Nghề săn chim... lồng!

Thời gian gần đây, phong trào nuôi chim cảnh được xem như một thú vui tao nhã, một loại hình sinh hoạt văn hoá thời thượng. Và, “đẳng cấp” cũng như độ “yêu, chơi” của giới chơi chim cảnh được đánh giá bằng giá trị “lưu chuyển” của mỗi con chim mà họ sở hữu. “Chơi cũng lắm công phu”, để có được con chim ưng ý, nhiều người sẵn sàng bỏ ra 5 – 3 triệu, thậm chí là hàng chục triệu đồng để có được một con chim ưng ý, đủ “trình”. “Có cầu ắt có cung”, từ đó hình thành nên một đội quân chuyên “săn chim”. Nhưng oái oăm thay, đó không phải là săn chim “bổi” – chim tự nhiên mà là săn chim “lồng”.

Chim bay không cần vỗ cánh

Trên đường đi làm về, thằng bạn thân mếu máo trong điện thoại, giọng như đưa đám: Mấy con chim “tiêu” rồi. Nẫu ruột! Nhớ lần trước đến nhà, Sơn khoe: vừa “tậu” được 2 con họa my, 1 con chúc mào và 1 con khiếu hết hơn 10 triệu đồng. Nhìn cảnh Sơn âu yếm, chăm chút mấy con chim, tôi biết nó yêu chim cảnh lắm. Mà kể ra giữa ồn áo náo nhiệt và chật chội của phố phường, nghe tiếng chim hót líu lo cũng thấy vui vui, thảnh thơi.

Chim lồng đang là miếng mồi ngon cho các tay "thợ săn"
Chim lồng đang là miếng mồi ngon cho các tay "thợ săn"

Biết Sơn là một thằng rất thích chơi chim cảnh, chăm chút cho chim hơn cả cho chính mình, tôi ghé vào để “chia buồn” và cũng là để xem lý do gì mà bầy chim yêu quý có thể bỏ nó ra đi được. Vào sân, Sơn đang thẫn thờ bên 4 chiếc lồng toang hoác, trống trơn. Thì ra, mấy con chim cảnh của Sơn bị trộm bắt mất. Sơn giải bày: Chiều nay cả nhà đi vắng, nghe trong xã Thạch Bình có “em” chích chòe than thích lắm, tao vào xem một lúc. Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, về nhà thì 4 con chim quý nhất đã không cất cánh mà… bay. Ra đi khóa cửa cẩn thận thế mà chúng nó vẫn “thuổng” được, ức thật!

Nhà Sơn xung quanh bịt kín, cửa lùa, mấy con chim treo tận bên trong, tôi không hiểu bằng cách nào bọn trộm có thể bắt chim được. Đang thắc mắc thì V. vốn là một “nhà chim cảnh học” – bạn của Sơn đến. Thấy chúng tôi cứ tần ngần, V. giải thích ngay: Ui giời, nhằm nhò gì, có người ở nhà mà chúng nó còn bắt được nữa là. Tuần trước, nhà thằng Hiếu đang ngủ trưa, đóng cửa mà cũng bị “thó” mất con họa my vừa mua 5 triệu đồng.

“Bằng cách nào?” – tôi hỏi. Chỉ vào chiếc ô vuông trên cánh cổng thường để thò tay từ ngoài vào mở chốt cửa, V. giải thích: Bọn trộm chim có một chiếc cần giống như cần câu cá, khi cần thì kéo dài ra. Chỉ cần 1 lỗ nhỏ đủ đút vào, “cẩu” lồng chim ra, úp sẵn một chiếc vợt và mở cửa lồng, chim lao ra và…bỏ túi. Đơn giản vậy thôi.

Chiến thuật săn chim lồng

Thấy V. có vẽ “biết việc”, tôi lân la tìm hiểu. Nghĩ rằng tôi cũng là một “tay chơi” mới, V. chào hàng: Ông có loại gì rồi, cần thêm “ẻm” nào, giá bao nhiêu?. Người chơi “sành điệu” thì lùng chim, có duyên mới kiếm được một con ưng ý còn cài kiểu “học đòi” như các ông, “đặt hàng” cho nó nhanh.

Đặt hàng? Tôi tròn mắt. V. nói ngay: Có gì đâu, trộm chim cũng có “đẳng cấp, hiệp hội” hẵn hoi. Chứ cái bọn lớ ngớ, không “chuyên nghiệp”, thấy ngon ăn là nhào vô bắt trộm dễ bể mánh, no đòn. Đại khái là ông cần một con chim cảnh loài gì, giá khoảng bao nhiêu, cứ báo trước. Sẽ có người đi “săn”, lúc nào có “hàng” thì họ mang đến.

“Thậm chí, ông “bồ kết” một con chim cảnh của nhà ai đó, cứ đặt hàng cụ thể. Thợ săn sẽ cố bắt bằng được. Chỉ có điều là giá cao thôi. Cũng không mất nhiều thời gian lắm đâu, nhưng để chắc ăn thì cứ đặt cọc trước bởi cũng có nhiều người đặt hàng lắm”. – V. khẳng định.

Trong giới “săn” chim lồng, ở Kỳ Anh có A. được đồn đoán như một “đại cao thủ”. Dưới trướng gã có hàng chục “đệ tử”. Ở Hà Tĩnh này, chim của ai, giá trị như thế nào gần như A. biết hết. Nhưng A. và đám đệ tử chỉ để mắt đến những con đắt tiền, chứ cái loại tiền trăm thì không đáng bỏ công, bỏ sức. Trừ trường hợp có khách “đặt hàng”.

A. được biết đến không chỉ ở nghệ thuật “câu”, “chiến thuật” bắt, mà ngay cả con mắt “định giá” và kỹ thuật chăm sóc, “vần” chim cảnh của gã này cũng cao lắm. Trong vườn gã rất nhiều chim, thứ để bán, thứ để chơi. Con nào con nấy cũng “ngon”, thậm chí có người gặp lại chim mình cũng không dám nhận vì qua tay gã mấy hôm, chim đẹp lên hẳn.

Để minh họa cho nghệ thuật “câu”, chiến thuật “bắt” chim cảnh, V. kể cho tôi nghe một chuyến “săn” chim “như trong phim” của A. Một lần, có khách “đặt hàng” con họa my cực hay của ông T. ở Cẩm Xuyên. Khổ nỗi, gia đình ông T. có 2 con chó lai cực khôn, to lớn và rất dữ. “Tăm tia” mãi mà không dám đột nhập, đánh bả chó thì A. không muốn vì “ác quá”. Mãi rồi A. cũng nghĩ ra một cách.

Đêm, A. cho đệ tử mang đến, quẳng vào vườn nhà ông T. một miếng thịt lợn và…“vô tình” đánh động gia chủ. Ông T. dậy kiểm tra, thấy miếng thịt, nghĩ là có kẻ muốn đánh bả chó nên vội vàng nhốt chó vào chuồng. Một lúc sau, A. cho 2 đệ tử đến, giả vờ cắt hàng rào phía sau. Chó dồn lên sủa, ông T. cầm đèn ra sau nhà kiểm tra và đằng trước, A. ung dung dùng cần “câu” chiếc lồng chim đã chọn. Quá cao tay.

Vĩ thanh

Khi chơi chim cảnh đã thành một phong trào, giá trị các cá thể chim được định đoạt bằng niềm vui, “đẳng cấp” của người chơi nên có con được định giá hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, dù có giá tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng thì chim cảnh vẫn không, hay nói đúng hơn là chưa được coi là một thứ tài sản nên khi bị mất rất ít người trình báo với cơ quan chức năng. Và tình trạng “săn” chim “lồng” vẫn chưa được đánh giá đúng tầm, đúng tính chất nghiêm trọng của nó. Vì thế, vấn nạn “săn” chim “lồng” ngày càng quyết liệt và mang tính “chuyên nghiệp” hơn. Điển hình như mới đây ở Hương Khê, hung thủ mang theo hung khí đột nhập vào một gia đình để trộm chim, khi bị phát hiện đã ra tay hạ sát gia chủ.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần coi hành vi “săn” chim lồng là một loại tội phạm mới để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn. Người chơi chim cũng cần có cách bảo vệ mình, đừng vì cái “đẳng cấp” hão huyền để đẩy các cá thể chim lên cái giá trị vô thực, tạo điều kiện phát sinh tội phạm. Xin hãy trả lại cho những người chơi chim cảnh thú chơi tao nhã đích thực của nó!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast