Miền Trung nhớ Bác

(Baohatinh.vn) - Dọc dải đất miền Trung, từ Nghệ An, Huế, Bình Định cho đến Phan Thiết - Bình Thuận đều in đậm dấu chân Bác Hồ trên đường cứu nước. Hôm nay, trong nắng tháng Năm tươi hồng, mỗi người dân nước Việt đều cảm nhận được hình bóng Bác hiện về, lồng lồng cao sang mà gần gũi bình dị. Người như đang cùng thế hệ cháu con hôm nay chứng kiến bao đổi thay của đất nước.

mien trung nho bac

Trời Bình Khê xanh trong bát ngát

Điểm đến đầu tiên trong hành trình xuyên Việt của chúng tôi là di tích huyện đường Bình Khê (nay thuộc xã Tây Giang, huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định.

mien trung nho bac
mien trung nho bac

Di tích lịch sử huyện đường Bình Khê

Đây là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác được bổ nhiệm làm quan tri huyện vào ngày 1/7/1909. Khi nhận chức tri huyện Bình Khê, ông đứng về phía nhân dân, tìm cách bênh vực người nghèo, xử lý nghiêm khắc bọn cường hào ức hiếp dân lành. Sau hơn 6 tháng làm quan, ông bị cách chức đưa về Huế hậu xét.

Thời gian cụ Phó bảng làm quan ở Bình Khê cũng là thời gian Nguyễn Tất Thành rời Huế vào Nam. Anh đã đến thăm cha, ở lại Đồng Phó (Bình Khê) và TP Quy Nhơn một thời gian để học tiếng Pháp. Đây cũng là nơi cha con ông Nguyễn Sinh Sắc sống những ngày sum họp, đẹp đẽ cuối cùng; là nơi diễn ra cuộc chia tay đầy lưu luyến của Nguyễn Tất Thành với người cha kính yêu. Từ đây, trên chặng đường cứu nước vạn dặm, Nguyễn Tất Thành không bao giờ còn được gặp lại cha mình nữa.

Di tích lịch sử huyện đường Bình Khê được xếp hạng vào năm 2000. Năm 2014, tỉnh Bình Định khởi công Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc với diện tích 2,6 ha gồm các hạng mục nhà bia tưởng niệm, đền thờ…; tổng kinh phí trên 67 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và xã hội. Điều đặc biệt là khu di tích lại nằm trong huyện Tây Sơn, quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung. Đó cũng là lý do để lượng du khách đổ về Tây Sơn trong dịp này nhiều hơn.

Hướng tới kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, 19 báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã đóng góp 80 triệu đồng xây dựng bia di tích Bình Khê. Trong nắng hạ, trời Bình Khê như xanh hơn, cao hơn. Thắp nén hương trên bàn thờ cụ Phó bảng, bà Hoàng Thị Loan, bàn thờ Bác và các thành viên trong đại gia đình yêu nước, lòng chúng tôi trào dâng xúc động. Mỗi bước đi đều chạm vào kỷ niệm thời thanh niên của Bác. Lời bài hát “Miền Trung nhớ Bác” của Thuận Yến vang vọng trong tim: Trời Bình Khê xanh trong bát ngát/Lưu luyến một ngày Bác đến thăm cha/Chia sẻ ngọt lành trước lúc đi xa. Càng yêu gia đình, yêu Tổ quốc giang sơn bao nhiêu, người con Xứ Nghệ càng thêm vững tin và quyết chí dấn thân vào hành trình gian khổ để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân bấy nhiêu.

Biển Phan Thiết đêm đêm sóng hát

Rời Bình Khê, chúng tôi tiếp tục hành trình về Phan Thiết - Bình Thuận. Ngọn gió mát lành thổi từ biển và dày đặc những con thuyền về đậu trong Mũi Né cùng những cồn cát vàng đẹp như tranh đã khiến cho vùng đất này mang một sức sống riêng, vẻ đẹp riêng. Đặc biệt, đến Phan Thiết, không ai không tìm đến Trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ đã dừng chân dạy học một năm trước khi vào Sài Gòn kiếm sống và xuất dương.

mien trung nho bac

Trong khuôn viên Trường Dục Thanh

Nằm bên con sông Cà Ty có cầu Dục Thanh bắc qua, ngôi trường nhỏ khiêm nhường chất chứa bao kỷ niệm về người thầy giáo trẻ Nguyễn Tát Thành. Trường gồm một phòng học bằng gỗ lợp ngói âm dương với 21 bộ bàn ghế, 2 tấm bảng, bộ đại tràng kỷ cho giáo viên ngồi giảng bài. Trường có 4 lớp: Tư, Nhất, Nhì, Ba với số lượng học sinh khi đông nhất là 80 người. Các lớp luân phiên nhau học và chỉ học 4 môn là Quốc ngữ, Hán văn, Tiếng Pháp và Thể dục.

Trường được xây dựng năm 1907 do hai con trai của nhà yêu nước Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lộ và Nguyễn Quý Anh vận động nhân dân đóng góp xây dựng. Tháng 9/1910, được sự giới thiệu của cụ nghè Trương Gia Mô, bạn ông Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành đến đây dạy học. Thầy Thành dạy lớp Nhì với các môn: Quốc ngữ, Hán văn và Thể dục. Tuy trẻ tuổi song thầy Thành đã để lại trong ký ức học trò hình ảnh người thầy mẫu mực, nhiệt tình.

mien trung nho bac

Bên cây khế Bác Hồ trong khuôn viên Trường Dục Thanh

Với chất giọng miền Trung ấm áp, phong cách vui vẻ, những bài giảng của thầy luôn gắn với thực tế, ca ngợi các anh hùng dân tộc, dẫn dắt vào các bài thơ ca ngợi lòng yêu nước. Đêm đêm, thầy đọc sách đến khuya, sáng dậy sớm cùng học trò tập thể dục, tưới cây. Ngoài ra, thầy còn dẫn học sinh đi tham quan dã ngoại, tham gia các lễ hội dân gian của địa phương. Học trò rất quý mến thầy giáo trẻ. Một trong những học trò xuất sắc sau này là bác sĩ Nguyễn Kinh Chi - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế.

Để tích lũy vốn sống cho chặng đường lâu dài, Nguyễn Tất Thành cũng tranh thủ đọc sách, học hỏi thực tế, hòa mình với cuộc sống người dân lao động. Những lần đi thăm biển Phan Thiết, anh thường đến thăm ngư dân nghèo, học cách định vị ngoài biển khơi, dấu hiệu khi trời giông bão… Tháng 2/1919, sau khi có giấy tờ hợp lệ, Nguyễn Tất Thành chia tay thầy trò trường Dục Thanh vào Sài Gòn và sau đó, ngày 5/6/1911, xuống tàu đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Ngoài lớp học, di tích Trường Dục Thanh còn có Nhà Ngư - nơi để dụng cụ nhà ngư của ông Nguyễn Thông, sau đó thành nơi ở cho giáo viên và học sinh nội trú; Ngọa Du Sào - nơi hội họp của các thầy giáo, giếng nước và cây khế Bác Hồ. Nhìn toàn bộ khuôn viên khu di tích, có nét gì đó gần gũi và thân thiết như làng Sen quê Bác. Phải chăng vì đã từng có một tâm hồn, một nhân cách được lưu lại nơi này? Phải chăng vì trên dải đất miền Trung, rộng hơn là đất nước Việt Nam, với Bác đâu cũng đầy thương mến như quê hương?

Chúng tôi cùng ngồi vào dãy bàn học, mường tượng như mình đang được ngồi học trong lớp của thầy Thành để nghe lời thuyết minh của cô hướng dẫn viên.

mien trung nho bac

Tác giả cùng các du khách ngồi trong lớp học ở Trường Dục Thanh

Cụ Nguyễn Thái Yết, 79 tuổi ở thành phố Vĩnh Long cùng đoàn cán bộ đi B năm nào xúc động: “Nhìn ngắm những kỷ vật này mà thấy thương nhớ Bác quá. Cả cuộc đời Bác thật giản dị, từ lúc trai trẻ cho đến khi làm Chủ tịch nước. Điều gì Bác cũng biết trước, cả những sự việc cách đó hàng chục năm. Bác là vị thánh hiền mang lại hòa bình no ấm cho toàn dân”.

Không riêng gì cụ Yết và chúng tôi, cả miền Trung đang nhớ Bác, cả đất nước đang nhớ Bác, từ mục Nam quan đến mũi Cà Mau. Mỗi lần thăm lại các di tích gắn với cuộc đời Bác là để chúng ta tự soi lại tâm hồn mình, thanh lọc những ý nghĩ tầm thường để quyết tâm sống và làm việc tốt hơn, xứng đáng với những gì mà Bác và các thế hệ tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ đã mang lại cho chúng ta.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast