Miền bão giữa niềm thương

“Quê tôi nắng đỏ đồng, mưa thâm cả bùn non…” – một nhạc sỹ quê hương đã viết về Hà Tĩnh như thế. Phải, khúc ruột miền Trung là nơi của nắng gió và những cơn mưa giằng dai đặc trưng. Qua những ngày nắng nỏ, từng đợt mưa rươi lại đổ tràn muôn nẻo, báo hiệu một mùa bão mới đang về. Những vất vả cực nhọc lại đổ lên đôi vai nhọc nhằn của người nông dân chân lấm tay bùn…

Khi tôi ngồi gõ những dòng chữ này thì ngoài trời gió mưa đang vần vũ từng đợt, từng đợt không dứt. Những hạt mưa rơi xuống mái nhà nghe trĩu nặng hơn bất kỳ cơn mưa nào bởi nó ẩn chứa trong đó những hiểm họa khó lường. Trong những mùa bão nổi ấy, nông dân là người phải chịu nhiều thiệt thòi hơn ai hết.

Đoàn viên khối các cơ quan tỉnh giúp nhân dân xã Tân Lộc (Lộc Hà) gặt lúa bị ngập úng

Đoàn viên khối các cơ quan tỉnh giúp nhân dân xã Tân Lộc (Lộc Hà) gặt lúa bị ngập úng

Ca dao xưa đã có nhiều bài nói về nỗi khổ của người nông dân: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Dẫu rằng ngày nay, đời sống của người nông dân đã được cải thiện, nỗi nhọc nhằn vất vả cũng khác ngày xưa nhưng họ vẫn phải trải qua bao nhiêu cơ cực mưa nắng, mà chẳng phải lúc nào mùa màng cũng bội thu. Thế nên trong hoạn nạn họ bao giờ cũng nhận được tình yêu thương đùm bọc của đồng bào, của toàn xã hội. Ấy cũng là truyền thống “lá lành đùm lá rách”, yêu thương đồng bào của những tâm hồn Việt Nam. Chẳng những thế mà năm nay ngay khi nhận được tin bão xa, tỉnh đoàn Hà Tĩnh và một số đơn vị bộ đội đã thành lập các đội xung kích tình nguyện xuống địa bàn giúp dân thu hoạch mùa vụ, giằng néo nhà cửa và di chuyển tài sản tới nơi an toàn.

Bão lũ có thể phút chốc cuốn phăng sản nghiệp cả một đời người nông dân chắt chiu dành dụm. Những đàn lợn, đàn gà, trâu bò, những cánh đồng lúa trĩu bông chờ ngày thu hoạch, bao nhiêu đậu, lạc cất trữ phút nhoáy cái là có thể bị nước lũ cuốn phăng… Cái còn lại chỉ là cảnh đổ nát hoang tàn và những ánh nhìn vô hồn trên nền đất trống trơ của nếp nhà mới ngày nào đó còn ánh lên màu no ấm. Chính vì thế, những ngày này màu áo tình nguyện, màu áo bộ đội xanh cả cánh đồng ngập nước, xanh cả xóm thôn khiến bà con nông dân ai cũng rưng rưng cảm động. Đâu đâu cũng thấy người dân đồng thuận với sự chỉ đạo của chính quyền nhằm ứng phó tốt nhất với mọi diễn biến của mưa bão.

Cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 841 giúp nhân dân Cẩm Xuyên gặt lúa phòng chống bão

Cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 841 giúp nhân dân Cẩm Xuyên gặt lúa phòng chống bão

Ông Lê Hữu Công (Cẩm Lộc – Cẩm Xuyên) – một trong số những nông dân được bộ đội giúp đỡ gặt lúa giữa mưa gió cho biết: “Sự giúp đỡ của các chú bộ đội khiến chúng tôi rất vui. Nếu không có sự tình nguyện ấy thì không biết gia đình tôi có gặt kịp trước khi nước về ngập đồng không nữa”.

Chẳng phải nơi nào người nông dân cũng có đủ điều kiện để có thể xây dựng những công trình sống chung với bão để bảo vệ tài sản của mình vì thế hầu hết đều phó mặc cho thiên nhiên. Mặc dù ngày nay, các xã đều có phương án chủ động đối phó trước mỗi mùa mưa lũ nhưng thiệt hại vẫn là điều không thể tránh khỏi. Mỗi mùa thiên tai đi qua, có bao nhiêu ngôi làng ngập chìm trong mênh mông nước trời, bao nhiêu ngôi nhà và người bị nước lũ vô tình cuốn trôi…Và bao giờ cũng thế, sau mỗi cơn bão, lũ, hàng trăm, hàng ngàn tấm lòng nhân ái từ khắp mọi miền đất nước, từ doanh nghiệp đến cá nhân, từ người nổi tiếng đến những người nông dân ngoài vùng bão… lại tìm đến các vùng quê để làm công tác từ thiện.

Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Tĩnh trao quà cho bà con xã Lộc Yên bị thiệt hại do lũ năm 2008

Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Tĩnh trao quà cho bà con xã Lộc Yên bị thiệt hại do lũ năm 2008

Hình ảnh xóm làng tiêu điều, hoang sơ cùng những bàn tay nông dân chìa ra khi chúng tôi đi qua trong buổi chiều muộn cứ đeo đẳng mãi trong ý nghĩ của tôi. Hình ảnh những người cha, người mẹ quằn quại khóc con và hình ảnh những đứa trẻ chít khăn trắng trên đầu mà ngơ ngác không hiểu vì sao mọi người gọi tên cha mẹ mình và khóc nhiều như thế cũng ám ảnh rất nhiều tấm lòng nhân ái. Đó là những hình ảnh chúng tôi không bao giờ muốn gặp lại.

Nhưng, cũng chính trong bão lũ tôi đã chứng kiến rất nhiều hành động sáng ngời lòng nhân ái như sự chia sẻ cho nhau nắm cơm, viên thuốc, cốc nước sạch hiếm hoi của những người cùng cảnh ngộ, như ánh mắt đầy hoài bão của lớp lớp trẻ thơ trên con đường đến trường trong bộ quần áo mỏng manh và chiếc cặp rỗng không sách bút ngày bão tan, như tấm lòng nhân ái của những người khách phương xa vô tình ngang qua miền bão hay cảnh các anh bộ đội nhịn đói băng mình vượt lũ cứu trợ mỳ tôm khẩn cấp cho đồng bào… Hơn cả là nỗi mất mát khi một chiến sỹ hay một người dân anh dũng nào đó hy sinh tính mạng để cứu người bị nạn.

Có thể mưa gió vô tình nhưng chính trong sự vô tình của đất trời ấy người ta đã nhìn thấy những tấm lòng nhân ái, thấy được nghĩa đồng bào sâu nặng trong trái tim của mỗi con người…Và rôi tin rằng chính những hành động cao cả đó sẽ làm mờ đi những hình ảnh chưa đẹp về trao – nhận quà vẫn vô tình xảy ra đâu đó khi con người ta rơi vào cảnh cùng cực, quẫn bách…

Trong tiếng gào thét của mưa gió, giờ này phía biển các anh chiến sỹ biên phòng cũng đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi cần. Tôi nhớ lần trò chuyện với Thiếu tá Đặng Ngọc Minh – Hải đội trưởng Hải đội 2 gần đây, anh kể về những chuyến băng mình trong bão tố biển khơi để cứu thuyền của ngư dân.

Bao nhiêu mùa bão là bấy nhiêu chuyến ra khơi đầy nguy hiểm, là bấy nhiêu kỷ niệm nhớ đời. Có thể lúc trực tiếp ra ứng cứu ngoài khơi xa ấy. Nhưng, hiện rõ trên gương mặt anh lúc ấy không phải là những chiến công của đơn vị mà là nỗi khắc khoải sau mỗi lần bất lực trước sóng gió để những con thuyền ngư dân vĩnh viễn nằm lại ngoài khơi xa cùng nỗi nhọc nhằn mưu sinh. Miền biển, sau mùa bão là hình ảnh những gương mặt nhầu nhĩ vì sóng bể, vì nỗi đau thiệt hại tài sản, phương tiện kiếm kế sinh nhai là những thân tàu rã rời sau giông tố, là những cánh đồng muối tan hoang…Và đâu đó, phía bờ xa là xót xa bóng dáng những người mẹ, người vợ ôm con ngóng về phía biển, khắc khoải mong chờ dáng vóc người đàn ông trụ cột của gia đình trở về…

Biển cả mênh mông và thăm thẳm không cùng. Biển cho người ngư dân kế sinh nhai nhưng cũng lắm khi cướp đi sinh mạng của họ. Âu đó cũng là lẽ thường nhưng dẫu sao cũng thật đắng đót. Mỗi mùa bão nổi là mỗi lần ngư dân lại nhận được sự hỗ trợ tận tình của lực lượng bộ đội biên phòng biển, họ chính là lực lượng gắn bó nhất với ngư dân, chính họ đã sát cánh cùng ngư dân trong những thời khắc khó khăn nhất, gian khổ nhất của đời sống… Qua những cơn hoạn nạn như thế, mối tình quân dân lại càng thêm gắn bó sâu sắc!

Mưa gió đang về trong nỗi thấp thỏm của người nông dân, trong sự lo lắng của lãnh đạo các cấp và sự sẵn sàng ứng cứu của nhiều lực lượng. Cả nước cũng đang hướng về khúc ruột miền Trung thân yêu, hướng về những người nông dân cực nhọc bao đời…Và tôi nghe từ trong ấy dậy lên một niềm thương mến bao la.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast