Nan giải nợ BHXH trong đơn vị hành chính - sự nghiệp

(Baohatinh.vn) - Không chỉ khối doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) do làm ăn thua lỗ, gặp khó khăn... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động mà hàng chục đơn vị thuộc khối hành chính - sự nghiệp, hưởng lương ngân sách trên địa bàn Hà Tĩnh cũng “chây ỳ” nợ BHXH trên chục tỷ đồng.

Theo BHXH tỉnh, tính đến đầu tháng 11/2015, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN toàn tỉnh là 75 tỷ đồng (chiếm 4,5% số thu năm 2015), trong đó, khối hành chính - sự nghiệp nợ lên tới 14 tỷ đồng! Theo Luật BHXH, BHYT, người lao động, cụ thể là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương nhà nước, thì hằng tháng, đơn vị đều có trách nhiệm trích nộp BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, chủ sử dụng lao động trong khối hành chính - sự nghiệp đã không tuân thủ các quy định pháp luật về đóng nộp BHXH, BHYT hằng tháng.

Nan giải nợ BHXH trong đơn vị hành chính - sự nghiệp ảnh 1

Ảnh minh họa từ internet

Trong danh sách dài dằng dặc các đơn vị khối hành chính - sự nghiệp nợ tiền cơ quan BHXH, số đơn vị nợ từ 3-4 tháng chiếm số lượng lớn, cá biệt, có đơn vị nợ đến 9 tháng như Trường Trung cấp nghề Việt - Nhật.

Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, tổ chức hội, đoàn thể, UBND các xã và trường học... đều có trong danh sách này. Nhiều đơn vị nợ với số tiền trên 100 triệu đồng nên cũng phải chịu phạt lãi theo luật định như: BQL Các dự án xây dựng cơ bản ngành NN&PTNT, tổng nợ cả lãi trên 120 triệu đồng; Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Hà Tĩnh trên 156 triệu đồng; Trường Mầm non Cương Gián (Nghi Xuân) trên 131 triệu đồng; Trường Mầm non xã Thạch Bằng (Lộc Hà) trên 100 triệu đồng; UBND xã Hồng Lộc (Lộc Hà) trên 155 triệu đồng; UBND xã Kỳ Bắc trên 128 triệu đồng; UBND xã Kỳ Thọ trên 174 triệu đồng; UBND xã Kỳ Tân (Kỳ Anh) trên 175 triệu đồng; UBND xã Đức Dũng (Đức Thọ) trên 103 triệu đồng...

Trả lời câu hỏi vì sao hưởng lương ngân sách lại nợ BHXH, BHYT, lãnh đạo một số đơn vị như: BQL Các dự án xây dựng cơ bản ngành NN&PTNT, UBND xã Kỳ Thọ, Kỳ Tân... đều nêu lên một thực tế hết sức cám cảnh: Từ nhiều tháng nay không có lương, phải vay tiền trả cho người lao động. Nguyên nhân là đầu năm đã duyệt dự toán thu - chi nhưng trong năm không có nguồn thu vì các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn làm ăn thua lỗ, hoặc không có dự án... Chưa có thống kê chính xác có bao nhiêu đơn vị hành chính - sự nghiệp hiện đang lâm vào hoàn cảnh này.

Nan giải nợ BHXH trong đơn vị hành chính - sự nghiệp ảnh 2

Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức tuyên truyền, tập huấn thu BHXH, BHYT cho các đại lý trên địa bàn.

Đáng trách hơn, cũng câu hỏi trên, một số đơn vị khác lại cho rằng, họ chưa thực hiện nghĩa vụ đóng nộp BHXH, BHYT... là do người phụ trách (kế toán) chậm trễ hoặc chưa nộp rồi sẽ nộp; số khác chọn giải pháp... không trả lời!

Việc các cơ quan liên quan cần tổ chức thanh tra, kiểm tra theo chức năng để có giải pháp xử lý là điều cần thiết trong lúc này. Một loạt câu hỏi cần được làm sáng tỏ, như: chủ sử dụng lao động đã dùng số tiền này vào mục đích gì, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng ra sao và số tiền trả lãi phạt do chậm nộp lấy từ nguồn nào? không lẽ lại trừ lương cán bộ, công nhân, viên chức...?

Theo chúng tôi, các ngành, địa phương cần đưa việc thực hiện nghĩa vụ BHXH, BHYT, BHTN vào tiêu chí thi đua hằng năm đối với các đơn vị, chủ sử dụng lao động. Chỉ có sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp mới mong chấm dứt được tình trạng này.

Chủ đề Bảo hiểm xã hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast