Mạng xã hội - “con dao hai lưỡi”

(Baohatinh.vn) - Du nhập vào Việt Nam chưa lâu nhưng các trang mạng xã hội như: Zalo, Google Plus+, Twitter, Instargram, Myspace, Zing..., đặc biệt là Facebook đã “gây nghiện” cho phần lớn người dân Việt ở hầu hết mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách quản lý tài khoản của mình để nó thực sự trở thành công cụ đa năng, hữu ích cho việc kết nối liên lạc, tìm kiếm thông tin... Xoay quanh vấn đề này, đã có không ít câu chuyện buồn vui...

Cuốn “nhật ký” tiện ích

Thời gian gần đây, chị Nguyễn Thị Na (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) miệt mài, bận rộn với việc lên mạng vào Facebook bởi đấy là kênh bán hàng chính của chị. Kinh doanh đồ trẻ em hơn 3 năm nay nhưng chị chủ yếu bán ở shop, ngồi chờ cả buổi mới có một vài khách vào ra. Thế nhưng, từ khi được con gái “chỉ dạy” gia nhập thế giới Facebook, chị đã đưa hàng lên mạng giới thiệu sản phẩm, lượng khách tìm đến shop cũng đông hơn, thậm chí, khách quen chỉ cần chọn mẫu là chị đưa hàng tận nơi.

Chị Na chia sẻ: “Vừa bán được hàng, tôi vừa cập nhật được các mẫu mới. Hơn nữa, muốn đọc tin tức gì hay các thông tin liên quan đến người thân, bạn bè trên face đều có hết”.

Mạng xã hội - “con dao hai lưỡi” ảnh 1

Mạng xã hội là trang thông tin mở, nếu không đủ bản lĩnh và nhận thức, người dùng có thể bị tác động xấu từ các thông tin. (Ảnh minh họa từ internet)

Không chỉ chị Na mà rất nhiều người dùng đều thừa nhận những lợi ích mà mạng xã hội, đặc biệt là Facebook - được đa số người sử dụng. Face chính là cuốn “nhật ký điện tử” lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời của người dùng. Ở đó chứa lượng thông tin phong phú, đa dạng; nơi chia sẻ tâm tư, tình cảm, sở thích; giúp con người có thêm kênh giao tiếp. Cũng qua mạng xã hội, người dùng có thể liên kết, hợp tác với nhau để kêu gọi ủng hộ các hoạt động từ thiện hay tìm kiếm người thân bị mất liên lạc.

Mới đây, để tưởng nhớ những nạn nhân trong vụ khủng bố tại Paris (tối 13/11/2015), mạng xã hội đã đưa ra công cụ “Peace for Paris” giúp người dùng đổi hình đại diện (avatar) hiệu ứng quốc kỳ Pháp với 3 màu: xanh, trắng, đỏ. Ngay khi xuất hiện, “Peace for Paris” đã được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng và rất nhiều người dùng mạng xã hội Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ hưởng ứng phong trào này.

Còn nhớ, trước sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép vào khu vực biển Đông của nước ta, Facebook Việt Nam được nhuộm đỏ bởi hình ảnh những lá cờ Tổ quốc. Điều đó ít nhiều chứng tỏ sự quan tâm của giới trẻ đến các vấn đề CT-XH trong nước và trên toàn cầu.

Cũng qua mạng xã hội, những nhóm quan tâm đến các vấn đề lịch sử, văn hóa lập diễn đàn trao đổi, tranh luận. Từ đó, người dùng được nâng cao nhận thức về nhiều mặt. Đây chính là những tác động tích cực mà mạng xã hội mang lại. Nếu biết cách khai thác, mạng xã hội nói chung, Facebook nói riêng sẽ là công cụ hữu ích cho công việc, học tập của mỗi người; tạo điều kiện cho các thành viên bày tỏ thái độ và hành động vì cộng đồng.

Lợi bất cập hại

Mạng xã hội trở thành nơi giải phóng “cái tôi” của nhiều người nên mặc nhiên họ viết, chụp, đăng, chia sẻ tất cả những gì họ nghĩ, họ thấy mà không cần kiểm chứng đúng hay là sai, thậm chí, sử dụng những từ ngữ, hình ảnh phản cảm. Không ít người chia sẻ thông tin vô tội vạ mà không cần quan tâm đến hậu quả, tác động đến danh dự, nhân phẩm, nghề nghiệp… của người khác.

Các link độc hại có thể xuất hiện trong các bình luận, trạng thái trên trang cá nhân. Chẳng hạn, đêm 4/11/2015, hàng trăm hộ dân ở các thôn thuộc 2 xã Thủy Bằng và Hòa Dương (TX Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) đã chạy lên núi để tránh lũ bởi một status (trạng thái) của tài khoản Facebook Lê Thanh Phôn đăng tải thông tin đập hồ Tả Trạch có nguy cơ vỡ.

Thậm chí, mạng xã hội còn là “hộp đen” lưu truyền văn hóa phẩm đồi trụy, là nơi một số cá nhân lợi dụng để chống phá chế độ hoặc gián tiếp tán phát những thông tin xấu; rò rỉ thông tin bí mật nhà nước, gây hại cho cộng đồng; thậm chí, tiếp tay cho các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước…

Hẳn cộng đồng mạng và rất nhiều người dân Việt Nam vẫn chưa quên vụ việc cuối năm 2012, khi Đinh Nguyên Kha (SN 1988, nhân viên sửa chữa máy tính) và Nguyễn Phương Uyên (SN 1992, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) thông qua Facebook đã làm quen với Nguyễn Thiện Thành sống tại Thái Lan. Sau đó, Thành giới thiệu 2 người vào tổ chức “tuổi trẻ yêu nước” - một tổ chức phản động chống phá Việt Nam. Nhiệm vụ của Kha và Uyên được Thành chỉ đạo là rải truyền đơn để tuyên truyền, xuyên tạc chống phá nhà nước.

Hiện nay, cộng đồng mạng đang xôn xao với trang Facebook có tên Việt Tân - trang thông tin chứa nhiều nội dung đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Không ít “nhà dân chủ” tự xưng đã đăng tải nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, gây hoang mang cho một số người đọc. Nếu không đủ bản lĩnh, họ sẽ dễ hùa theo những trang mạng kiểu này, dẫn đến lệch lạc về tư tưởng, mất niềm tin vào xã hội.

Từ công cụ giải trí, mạng xã hội đã bị biến tướng thành “chợ thập cẩm”, khoe khoang bản thân quá đà và giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vô tội vạ… Ngày 12/11/2015, người dân cả nước lại thêm một dịp xôn xao sau phóng sự của Đài Truyền hình Việt Nam kể về một người phụ nữ ở Đồng Tháp tự xưng là “Công chúa Minh Nguyệt” (tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Châu) có khả năng chữa bệnh chỉ bằng cao dán, nước lã kết hợp với những động tác múa chân tay. Để khuếch trương thanh thế, Châu lập tài khoản Facebook mang tên Minh Nguyệt Công Chúa, đăng tải video tuyên truyền hoạt động mê tín, dị đoan.

Mạng xã hội là kênh thông tin mở. Trong khi đó, việc quản lý, ngăn chặn các trang mạng có nội dung xấu, sai sự thật gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể những tác hại của mạng xã hội đến sức khỏe khi con người luôn “dán mắt” vào các thiết bị điện tử để cập nhật thông tin. Một bộ phận không nhỏ người dùng quá “chăm bẵm” ngôi nhà ảo, lãng phí thời gian, quên đi cuộc sống thực, công việc và gia đình.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast