Mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy

(Baohatinh.vn) - 6 tháng đầu năm 2014, mức sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh lại đang tăng 0,65% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thực trạng đáng báo động, ảnh hưởng lớn đến cơ cấu dân số, sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội.

Thực trạng báo động

Ông Nguyễn Huy Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS–KHHGĐ tỉnh cho biết: “Thực trạng đáng báo động hiện nay là tỷ số giới tính khi sinh có đặc điểm tăng ở cả thành thị, nông thôn và đều mất cân bằng; tăng cao ngay từ lần sinh thứ nhất và rất cao ở lần sinh cuối. Khu vực thành thị có sự lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu, trong khi khu vực nông thôn xuất hiện nhiều ở lần sinh thứ 2 trở đi. Tỷ số giới tính khi sinh cũng thường cao ở những gia đình có kinh tế khá và ở nhóm phụ nữ có trình độ học vấn cao. Nếu chúng ta không có giải pháp ngay từ bây giờ thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng”.

Thị xã Hồng Lĩnh tuyên dương trẻ em gái của các gia đình sinh con một bề chăm ngoan học giỏi.
Thị xã Hồng Lĩnh tuyên dương trẻ em gái của các gia đình sinh con một bề chăm ngoan học giỏi.

Hàn Quốc mất cân bằng giới tính (CBGT) khi sinh vào những năm 1980 thì đến năm 2005 họ mới đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức 107 bé trai/100 bé gái. Như vậy, họ mất 25 năm để giảm tình trạng này và đến bây giờ cũng mới chỉ có Hàn Quốc là quốc gia duy nhất làm được vấn đề này. Trung Quốc là nước mất CBGT khi sinh trầm trọng, họ đã có những biện pháp vô cùng quyết liệt nhưng đến năm 2010, tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức rất cao (122,8/100).

Một trong những nguyên nhân sâu xa và gần như mang tính quyết định dẫn tới tình trạng mất CBGT khi sinh, đó là sự tồn tại dai dẳng của định kiến giới hay tư tưởng trọng nam, khinh nữ, của tệ nạn phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái ở một bộ phận nhân dân. Bên cạnh đó, công nghệ phát triển, sự hỗ trợ của y tế dẫn đến việc lựa chọn giới tính khi sinh ngày càng dễ dàng và phổ biến.

Hệ lụy khôn lường

Bàn về hậu quả của việc mất CBGT khi sinh, ông Nguyễn Huy Tú cũng cho hay: “Mất CBGT khi sinh sẽ tác động đến cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn đến hậu quả là thừa nam, thiếu nữ trong xã hội. Cùng với thực trạng trên là hiện tượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài đang diễn ra phổ biến ở một số địa phương dẫn tới tình trạng nam giới khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời”.

Các hệ lụy nghiêm trọng tiềm ẩn có nguy cơ khắc sâu thêm vấn đề bình đẳng giới và có thể biến đổi xã hội theo hướng xấu như: gia tăng áp lực buộc họ phải kết hôn sớm và nam giới khó khăn hơn trong việc tìm kiếm bạn đời; có thể gia tăng bất bình đẳng giới trong tiếp cận việc làm, nhu cầu mua bán tình dục, xâm hại tình dục tăng và các mạng lưới buôn bán phụ nữ có thể sẽ mở rộng hơn. Tỷ số giới tính khi sinh có ý nghĩa quyết định đến tỷ số giới tính chung của dân số và qua đó ảnh hưởng đến nhiều vấn đề kinh tế - văn hóa và an sinh xã hội. Nếu không có giải pháp can thiệp để mất CBGT trong dân số chung sẽ dẫn đến tình trạng số nam nhiều hơn so với số nữ ở độ tuổi trưởng thành, đặc biệt là ở độ tuổi kết hôn và sinh đẻ.

Cần những giải pháp đồng bộ

Từ năm 2009 đến nay, tỉnh ta triển khai đề án can thiệp giảm thiểu mất CBGT khi sinh. 147 xã thuộc 9 huyện: Vũ Quang, Đức Thọ, Hương Sơn, TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê được thụ hưởng đề án với nhiều hoạt động như: duy trì sinh hoạt tại 173 CLB “Phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng truyền thông, tư vấn về giới cho 500 người là cộng tác viên, chuyên trách dân số, tư pháp xã; tổ chức hàng nghìn buổi nói chuyện chuyên đề về giới tính khi sinh tại cộng đồng… Đặc biệt là tổ chức hội thảo “chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, xây dựng gia đình” của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh con một bề là gái và hội thảo chia sẻ kinh nghiệm học tập, rèn luyện của các cháu gái có thành tích học tập cao.

Tỷ số giới tính khi sinh liên quan đến vấn đề văn hóa, phong tục, tập quán của người dân từ hàng ngàn năm nay nên chúng ta phải ứng xử với việc mất CBGT khi sinh như là một vấn đề văn hóa. Chúng ta không thể nóng vội mà phải làm từng bước, huy động cả hệ thống chính trị và thực hiện đồng bộ các giải pháp. Để giảm được tỷ số giới tính khi sinh, phải có chính sách ưu tiên đối với phụ nữ và những gia đình sinh con một bề là gái. Cần rà soát sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, tuyệt đối cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính khi sinh. Trong tất cả các giải pháp, quan trọng nhất vẫn là truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi của người dân để họ tự nguyện tham gia vào việc giảm thiểu mất CBGT khi sinh.

Theo số liệu thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, tỷ số giới tính khi sinh của toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2014 là 113,7 bé trai/100 bé gái (tỷ số chuẩn là 103 bé trai/100 bé gái). Trong đó có nhiều huyện ở mức cao như: Vũ Quang (140/100), TP Hà Tĩnh (138/100), Lộc Hà (123,6/100), Hương Sơn (122,1/100), Nghi Xuân (118,1/100), Can Lộc (115/100).

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast