Nghề thu mua đồng nát và những mơ ước bình dị

Chẳng có quy định nào nhưng dường như công việc thu mua đồng nát vốn rất cực nhọc chỉ thu hút lao động nữ. Những chị mà chúng tôi tiếp xúc, mỗi người một quê quán, một hoàn cảnh nhưng họ đều là những người phụ nữ đảm đang và rất đáng trân trọng…

Miệt mài rong ruổi

Những chiếc xe đạp cà tàng mà các chị đồng nát sử dụng làm phương tiện rong ruổi trên khắp các ngõ ngách đã phần nào phản ánh hoàn cảnh và nỗi cơ cực mà các chị phải gánh chịu. Mỗi ngày chị Yến và mấy chị em hàng xóm (Hương Sơn) bắt đầu công việc thu mua đồng nát từ 5h sáng. Với những vật dụng như dao nhỏ, dây buộc, búa, bì bọp và một cặp lồng cơm, họ bắt đầu chuyến rong ruổi khắp các làng trên xã dưới.

Chị Yến cho biết: Ở quê người ta hay tận dụng đồ cũ nên phải đi nhiều mới thu mua được nhiều. Mỗi ngày may mắn lắm thì chúng tôi kiếm được 100.000 đồng còn không thì chỉ được mấy chục nghìn”. Buổi trưa, khi nhà nhà đã yên giấc, các chị cùng nhau tìm chỗ trú chân, giở cơm ra ăn, gặp hôm trời nắng thì nóng bức, trời mưa thì hết khổ. Tìm hiểu hoàn cảnh thì mới biết, thu mua đồng nát là nghề phụ sau khi việc đồng áng đã xong và những đồng tiền kiếm được đều dồn để lo cho con cái học hành.

Rong ruổi trên những tuyến đường

Rong ruổi trên những tuyến đường

Những người phụ nữ ở quê thường sống cuộc sống cam chịu, chính vì thế, dẫu không may mắn khi người chồng không cáng đáng được cuộc sống gia đình thì các chị lại phải đứng ra lo toan. Chị Thương ở Lộc Hà cho biết: “Vì chồng tôi suốt ngày cờ bạc, rượu chè nên hoàn cảnh gia đình khó khăn lắm. Một mình tôi phải bươn chải nuôi 2 con ăn học. Ngoài công việc đồng áng, tôi chẳng biết làm nghề gì nên đành phải đi thu mua đồng nát, tuy vất vả nhưng mỗi ngày cũng kiếm thêm được dăm, bảy chục nghìn thêm vào lo cho con cái học hành”.

Trong những cuộc tiếp xúc với các chị, chúng tôi hiểu rằng, công việc thu mua đồng nát không chỉ nhọc nhằn mà còn nhục nhằn. Gặp người nhân ái thì có khi họ còn cho thêm quần áo, đồ dùng cũ và hoa quả, bánh kẹo nhưng cũng lắm lúc các chị không tránh khỏi cảm giác tủi thân khi gặp những thái độ dè bỉu, khinh thường. Không tủi thân sao được khi trời nắng, khát khô cổ xin cốc nước họ cũng không muốn cho vì nghĩ người như các chị sẽ làm bẩn cốc nhà họ…

Cũng công việc ấy nhưng dường như ở thành phố có chút thuận lợi hơn. Chị Mai ở Thạch Đồng cho biết: “Mua nhiều thành quen, tôi và mấy chị bạn trong làng đã có “mối” ở một số cơ quan, khi nào đến kỳ thanh lý giấy tờ thì họ gọi đến thu mua. Gặp những ngày như thế thì công việc trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nói thế chứ cũng có những ngày đi rã cả chân mà chỉ thu mua được có mấy chục cân giấy”.

Thu mua tất cả những thứ vứt đi

Thu mua tất cả những thứ vứt đi

Đi mua đồng nát nhiều nên cũng có kinh nghiệm. Đi qua các công trình đang xây dựng, thể nào chị Hòa cũng tìm gặp người quản lý và cho họ số điện thoại để bao giờ xong thì họ gọi mình đến thu mua sắt vụn. Chị Hải nói: “Những lần như thế, tuy xe chở nặng mà lòng nhẹ bẫng chứ không nặng nề như những hôm sau xe nhẹ tênh” .

Thành phố tuy mang đến những thuận lợi nhưng hiểm nguy tiềm ẩn không phải là ít. Trong câu chuyện các chị kể thì có nhiều chị còn khá trẻ nên trong quá trình đi thu mua đồng nát còn bị những gã sở khanh sàm sỡ, trong trường hợp đó thì đành phải tìm cách thoát thân. Có những chị còn bị nghiện xin đểu, trấn lột nữa. Mồ hôi công sức ngày đó coi như công dã tràng.

Những mơ ước bình dị

Thu mua đồng nát có thể coi là công việc tầm thường của xã hội nhưng chính người làm công việc ấy lại nuôi dưỡng trong mình những mơ ước không tầm thường. Vợ chồng chị Mai năm nay đều đã ngoài 50 tuổi, nhà có 2 đứa con thì một bị tai nạn qua đời, giờ 2 vợ chồng miệt mài lao động chăm chút cho đứa con gái đang đi học đại học ở Hà Nội. Miễn là con gái được bằng bạn bằng bè còn chị vất vả quen rồi, thêm chút nữa cũng chẳng sao. Chị cho biết: “Con gái cũng thương tôi lắm, nó ăn tiêu tằn tiện và học giỏi. Bây giờ tôi chỉ mơ ước, sau này cháu ra trường sẽ xin được việc làm ổn định, khi đó tôi cũng sẽ thôi không đi thu mua đồng nát nữa”.

Điểm cuối là những tiệm đầu mối thu mua đồng nát

Điểm cuối là những tiệm đầu mối thu mua đồng nát

Không riêng gì chị Mai, trong bất kỳ câu chuyện nào của các chị đồng nát cũng ẩn chứa những lo toan và mơ ước về chuyện học hành, tương lai cho con cái. Chị Thương cho biết: “Con tôi thấy bố bê tha còn mẹ phải vất vả nên ngoan lắm, chị em chúng tự bảo ban nhau học hành, tự nấu cơm ăn. Thành tích học tập của các cháu là nguồn động viên lớn để tôi tiếp tục công việc cực khổ này. Chỉ mong sau này các cháu đỗ đạt, có việc làm ổn định thôi”.

Để nuôi dưỡng những ước mơ nhỏ nhoi đó, mỗi ngày trên đường phố hay khắp các ngõ quê, ta lại nghe tiếng bì bọp, bì bọp… Hình ảnh người phụ nữ gò mình trên những chuyến xe cà tàng chở đầy đồng nát thật bình dị những cũng rất đẹp đẽ…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast