Ngày 20/1, đưa vào khai thác tuyến xe buýt Hà Tĩnh – Hương Khê

(Baohatinh.vn) - Ngày mai (20/1), tuyến xe buýt Hà Tĩnh – Hương Khê chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu bước tiến mới của Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh và hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh. Cũng từ ngày này, tần suất xe buýt ở các tuyến đều tăng cao, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ.

12 xe mới nhập khẩu được bổ sung vào đội xe buýt sẵn sàng phục vụ nhân dân trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ

12 xe mới nhập khẩu được bổ sung vào đội xe buýt sẵn sàng phục vụ nhân dân trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ

Sau khi đưa vào khai thác tuyến, 12 xe buýt mới được nhập khẩu từ nước ngoài (giá mỗi chiếc xe lên đến 1,3 tỷ đồng) sẽ hoạt động từ 5 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút trong ngày với 76 điểm dừng, đỗ. Kể từ đây, người dân huyện miền núi Hương Khê và dọc hành trình này sẽ trút được gánh nặng khi phải nhồi nhét trên những chuyến xe "bão táp”, “xe dù” khi có chuyện về thành phố Hà Tĩnh và ngược lại.

Cũng bắt đầu từ ngày 20/1 đến hết ngày 16/2, tuyến thành phố Hà Tĩnh - Vũng Áng và ngược lại tần suất 165 lượt/ngày sẽ tăng lên 200 lượt/ngày. Tương tự, tần suất 36 lượt/ngày tuyến xe buýt TP Hà Tĩnh - Lộc Hà tăng lên 50 lượt/ngày. 50% lượt xe chạy từ thành phố Hà Tĩnh - TP Vinh (Cty CP Đông Bắc Nghệ An chiếm 50%) tần suất xe buýt được nâng từ 60 lên 80 lượt/ngày.

Hoạt động với công suất tối đa trước, trong và sau tết, đối với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải gặp rất nhiều khó khăn và Cty CP vận tải ô tô Hà Tĩnh không nằm ngoài “quỹ đạo” đó. Bởi lưu lượng người tham gia giao thông trên đường tăng đột biến. Ý thức người điều khiển phương tiện, chưa tốt; một số khác điều khiển xe trong tình trạng ngấm hơi men nên rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Trong khi đó, hầu hết các tuyến có xe buýt lưu thông đang trong tình trạng nâng cấp sửa chữa nên ngoài khó khăn trong dừng, đỗ, chậm thời gian thì tai nạn xảy ra hay không lại nằm ngoài ý muốn. Bên cạnh những khó khăn chung, hoạt động của Cty CP vận tải ô tô Hà Tĩnh còn gặp những khó khăn mang tính đặc thù. Trong số 6 điểm xuất phát (đầu và cuối) mới chỉ có điểm cuối tại Cảng Vũng Áng là đã được cấp đất, 5 điểm còn lại công ty phải tự bỏ tiền thuê. Chi phí thuê 5 bến đến 30 triệu đồng.

Tình trạng một số chủ xe tự thay đổi màu sơn, "đội lốt" xe buýt diễn ra khá phổ biến, nhưng việc xử lý, ngăn chặn tình trạng này đang là một "dấu chấm hỏi". Một “chiêu” mới xuất hiện trong những ngày gần đây là xe ngoài tỉnh gắn biển chạy tuyến Vinh - Huế, nhưng gặp khách dọc đường lập tức “bốc” lên. Khi đến Kỳ Anh lại gỡ biển và chạy theo chiều ngược lại khiến hành khách… "chẳng biết đường nào mà lần”.

Tình trạng "buýt giả cầy" đang diễn ra phổ biến, gây khó khăn cho công tác quản lý và khiến nhiều hành khách "chẳng biết đường nào mà lần"! (Ảnh chụp sáng 19/1, ngay điểm dừng trước Công ty CP ô tô Hà Tĩnh)

Tình trạng "buýt giả cầy" đang diễn ra phổ biến, gây khó khăn cho công tác quản lý và khiến nhiều hành khách "chẳng biết đường nào mà lần"! (Ảnh chụp sáng 19/1, ngay điểm dừng trước Công ty CP ô tô Hà Tĩnh)

Theo Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh Trần Văn Sỹ, những dịp lễ tết thường là thời điểm để một số nhà xe “chặt”, “chém” hành khách. Nhưng khi được gắn “mác” công ích thì quan điểm xuyên suốt ngoài xuất, cập bến đúng giờ, đảm bảo an toàn, thái độ phục vụ hành khách vui vẻ, lịch sự nhưng giá vé vẫn… giữ nguyên, không thay đổi”. Để làm được điều này, không phải bây giờ mà trước đó, lãnh đạo đơn vị đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn bạc đồng thời đề ra nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn yêu cầu đặt ra.

Theo đó, các xe chỉ được phép xuất bến khi đảm bảo an toàn kỹ thuật, tránh tình trạng hỏng hóc dọc đường ảnh hưởng đến lộ trình xuất bến và cập bến. Đồng thời lãnh đạo công ty cũng yêu cầu lái xe và nhân viên tuyệt đối không sử dụng rượu, bia khi làm nhiệm vụ; xuất bến, cập bến phải đúng giờ không làm ảnh hưởng đến kế hoạch và sinh hoạt của hành khách.

Trong những ngày Tết (ngoại trừ ngày mồng 1), 100% CBCNV với 65 đầu xe phải có mặt làm nhiệm vụ đã được phân công trước. Hệ thống đường dây nóng được tăng cường trực 24/24 để tiếp nhận, phản hồi và xử lý khi có sự cố xảy ra. 11 thanh tra thường xuyên có mặt trên xe, ngoài việc xem xét giám sát hành trình hoạt động của các xe còn kiêm luôn nhiệm vụ theo dõi các hành vi hoạt động của các đối tượng lợi dụng lúc đông người để móc túi trộm cắp,…

“Bên cạnh việc thường xuyên nhắc nhở và xử phạt đối với nhân viên vi phạm, công ty cũng mong muốn hành khách tham gia xe buýt nên có thái độ văn minh, thân thiện. Nếu có sự cố nên thông tin một cách khách quan, trung thực theo đường dây nóng để công ty chấn chỉnh, khắc phục và xử lý kịp thời nhân viên của mình”- Giám đốc Sỹ khuyến cáo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast