"Nắm cơm ấm lòng! "...

Sau nhiều ngày chống chọi với thủy tặc, người dân vùng lũ đang phải đối mặt với đói rét, thiếu ăn và uống! Hơn lúc nào hết, người dân vùng lũ đang cần lắm những "nắm cơm ấm lòng"...

Tập trung cứu trợ

Ở xã Đức Hương (Vũ Quang - Hà Tĩnh), tình hình cứu trợ đang được tiến hành khẩn trương nhờ sự trợ giúp của lực lượng quân đội, cảnh sát đường thủy. Thay vì đưa hàng vào xã, hôm qua UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng đưa hàng cứu trợ về thôn để xóm trưởng phát trực tiếp cho người dân.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thế Đàm trao hàng cứu trợ cho nhân dân xã Hòa Hải (Hương Khê)
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thế Đàm trao hàng cứu trợ cho nhân dân xã Hòa Hải (Hương Khê)

Sau bốn ngày ngâm lũ, tinh thần của người dân Vũ Quang gần như suy sụp. Thậm chí, nhiều người không muốn ngồi dậy nhận mì tôm khi cán bộ thôn đưa mì cứu trợ vào tận nhà. Tại thôn Liên Hòa, hơn 200 người dân đến tránh lũ ở cung đường sắt thanh niên Duyệt Hòa ngồi nép mình trong căn phòng chật ở tầng 2. Mấy ngày qua lương thực cứu trợ chưa đến được, họ được Cục đường sắt cho vay 5 yến gạo an tạm.

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Vũ Quang Lã Đức Bông cho biết: “Sau nhiều ngày ngâm nước, dịch bệnh tuy chưa xuất hiện, nhưng sức khỏe người dân đang bị đe dọa. Trong cộng đồng nhiều người đã bị mắc bệnh nước ăn chân và các chứng viêm nhiễm ngoài da”.

Đến chiều tối qua, nước lũ lại có dấu hiệu hạ xuống nhưng không đáng kể. Tình trạng úng ngập đang xảy ra ở hơn 80% địa bàn dân cư. Phó Bí thư Huyện ủy Vũ Quang Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: “Đến thời điểm này đã cứu trợ cho dân hơn 7000 thùng mì tôm, nước uống. Hiện, huyện vẫn đang trực chiến, sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu nhân dân bởi nước lụt vẫn chưa rút hết. Riêng trong đêm nay chúng tôi có thể tiến hành di dời dân để tránh báo số 6.”

Nhân dân vùng lũ đang cần lắm những "nắm cơm ấm lòng"
Nhân dân vùng lũ đang cần lắm những "nắm cơm ấm lòng"

Tương tự, 22/22 xã, thị trấn của huyện miền núi Hương Khê đến tối qua vẫn còn bị ngập chìm trong nước. Chỉ trong vòng hai tuần lễ, Hương Khê phải hứng chịu lũ kép. Trận lũ sau cao hơn mức lũ lịch sử năm 2007 và năm 1960 khoảng 0,5 mét.

Thiếu tướng, Phó Tư lệnh QK 4 Nguyễn Văn Học cho biết: “Trước tình hình lũ lụt xẩy ra, Quân khu 4 đã quyết định đặt Sở chỉ huy tiền phương chỉ đạo công tác khắc phục lụt bão cho tỉnh Hà Tĩnh ở huyện Vũ Quang. Trong bốn ngày qua đã huy động gần 5.000 cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang (kể cả tại chỗ) cùng gần 100 phương tiện cứu hộ (riêng huyện Hương Khê huy động 1.465 người, 14 xuồng cứu hộ) để tập trung cứu trợ cho miền Tây Hà Tĩnh. Ngày 19/10, lực lượng cứu hộ QK 4 tiếp tục đưa thêm một số xuồng VS 1.500 đến Hương Khê để phục vụ công tác cứu trợ. Các lực lượng cứu trợ đã tiếp nhận và đưa xuống các vùng lũ lụt huyện Hương Khê gần 20 tấn mì tôm, cùng nước uống.

"Nắm cơm ấm lòng"

Với phương châm “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, đồng bào ở những nơi cao ráo thuận lợi đã cưu mang những gia đình ngập lụt. Đến Hòa Hải, chúng tôi cảm động nhìn những bữa cơm muối vừng tập thể đầy vui vẻ của “đại gia đình” hàng trăm người sơ tán với gia đình các chị Phan Thị Thi, Nguyễn Thìn ở xóm 9. Những ngôi nhà gỗ đơn sơ, rộng hơn 100 m2 nhưng chứa hơn 100 người sơ tán và đồ đạc, chủ nhà còn san sẻ đồ ăn, chổ ở thuận lợi cho những người ốm đau, già cả. Chị Trần Thị Văn ở xóm 8, với đứa con ba ngày tuổi sơ tán lên nhà bác Hùng (xóm 9), được gia đình nhường hẳn chiếc giường ở trong buồng cho hai mẹ con...

Tuy nhiên, khi đến một số địa phương bị ngập sâu của huyện Hương Khê vẫn thấy lượng mì tôm cứu trợ cho người dân là quá ít so với yêu cầu cứu đói, nhất là các vùng bị ngập lụt lâu ngày như Phương Mỹ, Hà Linh, Hòa Hải, Phương Điền, Phúc Đồng, Gia Phố, Hương Giang, Hương Đô, Lộc Yên... Nếu chỉ tính mỗi nhà ngập lụt cấp một thùng mì tôm, thì 20 nghìn hộ bị ngập lụt trong toàn huyện cần đến 60 tấn mì tôm. Nhưng trong bốn ngày qua mới đưa xuống được 20 tấn. Không chỉ cái ăn, nguy cơ thiếu cái mặc cũng đang xẩy ra ở nhiều vùng ngập sâu. Quần áo, chăn màn hoặc bị ướt hoặc bị lũ cuốn trôi.

Phương Mỹ và Hà Linh là hai xã được mệnh danh là “rốn lũ” của Hương Khê đã mấy ngày nay những vẫn bị cô lập hoàn toàn. Nước lũ lên gần sát cầu đường sắt, cầu đường bộ nên việc cứu trợ còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hồng Quân - Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ cho biết: “Hiện muốn đưa hàng hóa vào các xã này đều vận chuyển bằng đường thủy và phải “tăng bo” qua nhiều đoạn và nhiều phương tiện. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ thiếu đói và thiếu quần áo mặc sẽ tiếp tục diễn ra.”

Tự cứu mình, trước khi trời cứu, lúc này Hương Khê cần sớm phát động phong trào “Nắm cơm ấm lòng” trong đại bộ phận nhân dân. Theo ông Trần Lê Sáng, huyện sẽ phát động phong trào huy động các đoàn thể, mặt trận ở các vùng không ngập lụt, ngập lụt ít nấu cơm nắm cùng muối vừng, góp quần áo gửi xuống những vùng bi ngập sâu và cô lập dài ngày. Và hơn lúc nào hết, phong trào “Nắm cơm ấm lòng” cần được phát động trong phạm vi cả nước để ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast