục xào xào, nấu nấu hết món này qua món khác không ngơi tay. Hồi đó, tôi chỉ thấy cảnh đó thật đông vui, nhộn nhịp và háo hức chờ những mâm cỗ đầy được bê lên. Sau này lớn lên mới hiểu hết nỗi vất vả của những người phụ nữ ấy. Mâm của những người đàn bà cũng luôn cầm đũa sau và buông trước bởi chưa ăn xong, tôi đã nghe bà nội giục các mẹ, các cô: “Các con ăn nhanh để còn lên nhà trên dọn dẹp, chuẩn bị nước nôi”.

Ở nhiều vùng quê, không chỉ phụ nữ mới phải ngồi mâm dưới như lệ vẫn thế mà vấn đề này còn nặng nề đối với cả những người đàn ông được cho là vai vế thấp trong dòng họ. Đặc biệt là những người đàn ông không có con trai. Và nhiều chuyện buồn, nhiều cuộc xung đột cũng từ câu chuyện “mâm trên, mâm dưới” mà nảy sinh, làm ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, họ hàng.

Giữ gìn nền nếp gia phong, truyền thống văn hóa là điều rất quan trọng, nhưng những tư tưởng cổ hủ, quan niệm lạc hậu cũng cần được xóa bỏ, nhất là trong thực hiện tiến bộ, bình đẳng cho phụ nữ, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast