Nẻo về xa ngái...!

Có thể nói rằng, tác hại ghê gớm của ma túy thì từ con nghiện “thâm căn cố đế” đến những kẻ mới “chập chững vào đời” đều biết. Và thực tế, nhiều người nghiện đã nỗ lực để cai nghiện. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, “cuộc chiến” tái hòa nhập cộng đồng của người nghiện còn nhiều gian truân...

Người nghiện tái hòa nhập cộng đồng:

Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 776 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát trên địa bàn 148 xã, phường, thị trấn (trong thực tế chắc chắn lớn hơn nhiều). Thực hiện đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy”, toàn tỉnh đã triển khai quyết liệt với nhiều hình thức, giải pháp nhằm kiểm soát tốt địa bàn ma túy. Các địa phương trong toàn tỉnh đã phối hợp triệu tập, răn đe, giáo dục trên 1.000 lượt đối tượng nghiện ma túy, đưa 276 đối tượng ra kiểm điểm trước dân, lập hồ sơ đưa 81 đối tượng nghiện vi phạm hình sự vào cơ sở giáo dục, 198 người nghiện vào diện tổ chức cai nghiện tại cộng đồng. Tuy nhiên, đối tượng nghiện ma túy ngày càng tăng. Trong 1 năm qua tăng 119 người; tăng 17 xã, phường, thị trấn có người nghiện.

Một trong những nguyên nhân là “nghiện cũ” không giảm vì công tác cai nghiện trên địa bàn những năm qua chưa phát huy hiệu quả. Mặc dù có 254 người được tổ chức cai nghiện tại gia đình nhưng kết quả sau cai vẫn là con số không tròn trĩnh. Chưa có con số thống kê, chưa có gia đình, người nghiện nào được khẳng định là đã “đoạn tuyệt” với ma túy. Điển hình cho “tự cai”, Nguyễn H. - người có “thâm niên” nghiện đã 15 năm ở TP Hà Tĩnh cho rằng: “Cai thì dễ, không tái nghiện mới khó. Đã không dưới chục lần tôi “tra chân vào cùm”, vật lộn để cắt cơn. Nhưng hễ bước chân ra khỏi nhà là lại lao vào ma túy”. Theo H. thì nguyên nhân là do: “Bạn nghiện đầy ra, hàng cũng dễ kiếm. Mà đã là con nghiện với nhau thì dễ “bén duyên”, gặp là vồ vập, chia sẻ như anh em. Đó cũng là “chia khi có, để thó khi cần”.

Tất nhiên, đó chỉ là “văn của nghiện”. Điều quan trọng nhất là H. đã không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ ma túy, chưa chuẩn bị đủ tinh thần để tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện. Những người như H. chỉ “cai suông”, “găm” mình trong nhà, nhịn thèm ma túy chờ cắt cơn. Trong suốt thời gian cai nghiện, H. không được tư vấn về kiến thức, kỹ năng và động viên tinh thần của các tổ chức, đoàn thể địa phương. Bên cạnh đó, gia đình H. cũng không được trang bị những kiến thức cần thiết về phương pháp quản lý, giúp đỡ đối tượng nghiện trước, trong và sau khi cai. Vì thế, người tự cai nghiện sau khi cai đâu lại vào đấy. Đó là chưa nói đến, bản thân người nghiện phần lớn không có nghề nghiệp ổn định, trong khi môi trường sống rất nhiều cám dỗ. Sau cai nghiện lại tiếp tục lỡ bước, sa chân.

Bệnh nhân nghiện ma túy được chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội. Ảnh: Thăng Long
Bệnh nhân nghiện ma túy được chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội. Ảnh: Thăng Long

Mô hình cai nghiện có thể cơ bản giải quyết những hạn chế so với cai nghiện tại gia đình đó là cai nghiện tập trung. Trên địa bàn Hà Tĩnh, sau gần 5 năm “thai nghén”, Trung tâm Chữa bệnh - giáo dục lao động xã hội mới đi vào hoạt động. Hiện tại, Trung tâm đang tiếp nhận và điều trị cai nghiện cho 25 người. Tại đây, các bệnh nhân nghiện ma túy sẽ được điều trị cắt cơn, chữa bệnh, giáo dục kiến thức, học nghề, trang bị kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, một số mô hình CLB tổ chức cai nghiện tại cộng đồng ở một số địa phương và mới đây là trung tâm cai nghiện bằng thuốc thay thế ở TP Hà Tĩnh cho thấy những mặt tích cực trong công tác cai nghiện.

Để công tác cai nghiện đạt hiệu quả bền vững, ngoài nỗ lực của người nghiện thì cần lắm sự vào cuộc của cộng đồng, xã hội. Mặc dù trong cai nghiện, người nghiện được xem là bệnh nhân nhưng ngoài xã hội, họ chỉ đơn thuần là “con nghiện”. Bên cạnh đó, người nghiện ma túy rất khó tìm việc làm dù pháp luật quy định không được phép phân biệt nhưng người sử dụng lao động thường không “mặn mà” với những bộ hồ sơ xin việc này.

Trên con đường tái hòa nhập cộng đồng, người nghiện có thể chịu đựng và vượt qua những đau đớn về thể xác khi “vã thuốc”, nhưng rào cản lớn nhất với họ chính là định kiến. Vì thế, con đường tái hòa nhập còn lắm đoạn trường khi người nghiện sau cai trở nên cô đơn đến mức cô độc. Với những người nghiện như H., điệp khúc “tái nghiện” cứ lặp đi lặp lại và công tác kiểm soát ma túy sẽ còn lắm gian truân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast